(Tổ Quốc) - Bé Bảo An nhanh tay bóc phong bao lì xì ngay trước mặt họ hàng, rút tờ tiền bên trong ném vèo 1 cái rồi hí hửng cầm chiếc "vỏ không" đỏ thắm có in hình siêu nhân mà cậu chàng thích nhất...
Ý nghĩa thực sự của lì xì
Từ bao đời nay, ngày Tết cổ truyền luôn là dịp lễ được người Việt coi trọng nhất trong năm. Đó là thời gian hiếm hoi để gia đình, người thân quây quần sum họp bên nhau trong cuộc sống bộn bề lo toan này.
Có lẽ càng lớn thì chúng ta lại càng bớt đi sự háo hức đối với Tết, thế nhưng với đám nhỏ thì có lẽ ngay từ bây giờ chúng đã mải miết đếm ngược từng ngày.
Đã từ rất lâu, lì xì trở thành một tục lệ không thể thiếu trong những ngày Tết. Thông thường, cứ đến Tết, người lớn hay trẻ nhỏ đều xúng xính trong bộ quần áo mới, sửa soạn để đi chúc Tết họ hàng và bạn bè. Và có lẽ điều mong đợi nhất đối với tất cả mọi người luôn là màn lì xì đầu năm mới.
Tất nhiên, với đám nhỏ thì sự mong đợi đối với lì xì đầu năm lại càng lớn hơn nữa. Trong suốt những ngày Tết này, có lẽ, điều mà những đứa trẻ luôn chờ đợi và háo hức nhất là được người lớn tặng cho một chiếc bao lì xì đỏ thắm.
Phong bao lì xì mang rất nhiều ý nghĩa sâu xa và tốt đẹp. Phong bao là tượng trưng cho sự kín đáo, không so bì hơn thua, để tránh dẫn đến những xích mích không đáng có.
Màu đỏ của chiếc bao lì xì tượng trưng cho màu như ý, cát tường, thịnh vượng trong suốt cả năm.
Ngoài ra, đó cũng được coi là màu của niềm hy vọng và sự may mắn. Người được nhận lì xì luôn tin rằng những phong bao này sẽ đem lại hạnh phúc và tài lộc trong suốt cả năm.
Ý nghĩa của một chiếc bao lì xì không nằm ở số lượng là bao nhiêu mà chính là ở những thông điệp mà nó muốn gửi gắm tới người được nhận.
Màn đối đáp ngây thơ giữa 2 đứa nhỏ khiến cha mẹ đôi bên ngại ngùng
Càng về sau này, ý nghĩa của việc lì xì cho trẻ nhỏ không còn đơn thuần là "hay ăn chóng lớn", "học giỏi, ngoan ngoãn, nghe lời người lớn" như những câu chúc giản dị mà người lớn vẫn thường hay nói mỗi khi mừng tuổi cho trẻ nhỏ nữa.
Có đôi khi là bà ngoại muốn cho con đầu cháu sớm thêm đồng quà tấm bánh nên đã lặng lẽ "dúi" thêm chút ít. Cũng chẳng ít trường hợp nhân cơ hội này để tỏ thêm 1 chút lòng quan tâm đến gia đình cấp trên.
Chị Tâm (Ba Đình - Hà Nội) sợ công cuộc mừng tuổi cho trẻ nhỏ mỗi dịp Tết. Bản thân là 1 giáo viên, chị không hưởng ứng việc mừng tuổi "dày" cho trẻ, chính vì vậy với mỗi phong bao lì xì chị chỉ để những tờ tiền với đúng ý nghĩa may mắn.
"Với quan điểm như vậy nên đôi khi mình cũng rơi vào thế khó vô cùng. Có 1 năm mình dắt bé nhà mình đi chúc Tết gia đình anh trai mình. Sau khi mừng tuổi cho 3 bé nhà anh trai thì bác cũng mừng tuổi cho bé nhà mình. Mãi cho đến khi về nhà bóc phong bao ra mới giật mình vì số tiền 1 phong bao này gấp nhiều lần 3 phong bao mình mừng cho các cháu".
Chị Tâm cười khổ vì bản thân muốn giữ vững quan điểm về việc mừng tuổi trẻ nhỏ sao cho đúng với ý nghĩa của phong bao lì xì cũng chẳng hề đơn giản, đôi khi nó trở thành cách người lớn ứng xử với nhau.
