(Tổ Quốc) - Ra mắt nhà trai cũng là cơ hội bạn đánh giá người đàn ông này có xứng đáng để kết hôn hay không, chứ không phải đến cầu xin anh ta cưới, càng không phải cầu xin người nhà anh ta cưới mình. Thế nên, nhất định phải biết "giữ giá" bản thân.
Mấy ngày gần đây, trên mạng xã hội đang xôn xao câu chuyện thế này. Cô gái lần đầu về ra mắt nhà người yêu bị mọi người sai đi rửa 8 mâm bát.
Cuộc hội thoại ngăn ngắn diễn ra như sau:
- Em ơi, tí xong thì em rửa bát giúp anh nhé.
- Anh điên à, 8 mâm rửa kiểu gì, 1 mình em rửa à?
- Không, có 2 cô rửa cùng.
- Vâng. Chả hiểu sao là khách đến chơi mà phải rửa mâm.
- Khách đâu mà khách, coi như là người nhà mới vậy chứ.
Và cuối cùng, cô gái quạu quạu không hài lòng nhưng chẳng cãi nữa, coi như là chấp nhận việc cùng 2 cô họ đi rửa bát. Nhưng sau đó, anh chàng phát hiện ra 2 cô thì cặm cụi làm, còn bạn gái thì lại hí hoáy ngồi bấm điện thoại.
Hỏi ra mới hay cô nàng tinh ranh đã thuê cô họ rửa bát cho với giá 300k. Đương nhiên, anh chàng này cáu kỉnh, nạt nộ bạn gái: "Em đừng tưởng mọi việc có thể giải quyết được bằng tiền."
Cái kết là cô nàng bắt xe về thẳng, chàng trai cũng bực mình chẳng thèm dỗ. Không rõ sau đó cặp đôi thế nào, chứ tính tới thời điểm câu chuyện được chàng trai chia sẻ lên MXH thì họ vẫn chưa nói chuyện lại với nhau.
Việc rửa bát hay không rửa bát trong lần đầu ra mắt gia đình đối phương vẫn luôn là câu chuyện khiến dân mạng tranh cãi không ngớt. Rất nhiều người cho rằng, mình chưa được cưới hỏi về thì vẫn là khách, không cần nấu nướng, dọn dẹp gì hết. Trong khi đó, một số lại nhận định, trước sau gì cũng là người một nhà, rửa vài cái bát không nặng nhọc gì. Chưa kể, gia đình người ta thết đãi mình một bữa thịnh soạn rồi, giờ mình dọn dẹp cho phải phép chứ.
Quả thật, việc rửa bát chẳng nặng nhọc gì, thậm chí rất đơn giản, nhưng qua đó lại giúp các chị em biết được nhiều điều về quan điểm, thái độ của bạn trai và gia đình anh ấy.
1
Rửa bát hay không rửa cũng nói lên nhiều điều, giống như nhận lì xì vậy!
Ngày Tết, người họ hàng móc bao lì xì ra nhét vào túi bạn, bạn từ chối "thôi cháu lớn rồi", bác lại nhét tiếp. Cuối cùng bạn đành "miễn cưỡng" nhận trong sự vui vẻ. Đây mới là quy trình bình thường.
Tiền lì xì tới tay, bạn cảm ơn và nhét thẳng luôn vào túi, điều này chứng tỏ bạn không hiểu chuyện.
Bạn từ chối một câu, bác rút phắt lại và nhét vào túi mình, đây là người lớn không hiểu chuyện.
Năm mới đến, vừa bước vào cửa, bác họ nói thẳng năm nay không có tiền lì xì nha con ơi (bạn vẫn còn trẻ trung phơi phới, chưa kiếm được tiền và đang nhận học bổng u-ta-chi), này gọi là cực kỳ không hiểu chuyện luôn.
Có thể nói, với việc nhận lì xì bạn thật lòng muốn nhưng "nghiện phải tỏ ra ngại". Cũng tương tự như vấn đề rửa chén bát trong lần đầu ra mắt. Dù bạn không muốn, nhưng cũng phải chủ động để thể hiện thành ý.
Bạn chủ động đi rửa bát, phụ huynh đối phương khước từ. Sau vài lần đưa đẩy, bạn trai bạn cùng bạn xem TV, bố mẹ người yêu rửa bát hoặc bố mẹ người yêu cùng bạn xem TV, còn anh người yêu đi rửa bát. Đây gọi là quy trình bình thường.
Phụ huynh không thể lay chuyển được bạn, nhưng anh người yêu rửa bát chung với bạn, đây là bạn không hiểu chuyện rồi, nhưng phụ huynh vẫn hỗ trợ diễn tròn vai.
Bạn chủ động đi rửa bát, phụ huynh người yêu đồng ý cái rụp, nhưng cũng để bạn trai phụ bạn rửa bát, trường hợp này phụ huynh không tinh tế, nhưng người yêu bạn hiểu chuyện.
