(Tổ Quốc) - Luật sư của bà Thảo đánh giá vụ án này có tính chất quan trọng, phán quyết của Tòa án các cấp không công bằng, có thể trở thành tiền lệ xấu trong việc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ.
Ngày 14/1, Luật sư Đặng Ngọc Hoàng Hưng – Đại diện theo ủy quyền của bà Lê Hoàng Diệp Thảo vừa có trao đổi đầu tiên liên quan đến Kiến nghị về việc hủy các bản án, quyết định vụ Tranh chấp hôn nhân gia đình giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo để xét xử lại.
Kiến nghị thể hiện quyết tâm của Viện KSND tối cao
Luật sư Hoàng Hưng cho hay, ông đánh giá cao và hoàn toàn đồng ý với nội dung kiến nghị của Viện KSND tối cao về việc xem xét lại Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo thủ tục đặc biệt trong vụ án ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Luật sư Hoàng Hưng cũng cho rằng, vụ án này có tính chất quan trọng, tránh trở thành những tiền lệ xấu mà còn có thể trở thành án lệ, làm ảnh hưởng lớn đối với xã hội, đặc biệt là vai trò của người phụ nữ làm kinh tế.
Theo ông, kiến nghị này thể hiện sự quyết tâm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc thực thi nhiệm vụ kiểm sát việc xét xử của Tòa án, đảm bảo việc ra Bản án khách quan, công bằng, đúng pháp luật, đảm bảo hài hòa quyền lợi cho các bên đương sự, giải quyết được sự bức xúc của dư luận trong suốt thời gian qua, thể hiện việc thực thi công lý đúng đắn.
"Đối với yêu cầu chia tài sản thì việc thẩm định giá có giá trị ý nghĩa hết sức quan trọng nên Chứng thư thẩm định giá là một chứng cứ vô cùng quan trọng.
Và như nhận định của Viện KSND tối cao tại văn bản Kiến Nghị: việc Tòa án các cấp (sơ thẩm và phúc thẩm) sử dụng các tài liệu chưa đảm bảo giá trị chứng cứ như: Chứng thư thẩm định giá hết hiệu lực; Báo cáo tài chính chưa được kiểm toán; phương pháp xác định giá không đúng pháp luật và bỏ sót tài sản doanh nghiệp, không định giá giá trị vô hình, thương hiệu… là không phù hợp, không đảm bảo tính khách quan và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của đương sự", luật sư Hoàng Hưng phân tích.
Bà Thảo trực tiếp tham gia hoạt động kinh doanh, điều hành, quản lý từ khi Trung Nguyên còn là "con số 0"
Luật sư cũng đánh giá, vấn đề nổi cộm nhất trong vụ án này là cách thức xác định tài sản và tỷ lệ phân chia tài sản chung. Rõ ràng, bà Lê Hoàng Diệp Thảo là một doanh nhân, cùng ông Đặng Lê Nguyên Vũ giữ vai trò cổ đông sáng lập của các Công ty trong Tập đoàn Trung Nguyên.
Bà Thảo trực tiếp tham gia hoạt động kinh doanh, điều hành, quản lý doanh nghiệp từ khi Trung Nguyên còn là một Hợp tác xã Xí nghiệp cà phê cho đến khi Trung Nguyên thành một Tập đoàn, có thể nói từ con số không trở thành số một như hiện nay và đưa thương hiệu Trung Nguyên trở nên nổi tiếng cả trong lẫn ngoài nước.
"Tất cả các công ty yêu cầu phân chia trong vụ án này đều được hình thành và thành lập mới hoàn toàn sau khi ông Vũ và bà Thảo kết hôn nên cổ phần tại các công ty này dù đứng tên ai cũng đều là tài sản chung của vợ chồng. Vì vậy, việc Tòa án các cấp buộc bà Thảo phải rời khỏi Trung Nguyên, buộc phải nhận tiền (giá trị) thay cho việc nhận hiện vật bằng cổ phần Công ty để "khởi nghiệp" lại là vừa không đảm bảo quyền được kinh doanh của một doanh nhân, vừa không công bằng với người phụ nữ trong quan hệ kinh doanh chung với chồng và trái với các quy định của pháp luật, gây bức xúc lớn và bất công cho người phụ nữ.