Gần giống với chị Tâm nhưng dường như trường hợp của chị Huyền (Ba Đình - Hà Nội) có vẻ ngại ngùng hơn nữa.
Vốn là 1 đại gia đình tứ đại đồng đường, chị Huyền và cô em họ chơi thân với nhau từ bé, đến khi lập gia đình và có con, thì con cái của 2 gia đình lại tiếp tục chơi rất thân với nhau.
Cũng bởi vậy, vợ chồng chị Huyền và vợ chồng cô em họ đã rơi vào 1 tình huống khiến 4 người lớn phải đỏ mặt nhìn nhau.
"Con gái mình và con trai của cô em chơi với nhau thân lắm vì cũng chạc tuổi nhau, lại còn học chung 1 trường vì cùng hộ khẩu mà. Tết năm ngoái sau màn mừng tuổi tưng bừng, 2 cô cậu lôi nhau ra 1 góc bóc lì xì, bóc xong chúng nó cãi nhau ỏm tỏi vì đứa em lêu lêu đứa chị của em nhiều hơn, con gái mình dễ dỗi nên chạy ra khóc mếu đòi dì cho thêm".
Chắc hẳn chuyện dở khóc dở cười này chẳng của riêng ai. Đôi khi niềm vui nho nhỏ của con trẻ lại là khiến người lớn không khỏi ngượng chín mặt với nhau.
Có siêu nhân, người nhện thì "ruột" phong bao đều xếp sau hết!
Thực chất, trẻ con chưa chắc đã hiểu bên trong phong bao đỏ có tờ tiền màu gì hay có bao nhiêu tờ tiền. Chúng chỉ cảm thấy hứng thú khi được mừng tuổi vào đầu năm mới, được mặc quần áo mới, được đi chơi khắp mọi nơi mà thôi.
Tết với đám trẻ thuần thúy đã là muôn vàn niềm vui rồi, nhiều hơn ít hơn 1 chút bên trong mỗi bao lì xì không phải là điều khiến chúng phấn khởi hơn hay bớt vui đi xíu nào.
Không ít những đứa trẻ thậm chí chỉ cần nhiều tờ tiền kể cả đó là những tờ tiền lẻ thay vì 1 tờ tiền với mệnh giá thật lớn.
Câu chuyện hài hước của chị Phương Anh chính là như vậy, cậu con trai của chị đã hùng dũng làm ra 1 hành động khiến ai cũng phải bật cười.
"Bảo An rất thích lì xì nhé! Có năm hết Tết rồi bạn ý còn lon ton chạy xuống hỏi ông ngoại lì xì cho con cơ. Hôm đó nhà có khách đến chúc Tết, Bảo An sau khi khoanh tay ngoan ngoãn nhận lì xì thì thản nhiên bóc ngay trước mặt quan khách. Lúc đó, mình đứng hình không biết làm gì luôn.
Tiếp đó, cậu chàng cầm ngay tờ tiền ném 1 cái vèo đi đâu đó không ai kịp nhìn luôn. Mãi sau mình nhìn kĩ mới thấy hóa ra cái phong bao lì xì có in hình Người Nhện mà cậu ý thích nhất. Nhìn thấy phong bao có hình Người Nhện xịn xò là cậu chàng không cần biết tiền là cái gì luôn!"
Chị Thảo (Hoàng Mai - Hà Nội) cũng chia sẻ nếu có súng trước mặt thì tiền lì xì chắc chắn không có cửa lọt vào mắt xanh của cậu ấm nhà mình.
Với trẻ nhỏ, màu sắc và những hình thù được trang trí trên phong bao lì xì đã gây ấn tượng mạnh với chúng rồi, mệnh giá bên trong không giúp tăng hơn niềm vui nhưng chắc chắn sẽ tăng thêm nhiều đắn đo suy nghĩ cho người lớn.
Những chiếc bao lì xì gắn kết mọi người với nhau hơn, là lúc được thể hiện tình cảm, sự hy vọng vào một năm mới ấm áp, an lành và gặp thật nhiều may mắn. Hãy lì xì làm sao cho niềm vui trọn vẹn, gạt đi những nỗi lo "nhiều - ít" để Tết đến xuân về hân hoan và đúng với ý nghĩa vốn có của nó.
Mạn Ngọc