(Tổ Quốc) - Gần 17 năm ăn cơm tổ, Lê Khâm vẫn không đủ tiền mua cho mình một căn nhà che nắng che mưa. Anh cùng vợ con vẫn phải thường xuyên di chuyển từ phòng trọ này, sang phòng trọ khác.
Lê Khâm tự nhận mình là nam diễn viên xấu nhất và nghèo nhất Việt Nam. Anh thổ lộ: "Hơn 17 năm ăn cơm tổ nghiệp, tôi và vợ vẫn phải ở nhà thuê. Để có thêm thu nhập, phải tranh thủ bán thức ăn online vào các buổi chiều không đi quay.
Mùa dịch cúm Covid 19 ập tới, cả Sài Gòn thực hiện lệnh giãn cách nên diễn viên cũng thất nghiệp, việc bán online cũng thất bát. Nhưng nhờ thế tôi có thời gian rảnh tình nguyện vào các hoạt động hỗ trợ phòng chống dịch bệnh".
Cụ thể, Lê Khâm hưởng ứng lời kêu gọi của Nhà văn hóa Thanh Niên, tham gia hỗ trợ việc mang thức ăn, thức uống cho lực lượng cảnh sát, dân phòng đang canh gác tại các khu vực bị phong tỏa, và các bệnh viện tại khu vực TPHCM. Do di chuyển qua nhiều địa điểm nên nhóm của Lê Khâm bắt đầu từ sáng đến tối mịt mới trở về nhà.
Mấy ngày qua, thời tiết Sài Gòn oi bức nhưng có mưa bất ngờ. Vừa dang nắng, vừa mắc mưa nên Lê Khâm đã ngã bệnh. Dẫu vậy, hôm sau anh lại hăng hái tiếp tục hành trình.
Nghèo nhưng lạc quan
Lê Khâm sinh ra trong một gia đình rất nghèo tại vùng núi Gia Lai – Kon Tum. Ngày nhỏ, dù thân hình bé xíu, anh vẫn buộc phải lao động chân tay để phụ giúp cha mẹ. Anh thường xuyên phải trèo qua mấy ngọn đèo cao để hái đót về làm chổi bán. Có hôm vì vội đi, quên mang theo thức ăn và nước uống, về tới nhà Lê Khâm ngất xỉu vì mệt và đói.
Rất nghèo, nhưng gia đình của Lê Khâm luôn tràn ngập tiếng cười. Mâm cơm luôn nhiều rau, ít cá thịt, nhưng từ cha mẹ đến anh em Lê Khâm luôn nói về những câu chuyện vui nhộn, hài hước. Họ hầu như không biết buồn hay bi quan vì gia cảnh thiếu thốn.
Đó cũng là lý do mà Lê Khâm bước vào con đường nghệ thuật. Cha anh là ca trưởng của ca đoàn nhà thờ. Ông là người có tâm hồn nghệ sĩ. Ông biết rõ con đường nghệ thuật nhiều chông gai, và càng thử thách hơn đối với người có hoàn cảnh nghèo. Nhưng lòng đam mê đã khiến ông luôn động viên Lê Khâm thực hiện ước mơ thành nghệ sĩ.
Với chiều cao khiêm tốn, gương mặt "xấu lạ", và nghèo nhưng Lê Khâm vẫn tự tin thi vào trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Sài Gòn. Lúc này, anh phải làm thêm nhiều công việc như chạy bàn café, phục vụ tiệc cưới để có tiền ăn học. Ấy vậy mà, có tháng vẫn không có đủ tiền đóng nhà trọ. Bạn bè sống chung phải chia sớt.
Sống trong cảnh thiếu thốn đủ thứ, nhìn quanh quất thấy nhiều bạn bè có điều kiện hơn vẫn bỏ dở giấc mơ nghệ thuật, nhưng trong tâm trí của Lê Khâm luôn tin tưởng vào một ngày mình sẽ có cơ hội trở thành nghệ sĩ.
Điều ấy đã đến khi anh được mời tham gia nhóm hài Bảo Khương. Đó là thời điểm sân khấu tấu hài vẫn còn ăn khách. Hình ảnh anh chàng "quái lạ" với gương mặt xấu không thể tả, mái tóc kiểu miểng dừa, chiều cao tầm 1m40 đã mang đến cho khán giả một sự thú vị, mới mẻ.
Lê Khâm là thành viên nhóm hài Trung Dân.
Nhờ theo học Trung Dân mà Lê Khâm có cơ hội làm nghề nhiều hơn.
17 năm ăn cơm Tổ vẫn ở nhà thuê, cuộc sống khó khăn
Dù đã có cơ hội bước lên sân khấu chuyên nghiệp, nhưng chỉ là một tân binh nên tiền cát xê của Lê Khâm còn rất khiêm tốn. Có hôm chạy show từ sáng đến tối nhưng vẫn phải ăn mì gói cầm hơi.
