(Tổ Quốc) - "Chồng mình gắt gỏng: 'Cô làm loạn cái gì, không chết được đâu. Mai tôi đưa cô về'. Ngay phút ấy mình thấy anh ta như người xa lạ", mẹ đơn thân trải lòng.
Ngày xưa các cụ có câu "Có con mà gả chồng xa, một là mất giỗ, hai là mất con" thật chẳng sai đâu chị em ạ. Lấy chồng rồi, bề bộn việc nhà chồng, việc họ hàng nhà chồng, việc nuôi dạy con cái, kiếm tiền lo cho những hóa đơn cuối tháng, con gái lấy chồng xa có còn thì giờ mà về thăm cha mẹ?
Phận con gái mười hai bến nước, gả được cho người chồng tốt hay xấu cũng là canh bạc may rủi. Chồng xa mà thương vợ, nhớ đến bố mẹ vợ thì một năm về được vài lần, lần nào con rể về là cơm rượu đãi hơn khách quý đến chơi. Ngược lại, phận hẩm hiu gặp chồng vô tâm, chồng gia trưởng hay chồng "lật mặt" tỏ thái độ thì bố mẹ cả năm không thấy mặt con gái, cũng chẳng dám kêu ca vì sợ nó khổ.
Ngọc (31 tuổi, đã kết hôn 6 năm, ly hôn 1 năm) chia sẻ: "Ngày mình đưa anh ấy về ra mắt, bố mình đã thở dài. Tối ông bảo mình là ông không muốn mình lấy anh ấy vì xa xôi quá. Bố mình bảo bố mẹ trải qua hơn nửa đời người, nhà ông bà ngoại gần như thế mà mẹ mình cũng vất vả với việc nhà chồng, lúc mẹ ốm chạy vội 10km xe máy về còn không kịp tiễn. Nói gì đến mình, lấy chồng hơn 400 km.
Nghe bố nói, mình hơi chạnh lòng, nhưng chút lo lắng lúc ấy đáng gì so với tâm trạng của người đang yêu, chỉ muốn cưới và ở bên người đàn ông ấy. Mình cãi bố, khóc lóc, cuối cùng bố mẹ cũng phải xuôi ý.
Lấy chồng rồi mình mới thấy những lời hứa khi yêu: 'Lúc nào em muốn về nhà anh đưa về, hai vợ chồng mình có ở với bố mẹ chồng đâu mà em sợ', hay: 'Anh tin anh là thằng rể mà bố mẹ vợ nào cũng mơ ước' chỉ là lời hứa. Thực tế thì, hai vợ chồng làm ở Hà Nội, cách nhà nội 40km nên tuần nào cũng phải về thăm, không là ông bà sẽ ý kiến, hàng xóm, dòng tộc có ý kiến.
Ngày lễ, nếu mình có ý định về ngoại, mẹ chồng gọi điện nói thẳng: 'Đừng để hàng xóm cười vào mặt chúng tôi', mình lại gạt nước mắt, gọi điện khất với bố mẹ, dần thì bố mình cũng quen. Tết về nhà mình được đúng 2 ngày, rồi lại tất tưởi lên Hà Nội đi làm.
Cực chẳng đã, năm ngoái bố mình ốm, một buổi tối mẹ gọi bảo lần này bố bệnh nặng lắm rồi mới dám gọi mình về thăm, lỡ đâu bố không qua khỏi. Mình cuống lên gọi điện giục chồng về vì đã 7h tối không thấy chồng đâu. Đầu bên kia lao xao bia bọt, tiếng người nói đểu: 'Mẹ trẻ mày gọi kìa, về đi'. Chồng mình gắt gỏng: 'Cô làm loạn cái gì, không chết được đâu. Mai tôi đưa cô về'. Ngay phút ấy mình thấy anh ta như người xa lạ".
Ngọc không tránh khỏi xúc động khi nhắc lại, tối hôm ấy cô vội vã gửi con được qua nhà người bạn thì đã 8h hơn, ra bến xe kịp bắt chuyến cuối cùng để về nhà nhưng ngày hôm sau cô cũng không kịp nhìn mặt bố lần cuối.
Ngọc đau đớn vì bản thân không được gần gũi chăm sóc khi bố ốm đau, thất vọng tràn trề vì người chồng đầu ấp tay gối vô tâm đến tàn nhẫn với bố mẹ vợ. Cô cãi nhau với chồng còn anh giải thích rằng lời nói ấy là lời trong lúc say, cô thích làm quá lên.
Sau những ngày cô xin nghỉ làm để lo việc cho bố, chồng mặt nặng mày nhẹ vì phải đưa đón con đi học, phải chăm con. Rồi cô vắng mặt trong ngày giỗ bà nội chồng vì lễ 49 ngày của bố khiến mâu thuẫn lên cao. Cứ như vậy, tình cảm nguội lạnh. Cô đề nghị ly hôn trong sự ngỡ ngàng của anh ta. Phải mất mấy tháng hòa giải cô mới có thể ra đi, đứa con gái duy nhất cô nhận nuôi.
Ngọc nói rằng sau khi ly hôn cô mới thấy mình đã bỏ lỡ quá nhiều năm tháng tuổi trẻ cho một người chồng gia trưởng, một gia đình chồng quá nhiều quy tắc. Cô thảng thốt nhớ lại câu nói của một người bạn: "Đàn bà ơi, đừng lấy chồng xa, cược hết tuổi trẻ, cược cả hạnh phúc!".
Cô giờ đây thu nhập đủ nuôi con. Hai mẹ con luôn vui vẻ. Bất cứ khi nào muốn, hai mẹ con xin nghỉ phép thêm 1-2 ngày, kết hợp với cuối tuần là đủ thăm mẹ. Mùa hè, cô cho con về ở với bà mấy tháng, hai bà cháu vui như Tết.
Cô không cấm con gặp bố, anh vẫn đến thăm con, đưa con đi chơi, thậm chí đề nghị cô quay lại nhưng cô từ chối vì quá sợ cuộc sống hôn nhân bên anh ấy.
Chuyện của Ngọc khiến nhiều người phải suy nghĩ. Có quá mạo hiểm khi đàn bà lấy chồng xa quê, cược tuổi trẻ, cược luôn hạnh phúc vào một người đàn ông? Sống cuộc sống vợ chồng, nhịn một chút để con có gia đình đầy đủ liệu có hơn ly hôn để giải phóng bản thân?
Mỗi người sẽ có một quyết định khác nhau, tùy vào sức chịu đựng và những va chạm tổn thương. Suy cho cùng, đàn bà, cứ yêu mình trước, đối với những người chồng không tôn trọng gia đình mình, cần có phản ứng để đòi hỏi quyền lợi. Khi không thế sống cùng nhau thì sự giải thoát lại tốt hơn.
Daisy