(Tổ Quốc) - Tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, những căn nhà "biệt thự" khang trang mọc lên nhan nhản được trông chẳng khác với một “châu Âu thu nhỏ“. Để có được những ngôi nhà khang trang như vậy, người dân nơi đây cho biết đó chính là từ nguồn thu nhập của con em các gia đình đi xuất khẩu lao động.
Xã Đô Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) xưa kia vốn là một vùng đất nghèo khó, giáp ranh với một số xã của huyện Diễn Châu. Cuộc sống người dân nơi đây chủ yếu dựa vào cây lúa. Do đây vùng đất trũng, thường xuyên bị ngập úng nên vụ mùa mất nhiều hơn là được bà con cũng chẳng biết làm gì trước điều kiện khắc nghiệt của thiên tai.
Toàn cảnh làng quê thay áo mới.
Không chấp nhận sống trong cảnh nghèo khó, nhiều đàn ông trong xã bắt đầu đi làm ăn xa mong tìm được nghề phù hợp để sau này về quê lập nghiệp. Và làng quê nghèo cũng đã bắt đầu có nhiều nhà cửa tiện nghi hơn.
Ban đầu ở đây có nhiều người theo nghề buôn gỗ, sau thấy nhiều sản phẩm thừa nên mang về đóng tủ đóng bàn. Chẳng mấy chốc mà Đô Thành trở thành một xã chuyên làm nghề mộc.
Tuy nhiên khi thị trường thay đổi, nghề mộc cũng không còn mang lại nhiều lợi nhuận nữa. Thế là người dân Đô Thành lại tìm đường đổi đời và con đường mà họ chọn chính là xuất khẩu lao động sang các nước khác, chủ yếu là các nước phương Tây.
Những năm cuối thập kỷ 1980, đầu 1990, các lao động ở Đô Thành chọn "miền đất hứa" là sang Đức, Ba Lan, Anh, Australia… để tìm kiếm cơ hội làm ăn. Đi xuất khẩu lao động nhiều năm khiến người dân nơi đây "phất" lên trông thấy. Những ngôi nhà cao tầng bắt đầu mọc lên ngày một nhiều. Chỉ trong thời gian ngắn, Đô Thành thay da đổi thịt một cách chóng mặt.
Gia Đoàn