(Tổ Quốc) - Bình đẳng giới tính vẫn đang là cuộc chiến chưa có hồi kết.
Quá trình thúc đẩy bình đẳng giới tính đã và đang diễn ra trên toàn cầu nhưng một bộ phận không ít người vẫn giữ thái độ phân biệt giới tính. Hơn nữa, hầu như bất kì ai trong chúng ta đều có thể nằm trong số những người có xu hướng phân biệt giới tính đó.
Theo CNBC đưa tin, theo một báo cáo mới từ Liên Hiệp Quốc, gần 90% người, bao gồm cả nam và nữ, đều ít nhiều có định kiến với nữ giới. Các phát hiện được công bố gần đây dựa trên cuộc khảo sát mọi người đến từ 75 quốc gia, đại diện cho 80% dân số toàn cầu về 7 biện pháp đo lường chính về bình đẳng giới.
Những đo lường này bao gồm câu hỏi liệu đàn ông có làm lãnh đạo chính trị tốt hơn hay không?, nam và nữ có quyền học đại học và cơ hội việc làm như nhau không?, đàn ông có thể đảm nhận vị trí giám đốc kinh doanh tốt hơn? Hay liệu bạo lực thể xác đối với người yêu hay bạn đời được chấp nhận?
Có đến 91% nam và 86% nữ thể hiện bản thân có ít nhất một định kiến rõ rệt đối với phụ nữ, dựa trên 7 số liệu chính.
Một nửa số lượng người tham gia khảo sát cho biết họ nghĩ rằng đàn ông làm lãnh đạo chính trị tốt hơn phụ nữ trong khi 40% khác cảm thấy đàn ông sẽ điều hành doanh nghiệp hiệu quả hơn. Gần 30% trong số đó cho rằng đàn ông đánh người phụ nữ của mình là việc chấp nhận được.
Ngoài ra, nghiên cứu còn chỉ ra rằng phụ nữ có xu hướng bình đẳng giới tính hơn đàn ông. Tuy nhiên, xu hướng bất bình đẳng giới vẫn đang lan rộng cho cả 2 giới.
Theo báo cáo, vấn đề này sẽ phát triển theo chiều hướng tiêu cực hơn nữa trong tương lai. Tỷ lệ nam giới có thành kiến với phụ nữ tăng từ 89,4% vào 2004-2009 lên 89,9% vào năm 2010-2014. Tỷ lệ đó cũng tăng lên ở phụ nữ trong cùng thời kì, từ 83,4% lên 84,6%.
Theo Liên Hợp Quốc, nhiều quốc gia đang áp dụng nhiều biện pháp để xóa bỏ bất bình đẳng giới tính tuy nhiên ở một số nơi, tình hình ngày càng trở nên tồi tệ.
Báo cáo này được công bố trước ngày Quốc tế phụ nữ, dự kiến phụ nữ trên toàn cầu sẽ tập trung vào ngày 8/3 để tham gia diễu hành vì quyền phụ nữ. Chủ đề của năm nay là #EachforEqual sẽ tập trung vào bình đẳng giới tính toàn cầu và khái niệm chủ nghĩa tập thể.
(Nguồn: CNBC)
Imacho