(Tổ Quốc) - Nấm mốc có thể xuất hiện và phát triển nhanh chóng, đặc biệt nếu nhiệt độ ngoài trời nóng và độ ẩm trong nhà cao.
Không ít các diễn dàn và blog tư vấn sức khỏe chỉ ra những tác động xấu của nấm mốc đối với sức khỏe và thậm chí thuyết phục mọi người loại bỏ chúng ngay nếu không muốn bị “ngộ độc nấm mốc”. Một số người còn đề xuất các phương pháp giải độc cơ thể nhằm loại bỏ nấm mốc như bổ sung than hoạt tính hoặc áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh.
Dù vậy, theo Purvi Parikh, chuyên gia y khoa kiêm nhà dị ứng học tại Hội đồng Dị ứng & Hen suyễn Hoa Kỳ, những biện pháp này không phù hợp với một số người bị nhạy cảm với nấm mốc. Họ gặp phải các triệu chứng giống như dị ứng và thậm chí mắc nhiễm trùng trong trường hợp nghiêm trọng.
Nấm mốc ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe?
Trên thực tế, nấm mốc có thể xuất hiện trong nhà mà thậm chí bạn không hay biết. Nấm mốc xuất hiện trong nhà, thường ở những khu vực có nước đọng và ảnh hưởng xấu tới những người bị dị ứng, hen suyễn hoặc suy giảm miễn dịch. Chúng trở thành tác nhân kích thích và khiến triệu chứng của bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Theo SCMP, nấm mốc là một loại độc tố có nồng độ thấp, độc tính cao và có khả năng chịu nhiệt độ cao. Chúng thường phát triển trong điều kiện ẩm ướt hoặc những nơi bí khí, không thông thoáng. Nấm mốc lây lan và sinh sản bằng cách tạo ra các bào tử - một thành phần phổ biến của bụi trong nhà ở và nơi làm việc.
Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã công bố rằng, nấm mốc thật sự độc hơn 68 lần so với asen và được xếp vào loại chất gây ung thư hạng nhất. Nó có thể đi qua hệ thống tiêu hóa của cơ thể, tiếp xúc với da, đường hô hấp rồi làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí là tăng nguy cơ gây ung thư.
Những loại nấm phổ biến nhất gây dị ứng, hen suyễn hoặc nhiễm trùng đường hô hấp là Aspergillus, Alternaria, Penicillium và Cladosporium. Theo chuyên gia Parikh, dị ứng có thể phát triển theo thời gian do thường xuyên tiếp xúc với nấm mốc trong nhà. Nhìn chung, những người dễ mắc bệnh, suy giảm miễn dịch có thể bị nhiễm trùng nếu chúng xâm nhập vào phổi hoặc máu.
Vì vậy, mọi người cần chú ý tới những khu vực trong nhà có khả năng phát triển nấm mốc và theo dõi các triệu chứng, đi khám khi cần thiết.
Dị ứng nấm mốc có thể gây nên triệu chứng nào?
Theo chuyên gia Parikh, tình trạng này khiến các cơn hen suyễn xảy ra thường xuyên hơn, đi kèm với hiện tượng thở khò khè và khó thở.
Hơn nữa, nhiễm trùng nấm mốc còn có khả năng gây sốt trên 38°C, tụt huyết áp, đau tức ngực, chóng mặt và thậm chí khó thở. Tuy nhiên, hiện tượng này thực sự hiếm gặp và thường xuất hiện ở những người sở hữu hệ miễn dịch rất yếu.
Phương pháp điều trị dị ứng liên quan đến nấm mốc tùy thuộc vào từng người. Bác sĩ có thể kê thuốc nhỏ mắt, thuốc xịt mũi hoặc thuốc kháng histamin. Tiêm cũng là một biện pháp đã được chứng minh có hiệu quả trong điều trị dị ứng nấm mốc. Đối với các triệu chứng hô hấp nghiêm trọng liên quan đến hen suyễn, bạn cần dùng tới thuốc hít hoặc các loại thuốc bổ sung như steroid.
Liệu có cách nào chống nấm mốc tại nhà?
Không ít người cho rằng một số phương pháp như kích thích cơ thể ra nhiều mồ hôi, dùng than hoạt tính và thanh lọc đường ruột sẽ giúp loại bỏ nấm mốc ra khỏi cơ thể. Trên thực tế, những việc làm này chưa hề được chứng minh có hiệu quả trong điều trị các vấn đề sức khỏe liên quan tới nấm mốc.
Nếu bạn nằm trong nhóm người sở hữu hệ miễn dịch kém hoặc có nguy cơ cao phải đối mặt với các triệu chứng dị ứng, hen suyễn, hãy giải quyết nấm mốc ngay khi phát hiện ra chúng.
Để ngăn chặn sự phát triển của nấm mốc trong nhà, mọi người nên sử dụng máy hút ẩm, đặc biệt trong những ngày trời mưa hay độ ẩm ngoài trời cao. Khi tắm, bạn cần lưu ý bật quạt thông gió hoặc mở cửa sổ thông khí nhằm tránh tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển theo thời gian.
Theo Women'shealth
Mai Nhung