Trong khi đó bà Thảo là một doanh nhân và cũng là người trực tiếp nuôi dưỡng 4 người con nên đáng lẽ ra Tòa án phải công tâm, đánh giá công sức và phải được đảm bảo duy trì quyền lợi cho các con và tiếp tục phát triển doanh nghiệp.
Như đánh giá của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong vụ án này từ việc Tòa án giao cho ông Vũ được quyền sở hữu toàn bộ số cổ phần là tài sản chung của vợ chồng cho đến việc Tòa án chia cho bà Thảo ít hơn ông Vũ 20% giá trị tài sản tại ngân hàng, cổ phần, phần vốn góp tại các Công ty trong Tập đoàn Trung Nguyên, đều cho thấy đã vi phạm nguyên tắc quyền tự do kinh doanh, nguyên tắc nam nữ bình đẳng, nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân theo quy định của Hiến pháp, Luật hôn nhân và gia đình và Luật bình đẳng giới", luật sư của bà Lê Hoàng Diệp Thảo chia sẻ.
Phán quyết không công bằng, có thể trở thành tiền lệ xấu trong việc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ
"Tôi cho rằng phán quyết của Tòa án các cấp không chỉ không công bằng, không đảm bảo quyền lợi của bà Thảo – người phụ nữ trong gia đình, mà rất có thể nó sẽ trở thành một tiền lệ xấu cho việc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ sau này. Vì thế, rất mong Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sẽ công tâm, xem xét một cách khách quan, toàn diện nội dung vụ án để có quyết định thấu tình đạt lý, không còn sai phạm nghiêm trọng và không gây bức xúc cho dư luận, đặc biệt là nhóm yếu thế là phụ nữ", luật sư Hoàng Hưng nói.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ kết hôn với bà Lê Hoàng Diệp Thảo năm 1998. Đến năm 2015, bà Thảo xin ly hôn đơn phương. Sau 10 lần hòa giải bất thành, TAND TP HCM xử sơ thẩm năm 2019, tuyên chấp thuận đơn của bà, trao quyền nuôi dưỡng các con; ông Vũ cấp dưỡng mỗi năm 10 tỷ đồng tính từ năm 2013 đến khi các con học xong đại học.
Theo phán quyết giám đốc thẩm trước đó, ông Vũ được sở hữu 60% cổ phần, nắm quyền điều hành tập đoàn Trung Nguyên và trả tiền cho bà Thảo với số cổ phần bà sở hữu. Sau đó bà Thảo kháng cáo nhưng TAND Cấp cao xử phúc thẩm tuyên y án.
Sau đó, bà Thảo làm đơn yêu cầu cấp giám đốc thẩm hủy toàn bộ bản án. Năm 2020, VKSND Tối cao ra kháng nghị hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm vì cho rằng "có nhiều sai phạm".
Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ra Quyết định Giám đốc thẩm, cho ông Vũ bà Thảo được ly hôn. Tài sản chung hơn 7.900 tỷ đồng được chia ông Vũ gần 4.700 tỷ còn bà Thảo hơn 3.200 tỷ.
Theo đó, bà Hoàng Thảo được chia 7 khu đất giá 375 tỷ đồng và hơn 1.500 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Ông Vũ nhận 6 khu đất trị giá hơn 350 tỷ đồng cùng toàn bộ cổ phần, vốn góp của 2 người tại Tập đoàn Trung Nguyên giá hơn 5.600 tỷ đồng nhưng phải trả cho vợ hơn 1.300 tỷ đồng.
Minh Ngọc