Theo thời gian, cơ hội làm nghề đến với Lê Khâm nhiều thêm. Anh được mời về nhóm hài Trung Dân. Lúc này, anh không chỉ diễn tấu hài mà còn tham gia nhiều dự án nghệ thuật cho các trung tâm lớn, đài truyền hình do Trung Dân đảm trách.
Rồi Lê Khâm được mời vào nhiều dự án phim điện ảnh. Hình ảnh của anh đã lan tỏa rộng khắp. Dẫu vậy, anh vẫn chưa có một cơ hội để tạo dấu ấn đặc biệt.
Lê Khâm chia sẻ: "Với một người không có ưu thế ngoại hình, không có điều kiện tài chính như tôi, thật khó có một vai diễn tạo nên khoảnh khắc tỏa sáng rực rỡ. Tôi vẫn là anh kép phụ, nhưng được làm nghệ sĩ với tôi đã là một ân sủng mà ơn trên ban cho".
Gần 17 năm ăn cơm tổ, Lê Khâm vẫn không đủ tiền mua cho mình một căn nhà che nắng che mưa. Anh cùng vợ con vẫn phải thường xuyên di chuyển từ phòng trọ này, sang phòng trọ khác. Hai năm gần đây, cơn bão dịch bệnh Covid quét qua đã khiến cho mọi ngành nghề, trong đó lĩnh vực nghệ thuật lâm vào cảnh khó khăn.
Trong lúc dịch bệnh, công việc diễn viên phải tạm nghỉ, việc buôn bán online cũng không thuận lợi nên Lê Khâm tham gia làm tình nguyện viên, hỗ trợ chống dịch ở Sài Gòn.
Để có thể chăm lo gia đình, Lê Khâm tham gia vào đội ngũ bán hàng livestream. Mỗi ngày, anh dành 3-4 tiếng để giới thiệu nào là sầu riêng nhà trồng, yaout nhà làm, và nhiều món ăn khác. Rồi chính anh cũng là người giao hàng tận nơi cho khách. Có hôm bị bom hàng tức nghẹn họng nhưng đành cam chịu.
Trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn ấy, có lúc khiến Lê Khâm buồn chán vì thấy mình không thể mang đến cho vợ con một cuộc sống sung túc. Nhưng so lại với cái khổ mà mình trải qua từ bé, anh nhận ra nó chẳng là gì ghê gớm. Anh vẫn tiếp tục hồn nhiên và vô tư.
Điều đáng quý, Lê Khâm biết chia sẻ với người nghèo khó, yếu thế. Anh thường xuyên tham gia các chuyến công tác từ thiện và các show diễn từ thiện. Mỗi khi nhìn thấy người khốn khó, anh thấy hình ảnh mình trong đó, và đồng cảm sâu sắc từ sâu thẳm trái tim mình.
Hiện tại, Lê Khâm tiếp tục rong ruổi trong vai trò tình nguyện viên hỗ trợ tuyến đầu phòng chống Covid. Anh và bạn bè nghệ sĩ của mình lăn xả vào các khu vực phong tỏa, khu cách ly làm rất nhiều công việc hỗ trợ y bác sĩ, lực lượng chức năng gìn giữ trật tự.
Công việc đơn giản, không cần tính chuyên môn cao nhưng phải làm liên tục trong điều kiện thời tiết lúc nóng bức khi mưa rào nên ảnh hưởng đến sức khỏe không ít.
Lê Khâm cho biết: "Nhìn thấy các anh cảnh sát, dân phòng tại các khu vực phong tỏa trực chiến ngoài trờ nắng để đảm bảo an toàn cho dân chúng, tôi rất xúc động. Nhìn thấy cảnh các bác sĩ làm việc đến mức kiệt sức vì số ca bệnh tăng liên tục, tôi muốn rơi lệ.
Họ đã quên hiểm nguy, quên đi sự an toàn của bản thân nhằm đẩy lùi cơn đại dịch quái ác này. Tôi thấy mình thật nhỏ bé trước sự hy sinh ấy. Vậy nên, dù bản thân mình cũng gặp khó khăn nhưng tôi hạnh phúc vì được góp một chút công sức vào công việc chung của cộng đồng".
Công việc của Lê Khâm và nhóm tình nguyện viên này là đưa cơm, thức ăn nước uống cho lực lượng cảnh sát, dân phòng đang canh gác tại các khu vực bị phong tỏa, và các bệnh viện tại khu vực TPHCM.
Thời điểm này, Sài Gòn và nhiều nơi khác đang giãn cách xã hội nên hoạt động kinh tế gần như bị đóng băng. Cuộc sống của gia đình Lê Khâm cũng gặp khó khăn như các gia đình lao động bình dân, nhưng anh tin rằng với sự nỗ lực của người dân và cơ quan chức năng, cơn đại dịch sẽ qua đi, cuộc sống bình yên sẽ trở lại cho người Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung.
Nguyễn Huy