(Tổ Quốc) - Không cần bằng cấp cũng chẳng cần sáng tạo, thu nhập có thể lên tới hơn năm chục triệu một tháng nhưng nghề này vẫn gặp "khủng hoảng nhân sự" vì nỗi cơ cực của riêng nó.
Soi "tĩ" gà là nghề gì?
Trong ngành công nghiệp chăn nuôi gia cầm mà cụ thể là nuôi gà, có 1 việc siêu quan trọng là xác định, phân loại giới tính gà con.
Phân loại gà con theo giới tính tùy vào mục đích của mỗi trang trại. Ví dụ, nơi nào chuyên nuôi gà lấy trứng thì rõ ràng phải giữ con mái, loại bớt trống; trái lại, nơi nào chuyên lấy thịt thì tỷ lệ trống/mái được phân chia kiểu khác.
Mà oái oăm ở chỗ, nhìn cái trứng không thì chẳng biết sẽ nở ra con gì. Nên là đợi gà ấp xong, sẽ có những chuyên viên soi "tĩ" gà để biết giới tính và phân chia theo yêu cầu của từng trang trại.
Cái giờ người ta vẫn ôm nhau ngủ, thợ soi "tĩ" gà đã phải vào việc
3 giờ sáng đường làng còn chưa rõ mặt người, chị Mến trú tại xã Đức Giang (huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã chuẩn bị bắt đầu công việc soi lỗ huyệt gà con tại lò ấp của gia đình mình.
Tốt nghiệp cấp 3 rồi đi học nghề làm cô nuôi dạy trẻ, chị Mến chưa từng nghĩ mình sẽ theo nghề này lâu tới thế. Lấy chồng đã được 15 năm cũng là từng ấy thời gian chị làm nghề "soi tĩ gà": "Nhà chồng có lò ấp gà, mọi người cũng động viên sao không học để làm cho nhà luôn và thế là gắn bó cho tới giờ".
Mỗi phiên ấp của lò nhà chị Mến có tầm hơn 20.000 trứng.
Trong đó tỉ lệ nở của mùa hè sẽ khoảng 60%. Mỗi một chú gà được phân loại sẽ thu được 250-300 đồng, vào đợt cao điểm chị có thể làm tới 11 tiếng một ngày và phân loại được 10.000 con. Người lành nghề như chị Mến khá là hiếm, nên chị còn nhận đầu việc ở những lò khác.
Xã hội có bao giờ ngừng ăn thịt gà, ăn trứng đâu nên là mỗi năm, chỉ vào dịp Tết lò của chị mới nghỉ ấp.
Bước vào lò ấp, “bàn làm việc” của chị Mến đặt ngay ngắn phía bên trái cùng với đèn bàn sáng lóa và chiếc lọ nhựa dùng để đựng phân gà, hàng chục khay chứa hàng vạn con gà con xếp ngay ngắn xung quanh. Sau khi thay quần áo, đeo khẩu trang và đội mũ, chị Mến bắt đầu công việc lựa chọn giới tính gà con qua lỗ huyệt.
Lương ngang Giám đốc, cạnh tranh ít nhưng cực nhọc thì khiếp hồn!
Tay trái nhặt từng con rồi bóp nhẹ bụng để vắt phân dư vào chiếc lọ nhựa, tay phải ấn nhẹ vào hậu môn con gà để lỗ huyệt lòi ra, đôi mắt tập trung hết cỡ để xác định rõ con trống hay con mái… chỉ trong vòng vài giây chị đã xong 1 con.
Những ngày tháng 5, tháng 6, nhiệt độ trong lò ấp lên đến 40 độ, chị Mến làm trong không gian đông đặc mùi hôi hám, mồ hôi chảy thành dòng: "Khó khăn nhất của nghề này là người làm phải phụ thuộc vào con gà, mà con gà lại nở theo thời tiết".
Thời gian xác định giới tính gà tốt nhất là 2-3 tiếng sau khi nở. Lúc này hậu môn của gà "còn tươi" nên dễ phân biệt. Những khi gà nở sớm, thì chị phải đi sớm hơn, về khuya hơn để làm. Nếu quá khung giờ này thì hậu môn của con gà đã khô. Không còn dấu hiệu đặc trưng, chị sẽ phải mất nhiều thời gian hơn, mắt căng hơn để nhìn, đồng thời phải dùng kết hợp các thủ thuật khác mới nhìn ra được giới tính chú gà.
Để nhập môn cái nghề tưởng chừng như đơn giản này, ai muốn học sẽ phải theo một khóa dạy phân loại gà với chi phí 50 - 60 triệu đồng. Nhưng không phải ai học xong cũng có thể làm nghề thành thạo. Để có thể phân loại gà chuyên nghiệp và trở nên "có giá" với các lò ấp khác đòi hỏi người làm phải có một nỗ lực đáng kể trong lao động.
“Nghề này vất vả lắm, phải ngồi 1 tư thế có lúc 10 tiếng đồng hồ vào ngày cao điểm, vừa đau lưng, vừa mỏi mắt. Lò ấp lúc nào cũng có nhiệt độ cao, rồi bụi bặm từ lông gà, mùi hôi từ phân gà, đặc biệt yêu cầu phải thật tinh mắt và nhanh tay nên nhiều người không trụ được với nghề”, chị Mến cho biết.
Cái gì cũng có giá của nó hết!
Nói về thu nhập khủng từ nghề này, chị Mến cho rằng người ngoài nhìn vào thấy lương 1-2 triệu/ngày là nhiều nhưng để được nhận về số tiền như vậy những người làm nghề như chị phải nỗ lực và cố gắng từng giây một. Tính sơ sơ, mỗi tháng chị Mến thu về hơn 50 triệu đồng từ việc soi "tĩ" gà, lương ngang Giám đốc!
Nếu làm không dồn tâm huyết thì sớm muộn cũng bỏ nghề vì vất vả của nó, nghe qua thì hấp dẫn nhưng rất hiếm người đeo đuổi.
"Đã trở thành một người thợ lành nghề thì nghỉ ngơi nhiều lúc là điều hiếm, nhất là vào những đợt cao điểm. Làm từ đêm tới sáng, về chợp mắt chưa kịp chăm sóc gia đình con cái thì phải tiếp tục làm cho một lò khác. Không chỉ vì tiền mà còn vì trách nhiệm khi chủ lò đã tin tưởng giao việc cho mình. Cuộc sống này đồng tiền luôn đi kèm với mồ hôi nước mắt", chị Mến vừa kể vừa thoăn thoắt làm.
Việt phố cổ