(Tổ Quốc) - Câu chuyện đau đầu muôn thuở của những người đi ở trọ chính là những vụn vặt tài chính trong chuyện ở chung với bạn cùng phòng.
Nhưng với tài chính hạn hẹp của sinh viên hay thậm chí là cả những người đã đi làm ở các thành phố lớn, đặc biệt trong thời kỳ kinh tế vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề do Covid thì việc có thể giảm bớt chi phí thuê nhà đắt đỏ đến các hóa đơn điện nước, tiền sinh hoạt chung (ăn uống...) đều giúp ích rất nhiều. Không chỉ vậy, việc sống chung cùng bạn bè hay người thân sẽ giúp bạn có người giúp đỡ khi ốm đau.
Những bất đồng về bạn cùng phòng là điều không thể tránh khỏi, đó là lý do tại sao việc thiết lập hệ thống chia sẻ chi phí là điều cần thiết để đảm bảo mọi người đều hài lòng thay vì "bằng mặt nhưng không bằng lòng".
Cho dù bạn đang tìm cách bắt đầu chia nhỏ chi phí với những người bạn cùng phòng hay xây dựng một số quy định mới thì đây cũng là một cách giúp phân chia chi phí công bằng mà bạn có thể học hỏi.
1. Chia sẻ thẳng thắn
Giao tiếp là chìa khóa trong tất cả các mối quan hệ, không chỉ trong tình yêu. Bạn nên nói về các vấn đề tài chính, mặc dù điều này lúc đầu có thể không thoải mái, nhưng việc này sẽ giúp các bạn tránh được các mâu thuẫn về sau.
Khi quyết định chia nhỏ chi phí với những người bạn cùng phòng, bạn nên tổ chức một cuộc họp ngay từ khi về sống chung. Trong cuộc thảo luận này, bạn nên đề cập đến những điều sau:
Danh sách tất cả các khoản chi phí: Xem qua từng hóa đơn và chi phí, và ghi chúng vào một tài liệu mà mọi người có thể tham khảo - hoặc tạo một nhóm chat gồm tất cả mọi người và chụp ảnh các hóa đơn này lên đó phòng trường hợp có sự nhầm lẫn sau này.
Thảo luận về tiền thuê nhà: Nếu như bạn chỉ ở một phòng trọ, vậy thì điều này dễ dàng hơn - số tiền trọ sẽ chỉ cần chia đều cho số đầu người.
Nhưng nếu bạn thuê một căn hộ, vậy thì có sự khác biệt lớn về diện tích phòng hay các tiện ích trong mỗi phòng không (nhà vệ sinh khép kín, điều hoà, bàn ghế, tủ lạnh...) trong ngôi nhà hoặc căn hộ của bạn không?
Cách giải quyết sẽ tùy theo kết quả của cuộc thảo luận. Một cuộc thảo luận minh bạch sẽ đảm bảo mọi người đều cảm thấy thoải mái và được đối xử công bằng.
Ngân sách của mỗi người: Nếu bạn đang cùng chia tiền sinh hoạt phí - ăn uống, đi chợ... với bạn cùng phòng, bạn hoàn toàn nên thông báo trước về ngân sách của mình cho những người còn lại.
Sẽ thật dễ dàng nếu mọi người trong nhà đều ăn tại nhà hay có mức ngân sách cho việc sinh hoạt tương tự nhau.
Nhưng đôi khi, một trong hai người có thể sẵn sàng chi 1-2 triệu đồng một tuần cho thực phẩm, nhưng người kia có thể chỉ muốn chi 500.000 - 1 triệu đồng.
Hãy chắc chắn rằng bạn hiểu rõ về điều này nếu bạn muốn chia sẻ tiền sinh hoạt. Cũng có thể có các giải pháp thay thế, chẳng hạn như người có ngân sách cao hơn có thể mua thêm thực phẩm chỉ cho riêng mình.
2. Quyết định về một hệ thống quản lý
Khi bạn đã quyết định về cách bạn sẽ phân chia chi phí của mình, hãy xem xét cách bạn sẽ theo dõi chi phí của mình một cách chính xác. Điều này có thể là một khó khăn, nhưng may mắn là có công nghệ có thể giúp bạn và những người bạn cùng nhà của bạn tách biệt chi phí một cách dễ dàng.
Sử dụng một ứng dụng: Bạn không phải là người yêu toán học? Vậy thì bạn có thể tham khảo ứng dụng Splitwise - dễ dàng sử dụng và hoàn toàn miễn phí!
Bảng tính excel: Việc thiết lập một bảng tính excel sẽ giúp bạn dễ dàng liệt kê các chi phí cũng như đóng góp của mỗi người để theo dõi.
Còn nếu bạn vẫn là người yêu thích thủ công, vậy thì những cuốn sổ ghi chép sẽ giúp bạn.
3. Thảo luận về thời gian
Bước cuối cùng để đạt được sự hài hòa tài chính giữa các phòng là quyết định khi nào tất cả các bạn sẽ thanh toán các khoản tiền. Ví dụ: nếu bạn trả tiền thuê nhà vào cuối tháng, đây cũng có thể là thời điểm tốt để xóa mọi khoản nợ.
Dù bằng cách nào, hãy đảm bảo rằng bạn và bạn cùng phòng đã đồng ý về thời điểm các bạn thực hiện việc này, để cuối cùng không ai mắc nợ những người còn lại một số tiền không mong muốn trong ba tháng.
TP