(Tổ Quốc) - Ví điện tử MoMo vừa thông báo chính thức đạt 20 triệu người dùng (user) vào đầu tháng 9. Để có những thành quả đó, MoMo đã trải qua một hành trình không “trải hoa hồng”. Đó là những thất bại, những tranh luận nảy lửa, những quyết định cân não…
Những chặng đường, những khoảnh khắc, những quyết định, những tranh luận gay gắt... được tái hiện lại trong buổi chia sẻ "Kẻ mở đường mộng mơ. Chuyện 10 năm nghề làm ví" của lãnh đạo MoMo ngày 4/9.
Chiếc loa thùng và tiếng rao: “Dịch vụ chuyển tiền MoMo đây” ở cổng nhà máy Cà Mau
Ông Nguyễn Mạnh Tường, phó Chủ tịch MoMo, chia sẻ trước khi đến với các ứng dụng trên smartphone, ban lãnh đạo từng tập trung vào phát triển dịch vụ trên simcard điện thoại. Ông Mạnh Tường cùng ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch MoMo từng lang thang ở nhiều nước châu Phi để học hỏi mô hình này vào năm 2010. Khi đó, ở châu Phi, mô hình này đang rất phát triển. Tuy nhiên, chuyện phát triển simcard sau đó phải “hy sinh” vì nhiều nguyên nhân.
Ông Nguyễn Mạnh Tường (áo trắng) - Phó Chủ tịch HĐQT MoMo - Đồng Tổng Giám đốc. Ngồi cạnh ông Mạnh Tường là ông Nguyễn Bá Diệp - Phó Chủ tịch HĐQT MoMo - Đồng sáng lập MoMo.
Tiếp đến, lãnh đạo MoMo phải tìm cách “quên simcard” để bắt tay vào chuyển tiền mặt vì nhận thấy thị trường chuyển tiền rất tiềm năng lúc bấy giờ.
Đối tượng mà dịch vụ chuyển tiền nhắm vào ban đầu là các công nhân làm việc xa nhà có nhu cầu chuyển tiền về quê. Những người này sống chủ yếu ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội (những nơi có nhiều khu công nghiệp)….
Cách chuyển tiền chủ yếu của họ là tự mang theo người, gửi bưu điện, gửi xe đò, nhờ người khác. Việc sử dụng ngân hàng là rất hạn chế khi đó.
Đáp ứng nhu cầu chuyển tiền, mô hình của dịch vụ MoMo như sau: A muốn chuyển tiền cho B, A sẽ đến đại lý MoMo gần đó (đại lý X) để gửi tiền mặt. Đại lý X sẽ dùng chức năng chuyển tiền trên ví MoMo dành cho đại lý để chuyển tiền đi. B sẽ nhận được một mã nhận tiền và sẽ mang mã đó ra đại lý Y gần nhà để nhận tiền. Đại lý Y sẽ dùng chức năng nhận tiền trên ví MoMo dành cho đại lý để nhận tiền.
Ông Nguyễn Mạnh Tường kể, trong giai đoạn xây dựng và phát triển mô hình chuyển tiền mặt, ông đã có 2 năm “ăn và ngủ” ở Cà Mau và Bạc Liêu. Bản thân ông từng trực tiếp đứng phát tờ rơi và rao dịch vụ chuyển tiền ngay trước cổng Nhà máy thủy sản Minh Phú tại Cà Mau cùng chiếc loa thùng và bị “muỗi đốt gần chết”. Đó là vào năm 2013.
“Mô hình nghe rất hay, dịch vụ phát triển tương đối. Tuy nhiên, phát triển trên quy mô lớn thì không ổn. Vấn đề là phải xây dựng niềm tin với khách hàng vì người ta thường không dám đưa tiền mặt nếu chưa đủ niềm tin”, ông Nguyễn Mạnh Tường nhận xét.
Trước những khó khăn của mô hình chuyển tiền mặt, lãnh đạo MoMo nhận thấy điện thoại thông minh đã khá phổ biến lúc bấy giờ. Sau nghiên cứu, bàn bạc, đội ngũ quyết định đem nguồn lực còn lại của công ty “đánh” vào các dịch vụ trên smartphone.
Tuy nhiên, để phát triển được như MoMo hiện tại, nội tại của công ty đã xảy ra những cuộc “chiến cân não”.
Mua app (ứng dụng) hay tự xây app của người Việt?