Phụ huynh đối phương thẳng thừng nhờ bạn rửa bát, rõ ràng họ cực kỳ không hiểu chuyện.
Nào, phân tích tiếp nhé.
Trường hợp 1: Bạn trai cùng phụ bạn rửa bát, sau này kết hôn nếu như không nhất thiết phải sống chung với bố mẹ chồng thì vẫn ổn.
Trường hợp 2: Nếu bạn phải tự một mình lụi cụi đi rửa bát, còn gia đình bạn trai ngồi thảnh thơi nghỉ ngơi, ăn hoa quả thì nhìn dưới đất kìa, não của bạn đó!!! Quay xe ngay còn kịp.
Tương tự, các chàng trai lần đầu tiên đến nhà vợ thấy bố mẹ vợ bận tới bận lui, người nhà bên vợ chăm trà rót nước hỏi han ân cần, chuẩn bị cả một bàn cỗ ngon là chuyện thường ở huyện. Còn nguyên một nhà ngồi vắt chân xem vô tuyến, cắn hạt dưa, ngó bạn bận bù đầu bù cổ, toát mồ hôi hột thịt gà, làm vịt, thì "sự thật mất lòng" là cuộc hôn nhân này không cần thiết nữa đâu!
2
Các cô gái ơi, có thể phụ huynh nhà trai còn đắn đo, lo nghĩ hơn cả các con nữa đó!
Con trai đưa bạn gái đến nhà, sau khi ăn cơm xong con bé tỏ ý muốn rửa bát, tôi biết con bé chỉ là đang lễ phép khách sáo mà thôi. Tất nhiên không thể nào để con gái nhà người ta rửa bát được, lần đầu tiên đường sá xa xôi đến làm khách, không có lý gì lại để cho khách phụ việc nhà được.
Trong nhà tôi đã chuẩn bị sẵn rất nhiều trái cây, sau bữa cơm, tôi lấy máy ép trái cây cho hai đứa nhỏ tự ép lấy nước uống, hai đứa phân công, hiệp lực rất ăn ý.
Sau đó, ông xã nhỏ trách tôi không nên bắt con gái nhà người ta làm việc nhà. Tôi ngẫm nghĩ một hồi vẫn không nghĩ ra là tôi đã bắt con bé làm việc nhà gì, ông ấy mới nói là tôi bắt con bé ép nước trái cây đó!
Kỳ thực là tôi sợ con bé lần đầu tiên đến nhà chơi hãy còn xa lạ, chưa kịp thích ứng, chúng tôi là trưởng bối cũng không thể cứ huyên thuyên không ngừng nói chuyện với con bé, nói sai câu nào là phiền phức liền.
Cũng sợ con bé thấy phiền, nên tôi để cho hai đứa nhỏ cùng nhau ép nước trái cây, cùng nhau làm chút việc, hai đứa nói qua nói lại rất là hài hòa, chúng tôi cũng không dám chen lời. Tôi quả thật không muốn bắt con bé làm việc nhà gì cả, nước ép ép ra cũng để bọn nhỏ uống thôi mà.
Cho nên, làm ba mẹ chồng người ta cũng có thấp thỏm riêng, chẳng thể nói quá nhiều, cũng chẳng thể không nói, nói dài thành ra nói dại, nói ít thì lại có vẻ không nhiệt tình, lạnh lùng.
Con dâu nhà người ta ơi hãy rộng lượng một chút với những "người già" như chúng tôi nhé! Chúng tôi cũng đang học cách làm sao có thể khiến con cái cũng vui lòng. Có chuyện gì bản thân chúng tôi không ý thức được làm không đúng có thể khiến tụi nhỏ vạch lá tìm sâu, nhưng rất nhiều người trong chúng tôi hoàn toàn không cố ý làm khó con dâu lần đầu tiên bước vào cửa.
Dù sao thì hy vọng con cái của mình được hạnh phúc là mong ước của hầu hết người làm bố làm mẹ, làm khó con gái nhà người ta, thì hai đứa nhỏ sẽ nảy sinh mâu thuẫn, thì có hại chứ chẳng lợi lộc gì cho bản thân chúng tôi đâu.
Vì vậy các con gái sắp sửa ra mắt nhà bạn trai ơi các con đừng quá băn khoăn lo lắng quá nhiều, vì thật ra có thể phụ huynh nhà trai còn đắn đo lo nghĩ hơn cả các con nữa.
3
Đến ra mắt là để đánh giá người đàn ông này có xứng đáng để kết hôn hay không, chứ không phải đến cầu xin anh ta cưới mình
Ba mẹ tôi dặn kỹ tôi rằng, lần đầu tiên đến nhà trai, phải biết quan sát. Một là quan sát trạng thái của bạn trai khi ở nhà ảnh, nhất là thái độ của ảnh khi người nhà ảnh đối diện với tôi; hai là quan sát thái độ của phụ huynh ảnh; ba là quan sát thái độ của những người thân khác có thể xuất hiện ở nhà ảnh; thứ tư là quan sát nếp sinh hoạt của ba mẹ ảnh.
