(Tổ Quốc) - Nhìn vào lĩnh vực bán lẻ, khó tìm thấy doanh nghiệp nào năng động, sẵn sàng thử nghiệm như Thế Giới Di Động; doanh nghiệp này mới hợp tác với F88 tung dịch vụ cho vay tiêu dùng.
Liên tục mở mới và hướng đến mô hình đa dịch vụ
Nhìn lại, Thế Giới Di Động đã có một năm 2021 nỗ lực vượt bậc trong bối cảnh thị trường bán lẻ phủ gam màu xám bởi ảnh hưởng từ đại dịch.
Vượt qua những tháng đóng cửa do giãn cách kéo dài, hệ thống này đã mở được hơn 500 cửa hàng Điện máy Xanh Supermini, dự kiến đến cuối năm nay đạt trên 800 cửa hàng với doanh thu kỳ vọng hơn 7.000 tỷ.
Thời điểm tháng 10, Thế Giới Di Động bất ngờ trình làng 4 cửa hàng TopZone chuyên bán sản phẩm của Apple. Chỉ trong tháng 11, chuỗi mới này đã vượt xa kỳ vọng ban đầu của công ty khi đóng góp hơn 110 tỷ đồng, tương đương mức doanh thu trung bình hơn 25 tỷ đồng/cửa hàng mỗi tháng. Dự kiến cuối năm nay, Thế Giới Di Động vận hành tổng cộng 10 cửa hàng TopZone với ước tính doanh số ổn định mỗi tháng đạt 8-10 tỷ đồng/cửa hàng.
Không dừng lại ở đó, nhà bán lẻ vẫn đang ráo riết chuẩn bị cho sự ra mắt của AVAWorld với những mảng kinh doanh mới hoàn toàn như: thời trang, thể thao, mẹ và bé, trang sức, xe đạp… trong thời gian tới.
Đặc biệt, Thế Giới Di Động cũng tìm cách tối ưu từng m2 để phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng. Phần diện tích bên ngoài của Điện máy Xanh hiện tại được tận dụng để mở thêm 150 cửa hàng bán xe đạp, giúp ông lớn bỏ túi 400 tỷ đồng kể từ thời điểm mở cửa vào tháng 5 đến nay. Thành công từ mô hình ‘shop in shop' của ông lớn này còn có thể kể đến mặt hàng đồng hồ đã ít nhiều tạo tiếng vang, và tiến đến là những thử nghiệm mới với trang sức, mắt kính…
Không chỉ đẩy mạnh mở rộng hệ thống và các nhóm hàng, Thế Giới Di Động còn linh hoạt "nâng cấp" loạt dịch vụ tiện ích đa dạng ngay trong các cửa hàng hiện hữu. Từ hỗ trợ thanh toán hóa đơn điện, nước, Internet… tới nay, khách hàng đến với Thế Giới Di Động còn có thể mua cả bảo hiểm xe máy/ô tô, hay thậm chí nạp tiền, rút tiền và chuyển khoản như tại điểm giao dịch của ngân hàng mà không cần bước ra khỏi cửa hàng bán lẻ. Như vậy, các dịch vụ thiết yếu phục vụ cuộc sống của người dân gần như đang được tích hợp đầy đủ vào các cửa hàng của tập đoàn này.
Mảnh ghép tiếp theo cho mô hình đa dịch vụ
Mới đây, thêm một mảnh ghép vừa được Thế Giới Di Động đưa vào trải nghiệm chính là dịch vụ cho vay tiền mặt cung ứng bởi F88, đang triển khai giai đoạn đầu tại TPHCM. Gói sản phẩm cho vay trung bình khoảng 10 triệu đồng, trả dần trong vòng 6 tháng theo dư nợ giảm dần.
Khách hàng chỉ cần cung cấp chứng minh hoặc căn cước công dân, kèm theo thông tin của tài sản (cà vẹt xe) là đủ điều kiện duyệt vay trong vòng 15 phút. Khách hàng không cần mua hàng tại Thế Giới Di Động cũng như không cần chứng minh thu nhập. F88 thực hiện toàn bộ việc duyệt hồ sơ và giải ngân, trong khi Thế Giới Di Động đóng vai trò là điểm đến của những khách hàng có nhu cầu.
