(Tổ Quốc) - Da bỗng xuất hiện bóng nước, rồi tuột từng mảng khiến nhiều người rơi vào nguy kịch và được xác định đây là hội chứng Stevens-Johnson hiếm gặp.
Tiếp nhận liên tiếp 3 trường hợp hội chứng Stevens-Johnson hiếm gặp
Trong 1 tháng vừa qua, Bệnh viện quận Thủ Đức tiếp nhận 3 trường hợp liên tiếp về hội chứng hiếm gặp Stevens-Johnson (Stevens – Johnson Syndrome, SJS). Đây là những trường hợp đầu tiên mà khoa Hồi sức tích cực chống độc thuộc bệnh viện tiếp nhận và chữa trị thành công.
Đầu tiên là trường hợp bệnh nhân N.V.H (1949). Bệnh nhân nhập viện vào 20/4 với triệu chứng ngứa, nổi mẩn đỏ hết vùng đầu và mặt, sốt cao (39-40 độ C). Điều trị sốt tại khoa nội, sau đó tình trạng da bị phòng rộp, bong tróc ngày càng nặng, lan hết khắp cơ thể kèm tổn thương mắt, miệng, sinh dục, ông đã được chuyển qua khoa ICU (Hồi sức tích cực chống độc) để điều trị tiếp.
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân N.T.N.C (1973) có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Cô cũng mắc phải hội chứng Stevens-Johnson. Bệnh viện và khoa Hồi sức tích cực đã làm hểt sức mình để hỗ trợ và chữa trị cho cô nhưng những vùng da bị mất thượng bì vẫn cần phải có băng gạc chuyên dụng không dính để đắp lên vết thương, ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Biến chứng thường gặp ở hội chứng này là nhiễm trùng huyết, viêm phổi, mất nước, rối loạn điện giải. Điều trị dựa trên việc đánh giá mức độ tổn thương để phân loại người bệnh vào khoa bỏng hay khoa hồi sức tích cực với sự hỗ trợ từ nhiều chuyên khoa.
Thực hiện các xét nghiệm để tìm ra loại thuốc gây phản ứng dị ứng, từ đó ngưng sử dụng loại thuốc gây dị ứng càng sớm càng tốt để hạn chế tỷ lệ tử vong. Đây là bước khó khăn nhất vì thông thường bệnh nhân sử dụng nhiều loại thuốc cùng lúc nên rất khó xác định. Các loại thuốc bệnh nhân sử dụng trong vòng 1 tháng trước khi khởi phát bệnh đều có thể là nguyên nhân gây dị ứng. Việc giảm đau, hồi sức, truyền dịch, nâng cao dinh dưỡng và chăm sóc da chống nhiễm trùng cũng cần được quan tâm đặc biệt".
Hội chứng Stevens-Johnson là một dạng cơ thể phản ứng dị ứng
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng hội chứng Stevens-Johnson là một dạng cơ thể phản ứng dị ứng. Đối với hội chứng này, thường gặp nhất là do phản ứng dị ứng với thuốc. Hội chứng này rất ít khi xảy ra nhưng khi bệnh nhân mắc phải thì tình trạng người bệnh thường rất nặng và tỷ lệ tử vong cao, khoảng từ 3.2- 90%.
Bệnh nhân có nhiều sang thương đa dạng khác nhau nhưng triệu chứng thường gặp là da bị đỏ lên, nổi bóng nước, lớp thượng bì bị tách ra, tổn thương niêm mạc mắt, miệng, sinh dục. Bệnh nhân sẽ có cảm giác đau như bị phỏng. Một số bệnh nhân sẽ nổi hồng ban. Hội chứng này đa phần liên quan đến phản ứng dị ứng thuốc với một số nhóm thuốc nguy cơ cao như kháng sinh, an thần, giảm đau. Sau vài lần sử dụng, trong vòng 14-21 ngày, bệnh nhân sẽ khởi phát triệu chứng.
Chị Nguyễn Thị Linh Đức, điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức tích cực chia sẻ: "Nếu như các trường hợp thông thường khác, bệnh nhân chỉ cần một điều dưỡng để chăm sóc, nhưng với các ca này, tổn thương da lan rộng khắp cơ thể nên việc chăm sóc người bệnh đòi hỏi nhiều thứ hơn. Cần ít nhất khoảng 5 người để tắm rửa và thay băng cho bệnh nhân hằng ngày. Mỗi lần thay băng, chúng tôi đều phải cố gắng làm nhiều cách để giảm tối thiểu sự đau đớn cho người bệnh như chích thuốc giảm đau, động viên người bệnh bằng cách đưa một số hình ảnh mà những bệnh nhân khác cũng bị và đã được điều trị khỏi. Từ đó bệnh nhân mới có động lực mà chiến đấu tiếp".
Hội chứng Stevens-Johnson tuy hiếm gặp nhưng có thể xảy ra ở bất kỳ ai. Để hạn chế nguy cơ mắc hội chứng này, bệnh nhân phải dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý uống các thuốc không được kê đơn. Phải thông báo tình trạng dị ứng thuốc hay thức ăn cho thầy thuốc. Trong quá trình sử dụng thuốc nếu thấy có bất thường nhất là sốt cao, viêm miệng, nổi dị ứng, ban đỏ khắp người, cần cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.
MT