(Tổ Quốc) - Ngày chôn cất Từ Hi Thái hậu, trong ngoài kinh thành đều chật kín người, ai cũng muốn xem người đã nắm quyền hành tối cao trong hàng chục năm qua trông như thế nào sau khi chết.
Cùng với Lã Hậu và Võ Tắc Thiên, Từ Hi Thái hậu là 1 trong 3 người phụ nữ quyền lực nhất lịch sử hàng nghìn năm của Trung Quốc. Chắc chắn cái chết của Từ Hi Thái hậu sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính trị nhà Thanh lúc bấy giờ.
Một điều trùng hợp là, Từ Hi Thái hậu qua đời ngay sau khi Hoàng đế Quang Tự chết, để lại nhiều bí ẩn khiến người đời sau luôn thắc mắc.
Theo thông tin đã biết, Từ Hi Thái hậu ra đời vào những năm 30 của thế kỷ 19 và là phi tần của Hoàng đế Hàm Phong. Sau khi hạ sinh Trưởng Hoàng tử Tải Thuần, địa vị trong cung của bà đã được củng cố. Khi Tải Thuần kế vị, trở thành Hoàng đế Đồng Trị, bà được phong thành Từ Hi Thái hậu.
Hoàng đế Hàm Phong để lại di chiếu, chỉ định 8 vị đại thần phụ chính hỗ trợ Tiểu Hoàng đế (Cố mệnh Bát đại thần). Vì để tránh các đại thần chèn ép, Từ Hi Thái hậu đã bàn bạc cùng Từ An Thái hậu (Hoàng hậu của tiên đế) đoạt lấy quyền lực và cùng nhau chấp chính. Lịch sử gọi đây là sự kiện Tân Dậu chính biến.
Sau khi Hoàng đế Đồng Trị băng hà, vì Hoàng đế không có con nối dõi nên Từ Hi Thái hậu đã chọn cháu trai của mình là Quang Tự thừa kế hoàng vị. Năm 1889, bà từng tuyên bố trả lại quyền lực cho Hoàng đế Quang Tự, bản thân sẽ an dưỡng tại Di Hòa Viên.
Nhưng vì xảy ra sự kiện Mậu Tuất biến pháp do Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu khởi xứng, Từ Hi Thái hậu "xuống núi", phát động cuộc chính biến một lần nữa. Không chỉ toàn bộ nhóm người Mậu Tuất Lục quân tử bị xử trảm mà bà còn giam giữ Hoàng đế Quang Tự tại Doanh Đài, Trung Nam Hải.
Năm 1908, Hoàng đế Quang Tự băng hà. Ngay ngày hôm sau, Từ Hi Thái hậu chỉ định Phổ Nghi mới 3 tuổi lên ngôi. Đến tối cùng ngày, bà qua đời.
Đã có nhiều ý kiến trái chiều về Từ Hi Thái hậu. Một người cho rằng, nếu không có 2 lần đảo chính thì bối cảnh chính trị của Trung Quốc có thể sẽ không xuất hiện cục diện như chúng ta đã biết. Họ gọi bà là kẻ đoạt quyền.
Tất nhiên, cũng có những người lên tiếng bệnh vực Từ Hi Thái hậu, nếu không có bà thì kết thúc của nhà Thanh có thể sẽ thê thảm hơn.
Ngày 15/11/1908 là ngày cuối cùng Từ Hi Thái hậu còn sống trên đời này. Theo các ghi chép tài liệu lịch sử, bà vẫn xử lý sự vụ triều chính vào tối ngày 14 và đến tận khuya mới bắt đầu nghỉ ngơi.
Ngày hôm sau, Từ Hi Thái hậu dậy rất sớm vì xử lý hậu sự của Hoàng đế Quang Tự và lên kế hoạch cho triều nhà Thanh sau khi mình qua đời. Vào thời điểm đó, Từ Hi Thái hậu đã 73 tuổi, lao lực quá nhiều đã khiến cơ thể bà không thể trụ nổi nữa.
