(Tổ Quốc) - Vừa kết hôn không lâu, anh Sang đổ bệnh, mọi việc trong nhà đè nặng lên đôi vai của người vợ kém anh 26 tuổi.
Đi quãng đường dài vào một khu vườn nhãn rậm rạp cây cỏ, không có lối cho xe máy là nơi dẫn vào căn chòi của vợ chồng anh Sang và chị Oanh. Họ là cặp vợ chồng đũa lệch có hoàn cảnh khó khăn đang sống tại ấp Mỹ An, xã Bình Ninh, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.
Ngồi trong căn chòi được lợp tạm bằng vải, bạt, ni-lông, giữa chòi đặt duy nhất một chiếc giường, trải tấm chiếu, ngoài ra không có món đồ nào đáng giá, anh Sang (sinh năm 1971) chậm rãi kể về câu chuyện của mình.
Vợ chồng đũa lệch chênh nhau 26 tuổi
Cách đây 7 năm, anh lúc đó còn khỏe mạnh, đi làm thợ hồ đã quen được cô gái trẻ tên Oanh (sinh năm 1997, quê gốc ở Đồng Tháp). Hai người cảm mến nhau rồi nên duyên vợ chồng.
Biết con gái yêu người đàn ông lớn tuổi, gia đình chị Oanh phản đối. Nhưng về sau thấy chị quyết tâm, bố mẹ đành chấp nhận, xem đó là cái duyên, cái nợ của con mình.
Anh Sang vốn là người đàn ông hiền lành, trước nay chăm chỉ làm lụng kiếm tiền, chưa từng kết hôn. Đến khi đám cưới với chị Oanh xong, anh đưa vợ về quê, được bố mẹ cho miếng đất, dựng tạm ngôi nhà bằng gỗ để ở. Gọi là miếng đất, nhưng thực chất đó là khoảng đất nằm ở trong vườn nhãn của gia đình.
Anh Sang, sinh năm 1969 hiện đang bị bệnh sụp cột sống, việc đi lại gặp khó khăn.
Anh Sang và chị Oanh kết hôn đến nay được 7 năm. Chị Oanh kém chồng 28 tuổi.
Vừa sống chung được 2 năm thì sóng gió ập đến với hai vợ chồng, anh Sang phát hiện mình bị sụp cột sống. Căn bệnh khiến người đàn ông không thể đi lại, phải ngồi xe lăn, mất khả năng lao động. Đúng lúc này thì chị Oanh cũng đang mang thai.
Người phụ nữ trẻ đang ở trong độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời phải một mình chăm chồng bệnh nặng. Hàng ngày, chị dìu anh tập đi, phụ anh vệ sinh cá nhân, tắm rửa, lo cơm nước. Đến ngày đi sinh, chị Oanh phải nhờ hàng xóm giúp đỡ. Cuộc sống khó khăn, vất vả là vậy nhưng thấm thoắt đã 3-4 năm trôi qua, người phụ nữ trẻ vẫn ở bên đồng hành, chăm lo cho chồng.
Ơn trời, anh Sang nhờ chịu khó tập luyện nên giờ đã có thể chống gậy đi lại nhẹ nhàng, phụ vợ việc cơm nước. Trước kia còn có khả năng, anh nhờ người vào châm cứu, mỗi lần hết 40-50 nghìn đồng. Nhưng đến giờ, thu nhập không có nên anh cũng chẳng còn tiền chữa bệnh. Mà căn bệnh của anh, có chữa cũng chỉ đỡ phần nào chứ không bao giờ có thể trở lại bình thường như trước được nữa.
Căn chòi dựng tạm giữa vườn nhãn của vợ chồng anh Sang, chị Oanh.
Chưa bao giờ chán nản hay muốn buông bỏ gia đình
Chồng bệnh, kinh tế gia đình đè nặng lên đôi vai của chị Oanh. Thu nhập chính của gia đình bây giờ trông vào nghề làm hộp quẹt. Mỗi ngày hai vợ chồng túc tắc làm cũng chỉ được vài chục ngàn đồng. Căn nhà gỗ của anh Sang, chị Thảo trước kia đã bị sập, nay phải dựng căn chòi ở tạm, không điện nước, không đồ đạc.
Mọi sinh hoạt trong gia đình anh Sang đều phải nhờ ở nhà bố mẹ, đến tối vợ chồng con cái mới ra chòi ngủ. Trời thương cho vợ chồng anh một cô con gái khỏe mạnh, hoạt bát, dễ thương, ngoan ngoãn. Ông bà ngoại thương con, thương cháu nên cũng phụ giúp anh Sang, chị Oanh chi phí sữa, quần áo, học hành của cháu gái.
Chị Oanh chưa bao giờ cảm thấy chán nản hay muốn buông bỏ cuộc sống hiện tại.
Hỏi chị Oanh có bao giờ cảm thấy chán nản khi phải chăm chồng bệnh tật hay không? Người con gái với thân hình gầy gò, gương mặt khắc khổ nhưng rất hay cười bảo: "Em chưa bao giờ thấy chán hay muốn buông bỏ. Bởi em nghĩ mình đã lập gia đình thì phải cố gắng và luôn biết tự tạo niềm vui cho mình".
Nghe người vợ trẻ nói, anh Sang mỉm cười hạnh phúc vì thấy bản thân quá may mắn. Đến hiện tại, cặp vợ chồng đũa lệch chỉ mong có sức khỏe, nếu có vốn sẽ chăn nuôi thêm để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Nguồn: Phương Tung Tăng
Lam Giang