(Tổ Quốc) - Thứ quả mà chúng ta đang nhắc đến đó là quả lựu. Ngoài những công dụng tuyệt vời cho làn da, lựu còn nổi tiếng trong việc tăng cường "sinh lực".
Loại quả giàu collagen và bổ ngang Viagra
Từ tháng 9 đến tháng 2 hàng năm là mùa của quả lựu. Trong thời gian này, chị em thường tận dụng lựu như một món tráng miệng ngon lành, tốt cho sức khỏe.
Quả lựu xứng đáng được mệnh danh là "loại quả của sắc đẹp". Nó chứa lượng vitamin C dồi dào và một loạt các chất chống oxy hóa mạnh. Nếu ăn lựu đều đặn, phụ nữ có thể bảo vệ cơ thể thoát khỏi tổn thương từ gốc tự do và giảm mức độ viêm. Đặc biệt, nhờ có chứa một hợp chất gọi là Punicalagins, mà lựu có thể giúp duy trì collagen trong da, giúp cho da luôn căng bóng, hồng hào, rạng rỡ.
Không chỉ mang lại lợi ích cho làn da của phụ nữ. Quả lựu còn được chứng minh rất có lợi trong việc tăng cường "sinh lực". Nhiều người cho rằng, trái cấm của Kinh Thánh không phải quả táo mà chính là quả lựu. Từ khi bắt đầu có chữ viết, lựu đã bắt đầu gây ấn tượng như một biểu tượng của ân ái, nó đã được nhắc đến trong nhiều tác phẩm thơ, văn của các nhà văn lớn.
Theo các nhà nghiên cứu tại Murcia, Tây Ban Nha, quả lựu thực sự có tác dụng trong việc tăng cường đời sống ái ân và khiến con người lưu giữ thanh xuân lâu dài.
Lựu có chứa một lượng chất chống oxy hóa khổng lồ. Thậm chí, các chất chống oxy hóa này còn lớn hơn 3 - 4 lần so với trà xanh hay rượu vang đỏ. Có lẽ lợi ích của các chất chống oxy hóa đã khiến lựu trở thành loại thuốc "kích thích khoái cảm" nổi tiếng.
Quả lựu cũng xứng đáng là "thần dược" của hội chị em vì có chứa rất nhiều vitamin E, beta caroten, kẽm, selen và polyphenol, giúp bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do gây lão hóa, các bệnh tim mạch, bệnh Azheimer và cả bệnh ung thư.
Trong Đông y, lựu cũng là một loại thuốc chữa bệnh
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), lựu là loại quả ngon, bổ, trong Đông y có thể tận dụng quả lựu để làm thuốc trị bệnh. Vỏ thân, vỏ rễ và vỏ quả đều dùng làm thuốc được, nếu dùng tươi thì tốt hơn, nếu khô thì trước khi dùng phải ngâm nước vài ba giờ để lấy lại nguyên chất.
- Trị tiêu chảy, tiểu ra máu: Lấy 15g vỏ lựu đi sắc 3 lần, mỗi lần với một bát nước, cô lại còn 250ml, chia làm 3-4 lần uống trong ngày cho đến khi khỏi bệnh.
- Tẩy giun sán: Chuẩn bị 60g rễ lựu tán vụn, 750ml nước. Ngâm rễ lựu tán vụn trong 6 giờ rồi sắc nước cho đến khi còn 500ml chia uống làm 3 lần, cách nhau nửa giờ vào sáng sớm. Sau khi uống cuối giờ thứ hai thì dùng một liều thuốc tẩy. Nên đi đại tiện vào chậu nước ấm thì sán ra.
- Tẩy giun đũa, giun kim, giun tóc: Lấy 15g vỏ lựu, 10g hạt cau già. Sắc 3 lần rồi cô lại còn 100ml rồi thêm 20g đường cát. Uống vào buổi tối trước khi đi ngủ (sau khi ăn 3 giờ), liên tục trong 3 ngày.
- Chữa lỵ kinh niên, phân có máu, mủ: Chuẩn bị vỏ quả lựu, a giao, đương quy mỗi thứ 10g, hoàng liên, hoàng bá, gừng tươi mỗi thứ 5g, cam thảo bắc 5g. Sắc 3 nước, cô lại còn 250ml, chia làm 4 lần uống trong ngày, uống 7-10 ngày.
- Chữa chảy máu cam: Lấy hoa lựu 6g, rửa sạch cho 250ml nước, sắc còn 100ml, chia 2 lần uống trong ngày. Mỗi liệu trình 5-7 ngày.
- Chữa sâu răng: Dùng vỏ thân cây lựu hoặc vỏ quả sắc đặc ngậm về phía răng sâu.
- Hỗ trợ trị viêm tiền liệt tuyến: Dùng 30g hoa lựu tươi nấu canh cùng thịt lợn ăn hàng ngày.
Lưu ý:
- Cần lựa chọn những quả lựu sạch, không hóa chất, lột lấy vỏ và phơi khô để sử dụng dần.
- Trong quá trình điều trị, người bệnh tuyệt đối không được uống rượu bia, còn lại ăn uống hoàn toàn bình thường.
ĐẬU ĐẬU