Sau khi ăn bữa sáng, bà đã cho triệu tập các đại thần triều đình để bàn bạc về vấn đề ai sẽ là Hoàng đế mới của triều Thanh, bởi suy cho cùng, đất nước không thể một ngày không có vua. Sau cuộc thảo luận, Phổ Nghi (con trai của Thuần Thân vương Tải Phong) là người được chọn.
Sau cùng là vấn đề thượng tôn hào. Tải Phong đương nhiên trở thành Nhiếp chính vương, chịu trách nhiệm đại sự trong triều. Còn bản thân Từ Hi Thái hậu sẽ trở thành Thái hoàng thái hậu có quyền lực tối cao của nhà Thanh.
Lúc hoàn tất chính sự thì đã đến giờ trưa, Từ Hi Thái hậu vẫn dùng ngự thiện trong cung như thường lệ. Chính vào lúc này, bà đột nhiên cảm thấy cơ thể rất khó chịu, không chỉ khó thở mà ngay cả sức để nhấc chân lên cũng không còn nữa. Những người xung quanh chưa kịp phản ứng thì Từ Hi Thái hậu đã ngất xỉu.
Khi tỉnh lại, bà cho rằng bản thân vì nhiều ngày không nghỉ ngơi dẫn đến tái phát bệnh cũ. Lúc đó, Từ Hi Thái hậu đã có một linh cảm không tốt nên đã ra lệnh triệu tập các đại thần một lần nữa và bắt đầu ban bố di chiếu, nội dung đại khái là muốn họ vì giang sơn Đại Thanh mà hỗ trợ hết sức cho tân hoàng đế.
Sau khi sắp xếp mọi thứ, Từ Hi Thái hậu chợt im lặng một lúc lâu khiến các đại thần nghĩ rằng bà đã mất. Đột nhiên bà lại hồi quang phản chiếu (được biết như hiện tượng người đang hấp hối đột ngột hồi tỉnh, khỏe lại trước khi qua đời) và nói một vài câu.
Bà nói bản thân mình đã "thùy liêm thính chính" (buông rèm nghe việc triều chính) vài thập kỷ, hiện tại không biết phải lựa chọn làm sao, không phải bà không muốn trả lại quyền lực cho Hoàng đế.
Đồng thời, Từ Hi Thái hậu còn muốn sau khi mình chết, hậu nhân nhất định phải tuân theo tổ huấn, không được để nữ nhân can thiệp triều chính. Bà muốn các đại thần phải có sự phòng bị và không cho phép hoạn quan có được quyền lực trong tay.
Ngoài ra, Từ Hi Thái hậu còn hi vọng họ phải cẩn thận với các cuộc khởi nghĩa, tránh tình trạng bất ổn ở cuối triều nhà Minh lặp lại vào thời nhà Thanh. Từ Hi Thái hậu không thể nào biết được, triều đình nhà Thanh chỉ còn là hạt bụi của lịch sử chỉ 3 năm sau khi bà qua đời.
Nói xong những câu này, Từ Hi Thái hậu quyết định đi ngủ đến chạng vạng tối. Và bà đã ra đi trong yên bình như thế. Những cung nhân đã đặt một viên ngọc trai trong miệng bà vì một ý nghĩa nào đó. Tang lễ của Từ Hi Thái hậu có quy mô không hề kém như của hoàng đế. Ngày chôn cất bà, trong ngoài kinh thành đều chật kín người, ai cũng muốn xem người đã nắm quyền hành tối cao trong hàng chục năm qua trông như thế nào sau khi chết.
Được biết, linh cữu của Từ Hi Thái hậu cần có trên 100 người mới có thể nâng lên được. Từ đó có thể biết được bên trong linh cữu có biết bao nhiêu vàng bạc châu báu.
Nguồn: Toutiao
HY LI