(Tổ Quốc) - Không chỉ bà nội trợ này, mà rất nhiều chị em khi làm mứt vỏ cam đều gặp trường hợp mứt không khô ráo, bị ướt và dính.
Tết Nguyên Đán đích thị là ngày hội của những loại mứt. Mặc dù hiện nay, bánh kẹo, mứt quả có thể xuất hiện bất cứ nơi đâu, thời điểm nào, nhưng dẫu sao Tết vẫn là dịp chị em nô nức mua sắm, tự tay làm mứt nhiều nhất.
Bằng chứng là những ngày này, trên các group dành cho người thích nấu nướng xuất hiện thường xuyên và liên tục các post chia sẻ về món mứt. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả khiến dân tình lác mắt thì không thiếu những trường hợp thất bại thảm hại.
Mới đây, chị N.H.T đã đăng đàn trong group Yêu bếp chia sẻ về món mứt vỏ cam dẻo quánh, không thể khô đường đã nhận được nhiều lượt quan tâm.
Chủ nhân của bài viết cho biết, bản thân chị kì vọng sẽ làm ra miếng mứt cam có lớp đường trắng li ti bao bọc bên ngoài, ráo tay để bọc chocolate ăn cho sang. Thế nhưng, chị càng sên thì đường lại càng quánh lại và đống vỏ cam lèo nhèo kia có vẻ không thể cứng trở lại.
Đương nhiên, sau những đau thương gặp phải, chị N.H.T đã tự rút ra kinh nghiệm để có được món mứt khô đường, đẹp mắt.
Xem thêm cách làm mứt vỏ cam tại đây!
Lỗi sai nhiều người gặp phải khi làm mứt vỏ cam
- Các loại quả chua không làm được mứt khô sên theo kiểu truyền thống: Cụ thể, với những loại quả chua thì chỉ làm được mứt dẻo dính tay chứ không thể trông chờ sẽ ra thành phẩm khô cong, đường trắng bám li ti vào miếng mứt được. Ngoài ra, một số mứt còn phải sử dụng lò sấy, nồi chiên không dầu hoặc lò nướng để sấy khô.
- Đừng cầu kỳ thêm vị chua vào các loại mứt: Cho thêm vị chua vào đường thì đường sẽ ở dạng dẻo quánh, không lại đường và khô ráo được. Chị N.H.T đã từng cho thêm nước chanh, siro hoa bụt giấm vào sên đường. Tuy nhiên, chị đã "ôm hận" khi mẻ mứt cam không thể khô lại được.
- Đừng cố healthy bằng cách đổi đường tinh luyện thành đường phèn: Hãy dùng đường tinh luyện để sên mứt. Dù đường phèn có vẻ healthy hơn, nhưng khi làm mứt xong thì bạn cũng chỉ thu lại khoảng 1/3 số đường ban đầu thôi.
- "Lại đường" là khái niệm khi đường đang ở thể lỏng, sên nhiệt tới mức độ nào đó sẽ chuyển hoá ngược lại thành tinh thể khô ráo. Nhờ tính chất này mà chúng ta làm được mứt dừa, mứt cà rốt, mứt vỏ cam... các mùa Tết.
Tuy nhiên, khi sên tới mức đường bắt đầu trắng xoá ở cạnh chảo thì phải giảm lửa nhỏ, đảo đều tay tới lúc thấy đường đã chuyển qua khô tầm 2/3 số lượng thì tắt lửa đi và tiếp tục đảo để đường rớt ra khỏi miếng mứt. Tắt lửa để tránh tình trạng để quá một xíu thôi thì đường lại bị chảy ra tiếp. Nếu đã khô đường mà sên quá đường chảy nước thì không có cách nào cứu vãn được nữa.
"Hy vọng từ đau thương này, các bạn muốn thử nghiệm làm mứt Tết năm nay sẽ không 'vấp ngã' như mình" - bà nội trợ N.H.T chia sẻ.
Cách sửa sai món mứt vỏ cam dẻo quánh
Mặc dù món mứt vỏ cam của chị N.H.T không thể khô lại mà dẻo quánh, cầm vào dính tay khiến khổ chủ băn khoăn: "Không biết xử thế nào cái đống bèo nhèo dính dớp này". Tuy nhiên, hội chị em vẫn mách nước vài cách sửa sai khá hay ho giúp chủ thớt có thể tận dụng được mứt vỏ cam bị hỏng, thay vì đổ bỏ.
- Xay ra, trộn thêm ruột cam xay để làm thành mứt phết bánh.
- Giữ nguyên hiện trường, cho vào máy xay sinh tố xay ra thành sinh tố vỏ cam đường phèn sệt sệt. Xong sau đó bỏ vào lọ thủy tinh sạch, lúc nào bị ho thì lấy ra một thìa ngậm cho thông mũi mát họng, sảng khoái dài lâu được mà!
- Để nguyên thế cất đi không xay cũng được. Khi nào ho lấy 1 miếng ra ngậm. Còn muốn xay thì thêm tí nước.
Tóm lại, dù thành quả không như ý cho lắm nhưng chị N.H.T vẫn được mách nước kha khá cách cứu nguy, tận dụng món mứt vỏ cam không thành công. Và hội chị em hoàn toàn có thể tham khảo cả những lỗi mà chị N.H.T đã mắc phải cũng như cách khắc phục, biết đâu bạn lại cũng có lúc "vấp ngã" tương tự khi làm món mứt vỏ cam?
M52