Và còn dặn tôi phải đặc biệt chú ý đến hai điểm. Thứ nhất là bất luận đối phương có nhiệt tình đến thế nào, chuẩn bị chu đáo đến như thế nào, không được phép ngủ lại nhà đối phương, nhất định phải về khách sạn ở; thứ hai, không cần tranh làm việc nhà, phải biết "giữ giá" bản thân một chút. Nếu như ba mẹ bạn trai để bạn làm, thì bạn nhắc khéo bạn trai làm, nhất định không được để bản thân bị ăn hiếp.
Chắc chắn sẽ có người hỏi rằng tôi không chủ động hòa nhập như vậy: "Rốt cuộc là có tính toán gì? Chẳng nhẽ là chưa kết hôn đã muốn ly hôn?"
Tôi xin bổ sung thêm một quan điểm riêng của bản thân: Con gái lần đầu tiên đến nhà bạn trai, thực chất là phải làm rõ bản thân muốn gì?
Lần đầu tiên đến nhà bạn trai là để đưa ra quyết định chính xác hơn rằng liệu bản thân đã chắc chắn muốn ký vào giấy kết hôn với người đàn ông này không?
Tôi muốn tìm hiểu rõ ảnh hưởng của hoàn cảnh gia đình lên anh ấy; quan sát anh ấy có thể độc lập, tự chủ hay không; quan sát mức độ ảnh hưởng của gia đình nơi sinh ra anh ấy đối với gia đình riêng trong tương lai của chúng tôi.
Tôi đến là đến để đánh giá người đàn ông này có xứng đáng để kết hôn hay không, chứ không phải đến cầu xin anh ta cưới mình, chứ đừng nói đến cầu xin người nhà anh ta cưới.
Tôi nói phải biết coi trọng và giữ giá bản thân chính là như vậy. Là người đàn ông này muốn cưới tôi, dẫn tôi về nhà anh ấy chơi chứ không phải dẫn tôi về để rửa chén. Chén bát nhà anh, anh không biết tự rửa à?
Nói theo lời của bố mẹ tôi là đứa con gái như tôi ở nhà bố mẹ nuôi hơn 20 năm, chưa từng để nó đụng tay vào việc nhà. Đến nhà anh làm khách lại bắt tôi rửa chén bát cho cả nhà anh? Thậm chí là quét tước nhà cửa? Để bố mẹ tôi biết thì họ sẽ nghĩ như thế nào? Tay anh có vấn đề sao? Nhà anh cần tìm người giúp việc hả? Tại sao anh mời con gái chúng tôi đến nhà anh chơi bộ trong lòng không biết nghĩ hả?
Người đàn ông này ở nhà bố mẹ anh ta có tiếng nói hay không, có chủ kiến riêng hay không, có tôn trọng bạn hay không, những chuyện đều có thể trực tiếp nhìn thấy được. Thái độ của ba mẹ và người nhà anh ấy đối với bạn chính là phản ánh trực tiếp thái độ của họ bình thường lúc anh ấy nhắc đến bạn khi ở nhà. Hoàn cảnh sinh hoạt thường ngày của ba mẹ anh ấy có thể nói lên thói quen sinh hoạt của một gia đình.
Kết hôn là chuyện của hai gia đình, nhất là sau này khi có con, có nhà riêng, hai gia đình ban đầu, sẽ va chạm nhiều hơn khi sinh sống cùng nhau. Nhất là những lúc như thế này cần quan sát hai người có thể đảm đương trách nhiệm được hay không, nữ giới hay nam giới đều phải tự gánh vác trách nhiệm.
Nếu như người đàn ông này không có tiếng nói gì ngay cả trước mặt ba mẹ ruột của anh ấy, cũng không có chủ kiến riêng, không biết đứng ra bảo vệ bạn, thậm chí ba mẹ của anh ta còn xem thường bạn, vậy con đường sau này ắt sẽ vô cũng khó đi. Nếu như người phụ nữ này không có chủ kiến riêng ngay cả trước mặt ba mẹ ruột của cô ấy, không bảo vệ được gia đình của mình, ngay cả tính cách của bản thân cũng hoàn toàn không thể tiết chế nổi vậy thì cuộc sống sau này sẽ rất là đáng sợ.
Về phần anh ấy nhận định việc người phụ nữ như tôi có hợp để kết hôn hay không, thì trước khi anh ấy đưa tôi về nhà, khi anh ấy cầu hôn tôi, khi anh ấy gặp mặt bố mẹ tôi, chắc hẳn bản thân anh ấy đã có quyết định rồi.
M52