(Tổ Quốc) - Cứu bệnh nhân nguy kịch, SpO2 từ 1% lên 99% đang là pha chữa bệnh cứu người gây sốt cộng đồng mạng nhiều giờ qua.
Mới đây, trên mạng xã hội facebook đang truyền nhau câu chuyện cứu sống bệnh nhân đang thoi thóp của một tài khoản được coi là bác sĩ khiến giới y khoa dậy sóng. Cụ thể, tài khoản P.X.T chia sẻ câu chuyện như sau:
Đi kèm theo bài đăng, tài khoản P.X.T còn đăng kèm theo tấm ảnh cho thấy người thật việc thật của mình. Sau 14 giờ chia sẻ, bài viết đã nhận được 23.000 lượt bày tỏ cảm xúc cùng 2.300 bình luận, 2.500 lượt chia sẻ. Thế nhưng, trong khi dân cư mạng chưa kịp hết lời xuýt xoa khen ngợi pha cứu sống bệnh nhân ngoạn mục thì rất nhiều giới chuyên gia trong ngành y tế đã lên tiếng trước câu chuyện này.
Pha cứu bệnh nhân có SpO2 từ 1% lên 99% có nhiều điều khó lý giải
BS Ngô Đức Hùng (BS Hùng Ngô, khoa cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, trong cuộc đời làm bác sĩ hồi sức cấp cứu 15 năm của mình cũng phải tiếp xúc và sử dụng các máy đo SpO2. BS Hùng nhận thấy rất nhiều điểm bất hợp lý trong pha cấp cứu cho bệnh nhân này.
Đầu tiên, máy đo SpO2 mini rất kém nhạy, nó đo độ bão hòa oxy qua mao mạch đầu ngón tay, vậy nên nó chỉ đo chính xác ở người bình thường. Với người bệnh, đặc biệt là suy hô hấp, khi độ bão hòa oxy máu dưới 80% bệnh nhân sẽ rối loạn ý thức, tụt huyết áp và ngừng thở. Máy đo này sẽ nhiễu hầu như không đo được. "Do đó sẽ không có con số 1% đâu. Máy siêu nhạy trong bệnh viện cũng không đo được. Và người bệnh đã chết cứng rồi, độ bão hòa oxy trong máu cũng còn vài phần trăm, nhưng phải đo bằng cách khác", BS Hùng nhận định.
"Nhồi ngực để... giúp thở, tôi cũng nghe thấy lần đầu", BS Hùng nói. Thêm nữa, "một người bệnh tổn thương phổi, suy hô hấp đến độ tụt oxy máu, nghĩa là lá phổi không đảm đương khả năng trao đổi khí, cấp cứu xong đo... SpO2 99% nghĩa là phổi tự nhiên trao đổi khí bình thường trở lại, kỳ diệu quá". Chuyên gia khẳng định đây là câu chuyện rất khó tin và khuyên mọi người "trước một thông tin, hãy luôn luôn tỉnh táo".
SpO2 1% mà bệnh nhân vẫn còn sống thì chỉ có thể là đo sai!
Theo BS Nguyễn Tấn Thủ (Phòng khám Nhà Mình), SpO2 1% mà bệnh nhân còn sống thì chỉ có 3 khả năng. "Một là do người đo sai, khả năng này rất cao nếu bác sĩ trình độ kém hoặc người dân không biết đo. Hai là do máy đo sai, khả năng này cũng cao nếu mua máy rởm thì sai là chuyện dễ hiểu. Ngoài ra thì còn có nguyên nhân thứ 3 mang tên không hiểu vì sao máu không hoặc ít lên tới đầu ngón tay, hoặc ứ lại ở đầu ngón tay ngay lúc đo - khả năng này rất thấp", BS Thủ nhận định.
Theo BS Thủ, SpO2 là viết tắt của cụm từ "Saturation of peripheral oxygen" để chỉ độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi. Hiểu cách khác, SpO2 chính là tỷ lệ hemoglobin oxy hóa (hemoglobin có chứa oxy) so với tổng lượng hemoglobin trong máu (oxy hóa và không oxy hóa hemoglobin).
Người ta vẫn thường ví von SpO2 được xem là một trong những dấu hiệu sinh tồn của cơ thể, bên cạnh 4 dấu hiệu khác là mạch, nhiệt độ, huyết áp và nhịp thở. Chỉ số SpO2 có thể được đo bằng đo oxy xung - một phương pháp gián tiếp, không xâm lấn (không liên quan đến việc đưa các dụng cụ vào cơ thể). Nó hoạt động bằng cách phát ra và sau đó hấp thụ một sóng ánh sáng truyền qua các mạch máu (hoặc mao mạch) trong đầu ngón tay. Một biến thể của sóng ánh sáng truyền qua ngón tay sẽ cho giá trị của phép đo SpO2 vì mức độ bão hòa oxy gây ra các biến đổi về màu của máu.
"SpO2 người bình thường là 98-100%, SpO2 < 90% là phải cấp cứu. Một số bệnh nhân bị suy hô hấp mạn tính thì có thể quen và SpO2 có thể thấp hơn xíu, nhưng cũng tầm 70-80% là hết chịu nổi rồi. Về mặt y khoa, sự sống còn của chúng ta phụ thuộc vào oxy bão hòa trong máu động mạch, gọi tắt là SpO2. Trên một người bình thường thì SpO2 thấp gián tiếp chỉ báo SpO2 thấp, nhưng không phải lúc nào cũng thế. Do SpO2 dễ đo nên nó được dùng để theo dõi và xử trí cấp cứu", BS Thủ nói.
Vị chuyên gia còn lấy thêm một ví dụ hóm hỉnh: "Có ai từng đưa bệnh nhân đi cấp cứu và từng bị kêu "em chùi dùm sơn móng tay" và phải lật đật chạy đi mua nước chùi móng tay không? Vì sơn móng tay nó làm mình đo SpO2 bị sai đó, bấm cái là nó báo động nguyên phòng cấp cứu luôn. Và trong thực tế còn nhiều tình huống đo sai SpO2 lắm".
Giới chuyên gia nhận định, fake news (tin giả, tin sai) giờ rất rất nhiều, và fake news về "điều kỳ diệu SpO2 1%" là điển hình của fakenews trong thời điểm này, mọi người cần cảnh giác cao độ.
Nói thêm về vấn đề này, rất nhiều bác sĩ hồi sức cấp cứu cũng đã lên tiếng. Chung quy lại là mong muốn cộng đồng mạng hãy tiếp thu thận trọng những thông tin của các KOL vô lương tâm, bịa đặt câu like, kiếm tìm sự nổi tiếng. Không có ai SpO2 1% mà còn đo được. Không có ai nguy kịch mà ép tim, thở oxy xong SpO2 lên 99% cả.
"Các bác sĩ đang vắt kiệt sức lực cứu bệnh nhân ở các bệnh viện, họ không có thời gian vẽ ra drama kỳ quặc kinh hoàng" là câu chốt của một bộ phận bác sĩ hồi sức cấp cứu muốn nhắn nhủ đến người dân.
TH