(Tổ Quốc) - Vừa trở lại sau khi sinh con, Lê Phương đã đóng vai khổ cực, hiền lành trong phim "Thương con cá Rô đồng".
Những tập tiếp theo của bộ phim Thương con cá Rô đồng tiếp tục được phát sóng trên VTV3 với loạt tình tiết hấp dẫn. Sau bao năm sống với tuổi thơ đầy khổ sở, chị em Thương (Lê Phương) đã khôn lớn, có thể tự làm việc kiếm tiền nuôi nhau qua ngày. Tuy nhiên, có một thứ mãi mãi theo thời gian không thay đổi, thậm chí ngày càng tồi tệ hơn: thói cờ bạc của dì Tư (Hạnh Thúy).
Thương con cá Rô đồng là bộ phim đánh dấu sự trở lại của Lê Phương sau khi sinh con. Lê Phương chia sẻ rằng lúc đi quay trở lại, cô vẫn còn mập vì mới sinh con xong. Để vào vai trọn vẹn, Lê Phương đã tích cực giảm cân và nhờ chồng ở nhà chăm sóc các con giúp mình.
Trong ngày giỗ thứ 16 của mẹ, Thương làm mâm cơm cúng chu toàn. Những tưởng, đây sẽ là dịp để cả nhà quây quần ăn với nhau bữa cơm và nhớ về người đã khuất ai ngờ, mọi thứ càng rối rắm hơn.
Trước bàn thờ ba mẹ, Thương đã không cầm được nước mắt khiến dì Tư càng thêm khó chịu, hết lời càm ràm, thậm chí đòi bỏ đi khi cả nhà đang dọn ra ăn uống. Dì Tư cũng là người khơi mào tranh cãi khi nhắc lại chuyện năm xưa Thương để Thiệt (Quốc Huy) đi lạc.
Nói về dì Tư, mọi thứ vẫn chứng nào tật nấy. Máu cờ bạc đã ngấm vào người nên trong mắt, trong đầu dì Tư chỉ có tiền và những con số. Mà trò đời, càng thua nhiều càng túng quẫn và luôn tìm mọi cách để làm sao có tiền. Trong ngày giỗ của mẹ Thương, dì tuyên bố thẳng thừng đòi bán nhà đất, chia cho mỗi người "mạnh ai nấy sống, tiền ai nấy xài". Dì còn đòi bán nhà, có tiền làm ăn nhưng thực chất là để cho vay nặng lãi. Thậm chí, dì Tư luôn nghĩ Thương không chịu bán nhà vì muốn giữ cho riêng mình.
Khi chị em Thương đã lớn, có thể tự làm hết mọi việc trong nhà việc duy nhất của dì Tư là mỗi ngày đi đánh bạc. Và, 9 lần như 10 dì Tư đều bị đám bạn bài bạc mấy chục năm vét sạch đến đồng cuối cùng. Thua bạc, về nhà dì Tư lại "vơ vét" từng đồng tiền Thương cực khổ đi bán xôi mỗi ngày kiếm được để mang đi đánh đề. Hậu quả của những lần nợ nần ấy, không ai khác ngoài Thương đều phải đứng ra trả nợ.
Đỉnh điểm câu chuyện khi thua bài bạc quá nhiều, nhìn quanh nhà không còn "đồng xu cắc bạc" nào, ngước lên bàn thờ thấy cặp bưởi thờ anh chị dì cũng quyết giằng co với Thương rồi lấy đem đi bán.
Chơn - "người đàn ông nhà bên" vẫn một lòng với Thương. Ngày giỗ má, Chơn gửi con vịt béo để Thương mần thịt làm đám cúng. Trên chiếc xe đạp cũ, Chơn chở Thương đi chợ và muốn đón cô về khi tan chợ. Nghe dì Tư chê mình nghèo, không xứng làm chồng Thương, Chơn cũng đành im lặng. Và, khi nghe Thương tâm sự với bà nội việc không muốn Chơn phải chờ mình vì còn phải lo cho đàn em thơ, Chơn nói anh sẽ đợi cô đến cùng. Tình cảm của Chơn chân thật, ấm áp như cây dừa, cây lúa xứ miệt vườn sông nước.
Những biến cố nào sẽ lại ập đến với chị em Thương sẽ có trong những diễn biến tiếp theo của Thương con cá Rô đồng.
Thu Thảo