Trong dòng hồi tưởng của mình, ông Mạnh Tường cho rằng cái rất khó trong hành trình 10 năm của MoMo là đấu tranh về đường lối, quan điểm trong công ty vì “triết lý vận hành ảnh hưởng đến doanh nghiệp và kết quả cuối cùng”.
Ông Mạnh Tưởng kể, bối cảnh 8 năm trước rất khác. MoMo lúc đó là người đi tiên phong nên phải đưa ra cách tiếp cận. “Lúc đó, rất nhiều giằng co và tranh luận”, ông Tường nhớ lại.
Ví dụ như chuyện kết nối trực tiếp với ngân hàng và để kết nối được, cần từ 2-3 năm. MoMo mong muốn tăng trải nghiệm với khách hàng. Rồi chuyện xây dựng một platform mở, công nghệ mở để kết nối mọi người…. Và cuối cùng, “anh em” MoMo thống nhất cần làm việc gì đó tử tế. “Mà muốn tử tế thì phải đánh trận dài”, ông Mạnh Tường nhấn mạnh.
Tranh luận “nảy lửa” thứ hai là đi mua hay tự xây? Tự xây thì có xây được không?
Khi đó, lãnh đạo MoMo đưa ra một ví dụ: Một đầu bếp giỏi không thể thuê nấu món ăn mà ông ấy phải tự nấu. Nấu để biết từng nguyên liệu, để biến hóa món ăn thật linh hoạt.
Hàng loạt các câu hỏi khác được đặt ra là: Có tự làm được không? Có làm trên quy mô lớn được không? Lãnh đạo có chịu những rủi ro để đội ngũ tự xây app hay không? “Đó là cuộc chiến hết sức cân não. Tuy nhiên, cuối cùng anh em đã tin nhau và đặt niềm tin đúng chỗ”, ông Mạnh Tường nhớ lại.
Đến thời điểm hiện tại, ông Mạnh Tường khẳng định, do chủ động làm app nên đội ngũ của MoMo mới sáng tạo, biến đổi linh hoạt được. Vì MoMo có rất nhiều dịch vụ và toàn bộ công nghệ do MoMo tự xây nên mới có sự tùy biến, chủ động sáng tạo.
“Lần đó mà quyết định mua công nghệ thì chắc hy sinh rồi. Vì quy trình xử lý app rất phức tạp”, phó Chủ tịch MoMo kể.
Ông Mạnh Tường lấy ví dụ, mỗi lần muốn sửa app thì phải theo quy trình, trong đó có việc gửi yêu cầu đến đối tác. Đối tác sẽ xem xét, thảo luận. Tuy nhiên, đối tác đó không phải chỉ có một khách hàng, họ có cả chục khách khác đang chờ. Do vậy, việc sửa chữa có thể hết 6 đến 10 tháng mới thay đổi được nhiều tính năng. Công nghệ mà mất khoảng thời gian dài như vậy thì “rất nhiều khả năng hy sinh”.
MoMo vừa thông báo chính thức đạt 20 triệu người dùng (user) vào đầu tháng 9. Năm 2015, ví điện tử này đã ghi nhận lượng người dùng ở mức 500.000 người. Đến đầu năm 2019, MoMo đạt mốc 10 triệu người dùng và đã tăng gấp đôi sau hơn 1 năm.
Ông Nguyễn Mạnh Tường - Phó Chủ tịch HĐQT, đồng Tổng Giám đốc Ví điện tử MoMo - cho biết: "Bao năm qua, chúng tôi không dừng ở ví điện tử".
MoMo đang bước vào chặng đường mới với định hình trở thành một Super App (Siêu ứng dụng), mà như ông Tường nhận định là "'siêu' cho đáng siêu chứ không phải 'siêu' cho có". Về tính đa dạng trên app, MoMo đã mở tính năng mua vé xem phim từ năm 2015, mua bảo hiểm, vé máy bay, rồi đi chợ online, và chuẩn bị mở tính năng Voucher Market giống như hotdeal để các doanh nghiệp nhỏ dễ dàng tiếp cận với tệp người dùng sẵn có của đơn vị này.
Trong Covid-19, MoMo bán vải thiều trên ứng dụng và trong thời gian tới, lãnh đạo MoMo cho biết, đang tiếp cận hướng để bán các sản phẩm tương tự như đợt bán vải thiều trong thời gian qua để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đỗ Lan