Với các khoản vay ở mức 10 triệu đồng, khách hàng thường chọn trả dần trong vòng 6 tháng. Vậy với chi phí vay 7,5%/tháng theo dư nợ giảm dần trong 6 tháng từ gói sản phẩm của F88, tổng số tiền khách phải trả sẽ rơi vào khoảng 12,8 triệu đồng cả gốc lẫn phí vay. Cụ thể, hàng tháng khách hàng phải trả trung bình cả gốc và chi phí vay là hơn 2,1 triệu đồng.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, trong 10 năm từ 2010 - 2020, tăng trưởng bình quân của tín dụng tiêu dùng là 33,7%, cao hơn gần gấp đôi so với tăng trưởng dư nợ tín dụng bình quân toàn nền kinh tế. Trong thời gian này, có hơn 30 triệu lượt khách thực hiện các khoản vay tiêu dùng. Với khoảng 60 triệu người Việt Nam có thu nhập trung bình và thấp, nhu cầu vay tiền mặt tiêu dùng được đánh giá là cấp thiết trong thời gian tới, đặc biệt sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch vừa qua.
Trường hợp anh Hải (Hóc Môn, TP.HCM) là một điển hình. Anh là xe ôm công nghệ trang trải cho gia đình 4 miệng ăn, vợ anh gần đây muốn mở một xe đẩy bán bánh mì mà không có vốn. Hai anh chị có ý định vay ngân hàng nhưng không đủ điều kiện, trong khi nếu liên hệ các số điện thoại quảng cáo cho vay thường dán trên cột điện có thể vướng vào tín dụng đen, không trả được thì lãi chồng lãi, thậm chí bị khủng bố tinh thần… khiến anh chị ngay lập tức chùn bước.
Có thể thấy, dịch vụ của F88 mang đến giải pháp nhanh chóng và thực tế, đáp ứng nhu cầu hiện hữu của hàng triệu người như anh Hải tính đến thời điểm hiện tại. Đồng thời, "F88 cũng là mảnh ghép để Thế Giới Di Động hướng tới phục vụ khách hàng trọn vẹn tại một điểm đến", ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Chuỗi Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh chia sẻ.
Được biết, F88 thành lập năm 2013, cấp phép bởi Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Nhờ mô hình hoạt động tiềm năng, công ty này đã được các quỹ uy tín như Mekong Capital và Granite Oak rót vốn, đồng thời đang là đối tác của nhiều ngân hàng và công ty fintech tên tuổi. Tính tới tháng 12/2021, hệ thống này được đánh giá là dịch vụ cho vay cầm cố và cung cấp các tiện ích tài chính lớn nhất cả nước với 500 phòng giao dịch trên toàn quốc.
Việc bắt tay với F88 không chỉ cho thấy sự cẩn trọng của Thế Giới Di Động nhằm đem đến an tâm cho khách hàng, mà lần nữa minh chứng sự năng động của nhà bán lẻ trong việc vượt qua khó khăn sau đại dịch.
Không ngừng nỗ lực đặt mục tiêu tăng trưởng, gia tăng thị phần và khai phá lĩnh vực mới, Thế Giới Di Động đang dần thu quả ngọt khi vừa qua, lũy kế 11 tháng, công ty ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 110.530 tỷ đồng (tăng 11% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế 4.395 tỷ đồng (tăng 22%). Theo ghi nhận, trong tháng này, doanh thu của nhà bán lẻ đạt 11.523 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 489 tỷ đồng, tăng lần lượt là 25% và 55% so với cùng kỳ 2020. Đây là tháng có doanh thu cao thứ hai kể từ đầu năm đến nay của công ty.
Với kết quả kinh doanh tăng mạnh cuối năm, Thế Giới Di Động đã hoàn thành 88% kế hoạch doanh thu và 93% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.
Thanh Xuân