(Tổ Quốc) - Năm mới khỏi lo gặp vấn đề tài chính lại có thể nghỉ hưu sớm bằng những lời khuyên hữu ích được mách tường tận sau đây.
Anna N'Jie-Konte A là người sáng lập của Dare to Dream Financial Planning, một công ty hoạch định kế hoạch tài chính hướng tới đối tượng là phụ nữ da màu. Dưới đây là một số lời khuyên cô chia sẻ:
"Là một nhà hoạch định tài chính, tôi biết những người ở độ tuổi 30 đang phải đối mặt với việc phải cân nhắc trong ưu tiên tài chính là trả hết các khoản vay sinh viên, tiết kiệm mua nhà hoặc tiết kiệm để có con. Nhưng nhiều người ở độ tuổi 30 lại từ bỏ việc tiết kiệm để nghỉ hưu, mặc dù tuổi 30 là thời điểm lý tưởng để đầu tư cho tài khoản hưu trí".
Anna N'Jie-Konte A khuyên bạn nên bắt đầu từ những việc nhỏ, với bất cứ thứ gì bạn có thể, sau đó cố gắng tiết kiệm càng nhiều càng tốt trước khi có con và trước khi dòng tiền của bạn trở nên eo hẹp.
"Theo kinh nghiệm của tôi, hầu hết mọi người ở độ tuổi 30 đang phải đối mặt với khó khăn trong việc cân đối thanh toán các khoản vay sinh viên, tiết kiệm các khoản trả trước cho việc mua nhà, quyết định khi nào có đủ khả năng tài chính để sinh con và đảm bảo con của mình sẽ được hưởng những chăm sóc và giáo dục tốt trong khả năng của mình. Và trong tất cả những cân nhắc ưu tiên khó khăn đó, nhiệm vụ quan trọng nhất và dễ dàng đặt ra nhất là tiết kiệm tiền cho thời gian nghỉ hưu của chính bạn".
Để hiện thực hóa điều này, Anna N'Jie-Konte A đã đưa ra 3 lời khuyên thiết thực để tạo một kế hoạch nghỉ hưu hoàn hảo trong tương lai ngay từ bây giờ.
1. Khởi đầu nhỏ
Nhiều người biện minh rằng, họ sẽ bắt đầu tiết kiệm cho tài khoản hưu trí "một ngày nào đó khi có thêm nhiều tiền", nhưng sự thật là nhiều năm trôi qua, bạn vẫn sẽ hầu như không tiết kiệm được gì cho tương lai của mình nếu bạn không bắt tay vào làm. Bằng cách ưu tiên tài khoản hưu trí càng sớm càng tốt, bạn có thể đảm bảo rằng mình có một cơ sở tài chính vững chắc và sẽ tiếp tục phát triển nếu được đầu tư thỏa đáng.
Bạn nên đóng góp 10-15% thu nhập của mình vào tài khoản hưu trí là hợp lý. Tuy nhiên, đừng để những con số đó làm bạn sợ hãi nếu bạn chưa sẵn sàng. Hãy bắt đầu mọi thứ thật bình tĩnh.
2. Tiết kiệm tiền hưu trí ở độ tuổi 30: Trước khi có con và nguồn tiền eo hẹp
Một trong những suy nghĩ phổ biến nhất mà Anna N'Jie-Konte A nghe được từ khách hàng là họ muốn kiểm soát tiền bạc và cuộc sống của họ, thay vì để chúng kiểm soát mình. Về cơ bản, hầu hết mọi người ở độ tuổi 30 đều muốn có đủ tiền để có một cuộc sống được chủ động lựa chọn và không bị gánh nặng tài chính dồn ép.
Vì nhiều người ở độ tuổi 30 có hai nguồn thu nhập trong nhà (từ cả vợ và chồng) và có thể chưa có con, nên đây là thời điểm hoàn hảo để thực sự để nghĩ đến các khoản tiết kiệm hưu trí. Bằng cách đóng góp sớm và đáng kể vào tài khoản hưu trí, trong khi đang có ngân sách tương đối linh hoạt. Bạn có thể cho phép mình đóng góp ít hơn sau này nếu phát sinh những vấn đề tài chính khác trong gia đình.
Thời gian lý tưởng nhất là trước khi có con vì việc nuôi con phải đối mặt với chi phí chăm sóc và nuôi dưỡng khá cao. Nên nhắm mục tiêu góp 20-30% thu nhập trước thuế vào tài khoản nghỉ hưu thông qua bất kỳ phương tiện tiết kiệm hưu trí nào.
3. Cân bằng việc trả nợ với đầu tư hưu trí
Có rất nhiều người chia sẻ họ không sẵn sàng đóng góp cho tài khoản hưu trí của mình trước khi trả được hết nợ. Điều này có thể dễ hiểu vì rất khó khăn để trả các khoản vay sinh viên và cân bằng các ưu tiên khác.
Tuổi 30 là thời điểm quan trọng để suy nghĩ nghiêm túc về chiến lược tiết kiệm và đầu tư cho hưu trí. Bằng cách dựa vào mục tiêu trong tương lai này, bạn thực sự sẽ có được sự đảm bảo cho mình về ngân sách để sinh thêm con, thay đổi ngôi nhà của bạn hoặc bắt đầu công việc kinh doanh mà bạn hằng mong muốn.
Về cơ bản, bạn đang cho phép thời gian và lãi suất kép thực hiện hầu hết các công việc nặng nhọc để đạt được mục tiêu nghỉ hưu an toàn theo các điều kiện sẵn có của mình.
Tuy nhiên, tiết kiệm cho tài khoản hưu trí là một điều rất cần thiết đối với những người ở độ tuổi 30. Sự thật là sẽ luôn có những mâu thuẫn trong việc ưu tiên các vấn đề tài chính, và càng chờ đợi lâu, bạn sẽ càng phải tiết kiệm nhiều hơn.
Áp dụng vào thực tiễn:
- Quan niệm về cách dùng tiền của mỗi người không giống nhau. Bạn có thể tập trung tiền bạc để quản lý đầu tư, thu lợi nhiều hơn.
- Tăng cường tiết kiệm, tích lũy dần. Trừ đi những chi phí sinh hoạt hàng ngày, trích một phần lương để gửi tiết kiệm ngân hàng. Khoản tiền này có thể dùng để mua trái phiếu hoặc bảo hiểm nhân thọ…
- Nắm rõ tình hình tài chính. Có một quyển sổ ghi chép để nắm tình hình chi tiêu trong các giai đoạn, như vậy việc quản lý tài chính sẽ hợp lý hơn.
- Sớm chuẩn bị kế hoạch tương lai cho gia đình, đối với những việc như nuôi dưỡng, giáo dục con cái, mua sắm nhà cửa, những tài sản lớn… cần nghĩ thấu đáo.
Theo Businessinsider
Thiên An