Luật sư: “Boom” hàng shipper trong mùa dịch là vi phạm pháp luật, phải gánh lấy hậu quả pháp lý

(Tổ Quốc) - Đây là nhận định của Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh trước tình trạng nhiều người đặt hàng shipper mà sau đó không nhận hàng (thường được gọi là “boom” hàng).

Tình trạng "boom" hàng shipper không phải mới xuất hiện mà tồn tại từ lâu, đau lòng hơn là thời gian gần đây việc "boom" hàng shipper diễn ra nghiêm trọng hơn (số đơn hàng nhiều, giá trị đơn hàng bị "boom" lớn, thậm chí có trường hợp "boom" hàng nhằm mục đích gây rối cho người khác…).

Theo quy định về pháp luật hợp đồng, khi người mua đặt hàng và người bán chấp nhận bán là hai bên đã xác lập hợp đồng mua bán; bởi vậy, người bán có nghĩa vụ giao hàng đúng cam kết, người mua phải nhận hàng và trả tiền cho người bán. Như vậy, người nào "boom" hàng shipper không chỉ là vô cảm mà còn vi phạm pháp luật và phải gánh lấy hậu quả pháp lý; cụ thể, người "boom" hàng shipper phải bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng theo Điều 419 Bộ luật Dân sự 2015.

Luật sư: “Boom” hàng shipper trong mùa dịch là vi phạm pháp luật, phải gánh lấy hậu quả pháp lý - Ảnh 1.

Hơn chục shipper "ngậm đắng nuốt cay" vì bị "bom" hàng rất khó hiểu tại một địa chỉ - sự việc gây xôn xao trong dư luận thời gian qua

Hiện nay, thông thường bên bán chỉ mới dừng lại ở việc hỗ trợ shipper bị "boom" hàng bằng cách mua lại lượng hàng bị "boom" chứ chưa thực hiện quyền khởi kiện người "boom" hàng ra Toà án yêu cầu bồi thường thiệt hại. Việc bên bán không thực hiện quyền khởi kiện người "boom" hàng cũng là một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng "boom" hàng ngày một nhiều và nghiêm trọng hơn.

Trước thực trạng nêu trên, kiến nghị bên bán cần phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ, sàn thương mại điện tử để thu thập thông tin chính xác từ khách hàng, định danh rõ ràng khách hàng để làm cơ sở ràng buộc trách nhiệm đối với họ; trường hợp họ cố tình "boom" hàng thì cần khởi kiện họ ra Toà án yêu cầu bồi thường thiệt hại, có như vậy sẽ đảm bảo quyền lợi cho bên bán, cũng như mang tính răn đe đối với người "boom" hàng, từ đó sẽ giảm bớt tình trạng "boom" hàng đối với shipper.

Đồng thời, bên bán cần có chính sách hỗ trợ thuận lợi hơn cho các shipper bị "boom" hàng (thủ tục mua lại lượng hàng bị "boom" đơn giản, hoàn tiền lại cho shipper nhanh gọn) để đảm bảo quyền lợi của shipper.

Ngoài việc người "boom" hàng phải gánh lấy hậu quả pháp lý bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng cho bên bán thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng cần ban hành quy định để xử lý nghiêm các đối tượng "boom" hàng với ý đồ xấu (như là, "boom" hàng với mục đích giải trí, cùng lúc đặt nhiều đơn hàng đến cùng một địa chỉ nhằm gây rối cho chủ nhà, gây mất an ninh trật tự...). Có như vậy, thì bên bán, shipper, người khác sẽ không còn gặp khó khăn, phiền phức do những người "boom" hàng gây ra.

LS Phạm Thanh Hữu

Tin mới