(Tổ Quốc) - Xa gia đình sang tận châu Phi xa xôi để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương đã khiến quân nhân nước bạn ngả mũ nể phục.
Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương mừng vì được Đảng, Nhà nước tin tưởng và trao trọng trách mới ở Phái bộ UNISFA tại Abyei. Chị cũng có chút lo lắng vì mới trở về sau nhiệm vụ lần thứ nhất được 11 tháng giờ đã chuẩn bị lên đường. Hai đứa con còn bé lại phải nhờ bàn tay của chồng chăm sóc. Trong suy nghĩ của chị không biết anh và ông bà có thông cảm, sẻ chia để mình tiếp tục cống hiến hay không?
Chưa bao giờ từ chối nhiệm vụ
"Tôi quyết định đi lần 2 bởi vì đây là Phái bộ mới, triển khai quân mới nên khi Cục Gìn giữ hòa bình (GGHB) động viên tôi đã quyết tâm sẽ lên đường một lần nữa. Lúc đầu lãnh đạo Cục GGHB đã suy nghĩ rất nhiều bởi vì tôi vừa đi GGHBLHQ tại Nam Sudan về chưa có thời gian ở nhà với gia đình cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý.
Cục GGHB tạo điều kiện nếu có thể hai vợ chồng cùng đi sẽ đỡ vất vả cho tôi phần nào, thứ hai tạo điều kiện một số cái để tôi có thể thực hiện nhiệm vụ ở bên đấy. Tuy nhiên, hai vợ chồng cùng đi sẽ rất khó khăn bởi vì còn con cái cho nên về tôi cũng trao đổi với cả nhà. Cả nhà cũng đồng ý một mình tôi đi còn chồng sẽ ở nhà tiếp tục nhiệm vụ chăm sóc gia đình." Trung tá Phương tâm sự.
Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương trong một lần đi tuần tra tại Nam Sudan.
Cũng theo nữ Trung tá, nhiệm vụ trong lần công tác này là chỉ làm việc ở trong căn cứ hoặc là đi tới các phân khu khác của Phái bộ. Tuy không phải đi tuần tra ở ngoài căn cứ như nhiệm vụ cũ của Quan sát viên quân sự nhưng sẽ có thách thức lớn hơn, bởi vị trí làm việc của chị là sĩ quan tham mưu cấp cao về huấn luyện tích hợp cho tất cả các lực lượng trong quá trình gia nhập và thực hiện nhiệm vụ ở Phái bộ.
Vì đã gắn bó với Lực lượng GGHB cho nên được tham gia thực hiện nhiệm vụ ở một Phái bộ mới là một trong những vinh dự và rất tự hào đối với chị Phương. Một công việc mới, một địa bàn mới rất nhiều thách thức, rất nhiều khó khăn đặc biệt là chưa hề có lực lượng nào triển khai ở đây.
Và đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam triển khai lực lượng cán bộ, chiến sĩ lớn như thế ở ngoài lãnh thổ. Những cá nhân được lựa chọn lần này đều là những cán bộ nòng cốt có thể hỗ trợ việc triển khai quân của đoàn Công binh và hỗ trợ cho hoạt động trong lần thiết lập ban đầu - những người mở đường đầu tiên cho lực lượng của Việt Nam ở Phái bộ mới.
Tình cảm của nữ Trung tá dành cho những người dân bản địa
"Tôi rất thích nhiệm vụ này dù biết là vô cùng nhiều khó khăn, thách thức. Bởi vì Phái bộ mới chưa có người của mình, chưa có kinh nghiệm địa bàn, vị trí công tác mới là sĩ quan tham mưu về huấn luyện, sĩ quan cấp cao về huấn luyện tích hợp, đặc biệt là Tổ trưởng Tổ công tác đảm nhiệm cực kỳ nhiều nhiệm vụ Bộ Quốc phòng cũng như là Cục GGHB giao.
Với những kinh nghiệm đã được tích lũy, những kiến thức đã được học và trau dồi và cái quan trọng nhất là sự tin tưởng, động viên của mọi người là động lực để cho mình cố gắng.’’
Hai tiếng Việt Nam trên đất nước bạn
Chị tâm sự, nhiệm vụ đầu tiên trên cương vị là nữ Quan sát viên quân sự đầu tiên tại Phái bộ GGHBLHQ tại Cộng hòa Nam Sudan, bản thân chị nhận thấy rằng đây là nhiệm vụ đầy khó khăn, đầy thử thách, nhưng cũng là một niềm vinh dự tự hào.
Trung tá Phương có rất nhiều kỉ niệm đối với chốt kiểm soát ở đầu cầu Juba. Đây là một trong những chốt kiểm soát đầy thách thức đối với lực lượng Quan sát viên quân sự tại Thủ đô Juba cũng như tại Phái bộ UNMISS vì họ không thân thiện và luôn thách thức lực lượng.
