(Tổ Quốc) - Dụng cụ nấu nướng có vai trò rất lớn đối với sức khỏe, do đó bạn nên cảnh giác nếu gia đình đang sử dụng loại nồi nguy hiểm dưới đây.
Chế độ ăn uống khoa học là phương pháp tốt nhất để phòng ngừa bệnh tật. Tuy nhiên, kể cả khi bạn đã lựa chọn thực phẩm lành mạnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì việc mắc lỗi trong khâu lựa chọn dụng cụ nấu nướng cũng vẫn có thể là nguyên nhân gây bệnh.
Dụng cụ nấu nướng là thứ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, do đó nếu chúng ta sử dụng những chiếc nồi, chiếc chảo được làm từ chất liệu có hại thì sức khỏe cũng sẽ bị đe dọa.
Loại nồi gây hại gan, thận mà các gia đình Việt sử dụng nhiều
Nhiều chuyên gia đã lên tiếng về mức độ nguy hiểm của: Nồi nhôm tái chế (nhôm gang).
Thực tế, nhôm là chất liệu vô cùng phổ biến đối với người Việt do nguồn cung cấp phong phú, bền, nhẹ, linh hoạt và dễ tái chế. Theo PGS. TS Trần Hồng Côn (khoa Hóa trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội): Nhôm là 1 loại kim loại, được phủ 1 lớp oxit nhôm bền. Điều đó giúp ngăn chặn không cho chất nhôm ở bên trong tan ra bên ngoài. Đồng thời cũng ngăn cản mọi tác động của môi trường vào phần nhôm ở bên trong nồi. Do đó, nếu nồi nhôm có nguyên liệu là nhôm tinh khiết thì sẽ vô cùng an toàn cho cơ thể.
Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng sử dụng nồi nhôm tinh khiết. Một số gia đình đang sử dụng nồi nhôm tái chế, tức là nhôm được nhặt lại từ tụ điện, nhôm vụn, đồng nát... sau đó được mang về nấu lại và ép thành nồi, chảo.
Lúc này, nhôm không còn tinh khiết nữa, trong nhôm có thể chứa vi chất, tạp chất bao gồm kẽm, đồng. Đáng nói loại nồi nhôm tái chế còn có thể chứa asen, antimon rất nguy hiểm, có thể gây nhiễm độc kim loại nặng cho người sử dụng.
Bên cạnh đó, hàm lượng chì trong các sản phẩm nhôm tái chế khá cao. Việc nạp quá nhiều chì sẽ khiến cơ thể xanh xao, loãng máu, giảm chức năng gan thận, gây ung thư.
Một bài báo gần đây từ Tạp chí Bệnh Alzheimer cho biết, việc tiêu thụ nhôm quá mức có thể dẫn đến bệnh Alzheimer và các bệnh thoái hóa thần kinh khác như Parkinson.
Đáng nói, trong quá trình tái chế, nhà sản xuất còn có thể độn thêm nhiều tạp chất khác vào nồi nhôm. Số tạp chất này có thể bung ra trong quá trình đun nấu, nhôi nhiễm vào thức ăn và có thể gây nhiễm độc nặng.
PGS. TS Trần Hồng Côn cảnh báo không nên dùng nồi nhôm tái chế để nấu ăn, có thể dùng nồi nhôm tái chế để nấu cám cho lợn, cho gà. Nếu thấy nồi nhôm bị xám đen lại và nổ lỗ chỗ, trong quá trình dùng nồi có sủi các bọt trắng li ti thì không nên tiếp tục sử dụng.
Kể cả khi bạn sử dụng nồi nhôm tinh khiết, cũng cần phải lưu ý 1 số điều sau đây:
- Tránh nấu ăn bằng nồi nhôm trong thời gian dài. Không được để nồi nhôm bị cháy trong quá trình đun nấu.
- Tránh đựng thức ăn qua đêm trong nồi chảo nhôm.
- Không sử dụng nồi nhôm trong việc đựng các loại dưa, cà… Do nhôm không chịu được các chất có tính ăn mòn nên nếu dùng để đựng các thức ăn có chất axit, chất kiềm, chất muối thì sẽ sinh phản ứng hóa học, tạo nên một hợp chất có hại cơ thể.
Các bà nội trợ nên sử dụng loại nồi nào để đảm bảo an toàn?
Nếu không thể lựa chọn loại nồi nhôm tinh khiết. Các bà nội trợ có thể thay thế bằng nồi gang hoặc dụng cụ nấu ăn bằng thép không gỉ để nấu nướng trên bếp. Và thủy tinh để sử dụng trong lò nướng.
Những chiếc nồi an toàn hơn này có thể khó làm sạch hơn một chút, nhưng đó là một cái quá nhỏ để bảo vệ sức khỏe của bạn.
Ngoài ra trong quá trình nấu ăn, các bà nội trợ cũng cần sử dụng máy hút mùi; ăn nhiều đồ hấp, luộc thay vì đồ chiên rán; hạn chế sử dụng muối; không dùng dầu đã qua sử dụng nhiều lần... có như vậy mới đảm bảo rằng việc nấu ăn không gây hại cho sức khỏe.
Đậu Đậu