Lực lượng GGHB Việt Nam cùng các đơn vị bạn
Lần đầu đi qua cầu Juba, họ luôn quan sát lúc chị xuống làm việc với sĩ quan cũng như binh lính phụ trách chốt kiểm soát. Lúc đầu họ nhìn chị đầy hoài nghi, họ thử thách bản lĩnh người lính Việt Nam bằng cách đưa xuống phòng làm việc rất tối và bẩn, không khác gì một phòng tù giam. Nhưng chỉ sau ít phút dò hỏi, họ ồ lên và bất ngờ bởi lần đầu tiên thấy nữ sĩ quan Việt Nam tham gia tuần tra trên cương vị là Quan sát viên quân sự.
"Sau khi nhìn thấy chữ Việt Nam ở trên ngực áo của tôi thì họ rất hồ hởi, nói chuyện nhiều hơn và cũng chia sẻ với tôi rất nhiều câu chuyện như: Họ đã được biết đến Việt Nam thông qua những bộ phim, những đoạn clip ngắn trên mạng hay những câu chuyện kể của mọi người.
Trước đây cũng có nhiều Quan sát viên quân sự đi qua đây rồi nhưng chưa có ai là nữ Quan sát viên quân sự đến từ Việt Nam. Thực sự là họ rất ấn tượng với nữ sĩ quan Việt Nam đầu tiên thực hiện nhiệm vụ Quan sát viên quân sự.
Thực sự cảm giác lúc đấy mình rất vui, bởi vì, mặc dù rất xa xôi nhưng đất nước và con người Việt Nam chúng ta lại được các bạn biết đến và dành tình cảm trân trọng đến như vậy". Chị nhớ lại.
Sau mỗi lần nói chuyện như vậy, tình cảm giữa lực lượng Quan sát viên quân sự nói chung, đặc biệt là lực lượng sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam nói riêng đối với Quân đội Nam Sudan cũng như người dân ở đây càng trở nên gắn bó và thân thiện hơn rất nhiều.
Họ nói "Việt Nam, các bạn là những người chiến thắng."
Những người chỉ huy và những người lính ở các chốt, trạm kiểm soát trên lãnh thổ Nam Sudan đều cảm thấy rất ấn tượng, khi lần đầu tiên gặp nữ sĩ quan Việt Nam trên cương vị Quan sát viên quân sự và làm nhiệm vụ tuần tra ở ngoài căn cứ.
Với sự thân thiện trong làm việc và đàm phán, tạo ấn tượng tốt đẹp, chị được họ gọi bằng những cái tên yêu thương như "Queen Việt Nam", hay là "Miss Việt Nam".
"Trong những câu chuyện, họ có nói với tôi rằng "Viet Nam you are winner…" có nghĩa là, Việt Nam các bạn là những người chiến thắng. Họ kể về những câu chuyện liên quan đến việc người Mỹ đã đặt chân đến Việt Nam như thế nào, và đã bước ra khỏi đất nước Việt Nam ra sao".
Họ cũng thường tâm sự với chị rằng, những người dân ở đất nước Nam Sudan rất ấn tượng đối với sự phát triển, phục hồi của Việt Nam sau một quá trình dài chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh.
Thông qua những câu chuyện chia sẻ về Việt Nam, họ cũng mong muốn đất nước Nam Sudan sẽ nhanh chóng phục hồi, ổn định, thống nhất, người dân có cuộc sống ấm no như Việt Nam.
Dòng máu người lính chảy trong huyết quản
Trung tá Phương chia sẻ, gia đình chị có truyền thống phục vụ trong quân đội. Ông ngoại, bố mẹ đẻ, bố chồng và chồng chị đều là những người lính. Chị bảo, dòng máu lính chảy trong huyết quản của chị ngay từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ. Đây chính là động lực giúp chị quyết tâm trở thành quân nhân trong Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Truyền thống gia đình khơi dậy trong chị niềm đam mê được cống hiến trong quân đội. Tuy nhiên, cơ duyên chị làm một người lính Gìn giữ hoà bình lại bắt đầu từ một câu chuyện khác.
Năm 2014, khi Việt Nam bắt đầu triển khai hai sĩ quan đầu tiên đến Phái bộ GGHBLHQ, chị đã tìm hiểu về lực lượng này cũng như chủ trương, chính sách của Việt Nam trong việc cử lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ.
Sau đó, Việt Nam cử nữ sĩ quan đầu tiên thực hiện nhiệm vụ GGHB trên cương vị sĩ quan tham mưu. Đó là trung tá Đỗ Thị Hằng Nga. Chị suy nghĩ và thấy đây là một tấm gương, động lực để mình phấn đấu.
Sau khi vượt qua nhiều vòng tuyển chọn, huấn luyện cũng như các bài kiểm tra sát hạch gắt gao, chị đã trở thành người lính Mũ nồi xanh, là nữ quan sát viên quân sự đầu tiên của Việt Nam.
Trung tá Phương bảo nếu có phải chọn lại, chị khẳng định, vẫn một lòng đi theo "khúc quân hành", xin trọn đời trong màu xanh áo lính. Chị là người phụ nữ luôn chỉnh tề theo điều lệnh, điều lệ Quân đội. Song, ở môi trường đầy tính kỷ luật ấy, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam dịu dàng ấy vẫn được khắc họa rõ nét, đầy tự tin.
Nhật Vũ