(Tổ Quốc) - Cùng chiêm ngưỡng cuốn sổ điểm của 53 năm về trước ở trường ĐH Bách Khoa - kỷ vật hiếm người còn lưu lại cho đến thời điểm này.
Kỷ vật "có một không hai" của cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội 53 năm trước
Thời sinh viên có lẽ là quãng thời gian đẹp nhất với nhiều người, khi mà ta được ngồi trên ghế nhà trường, ghi dấu ấn biết bao kỷ niệm, khát khao.
Để lưu giữ kỷ niệm của những tháng năm gắn bó dưới mái trường Đại học, thế hệ chúng ta ngày nay có rất nhiều cách, từ chụp ảnh - quay phim kỷ yếu, lưu giữ số điện thoại, mạng xã hội của các thành viên trong lớp để thỉnh thoảng trao đổi, chuyện trò ôn lại kỷ niệm.
Nhưng với thế hệ ông bà, bố mẹ chúng mình ngày xưa, ở cái thời mà công nghệ, Internet chưa phát triển, việc lưu giữ những kỷ vật gắn liền với một thời tuổi trẻ đầy hoài bão quả thực vô cùng hạn chế.
Ấy vậy nên sau hơn nửa thế kỷ, chuyện về một cựu sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn còn lưu giữ kỷ vật đặc biệt của những năm tháng trên giảng đường Đại học - cuốn sổ điểm, đã khiến cộng đồng mạng không khỏi trầm trồ.
Đó là câu chuyện của cụ ông Nguyễn Kế Phong (Nam Định), cựu sinh viên khoá 3 - Phân hiệu Công nghiệp nhẹ - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Ông Nguyễn Kế Phong là sinh viên khoá 1968-1973 của trường Đại học Bách khoa Hà Nội
Năm 1968, ông Nguyễn Kế Phong trở thành sinh viên năm thứ nhất của trường. Ông kể: "Ngày xưa ông làm cán bộ đi học, làm cán sự cho sinh viên phổ thông, hồi đó học chia theo 4 Ngoại ngữ: Nga văn, Anh văn, Pháp văn và tiếng Trung.
Hồi đó ông đi học cũng nhiều bạn bị trượt môn như bây giờ. Ngay lớp ông có anh giỏi về Toán mà cũng trượt Nguyên lý máy đây này."
Vừa kể, ông vừa lật giở từng trang trong cuốn sổ điểm, trong đó là những môn học "lão làng" có tuổi đời hơn 60 năm.
(Nguồn: Câu lạc bộ Truyền thông Bách khoa - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)
Theo lời cụ ông Nguyễn Kế Phong, trong số những cựu sinh viên cùng khoá, duy chỉ có ông còn lưu giữ kỷ vật đặc biệt này:
"Giờ chỉ có ông chứ không còn ai giữ cái này làm gì. Mười năm trước, cựu sinh viên tụi ông về trường là các bạn đã rất ngạc nhiên khi thấy ông vẫn còn cất giữ được rồi.
Hồi đó những môn cơ bản như: Giải tích, Đại số... ông đều phải học hết chứ, những môn đó học tốt mới là giỏi, mới là thông minh, chứ học chuyên môn là quá đơn giản.
Các cháu sinh viên bây giờ không biết có học bơi trên sông không, lúc đó bọn ông học bơi là tập bơi ở sông ấy. Mấy đứa phổ thông thi bơi cứ chân thì đạp bùn, tay khua trên mặt nước giả bơi, thầy nhìn thấy hết. Ngày xưa điểm cao nhất là điểm 5, chứ không phải hệ 4 như bây giờ".
Kỷ niệm không bao giờ quên về Bác
Được biết, cụ ông Nguyễn Kế Phong theo học Đại học Bách khoa niên khoá 1968 - 1973. Sau khi ra trường, ông trở thành thầy giáo giảng dạy bộ môn Ngữ Văn tại một trường cấp 3 ở Thái Bình.
Lời dặn: 1 - Điểm cho về các môn thi, môn kiểm tra đặc biệt, các đợt thực tập và lao động, thiết kế phân làm 4 loại: giỏi, khá, trung bình và kém. Điểm cho về các môn kiểm tra phân làm 2 loại: đạt yêu cầu, không đạt yêu cầu. 2 - Giáo sư phụ trách chấm thi trực tiếp ghi điểm và kiểm tra (ghi bằng chữ) ngay vào sổ điểm và ký tên. Nếu sinh viên thi hoặc kiểm tra đợt thứ nhất chưa đạt thì chưa ghi ngay, mà chờ sinh viên thi lại đợt hai sẽ ghi kết quả với ghi chú "thi lần 2" hoặc "kiểm tra lần hai". Phòng giáo vụ ĐHBKHN (Nguồn: Câu lạc bộ Truyền thông Bách khoa - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)
Hơn nửa thập kỷ kể từ ngày bước chân vào giảng đường Đại học với bao thăng trầm, đổi thay, đủ để xóa đi rất nhiều ký ức của những ngày đi học.
Nhưng dù lớp bụi thời gian có làm mờ đi nhiều thứ, thì mỗi khi lật lại từng trang trong cuốn sổ điểm, cụ ông Nguyễn Kế Phong lại nhớ về những khoảnh khắc và kỷ niệm gắn liền với tuổi trẻ đầy hoài bão, mơ mộng.
Đặc biệt, ông vẫn còn nhớ như in kỷ niệm gắn liền với Bác Hồ - vị cha già của dân tộc. Đó chính là bài hát "Bách khoa nhớ Bác", ông viết khi được nghe kể về ba lần Bác đến thăm Trường đại học Bách khoa Hà Nội.
"Ông làm đồ án tốt nghiệp ở C6. Ông vẫn còn nhớ bài "Bách khoa nhớ Bác", ông với một nhạc sĩ kết hợp viết:
"Quên sao được mỗi lần Bác đến Bách khoa
Như một người cha Bác ngồi bên thềm nhà
Bác căn dặn đàn cháu những lời thân ái thiết tha
Nhớ lại ngày xây dựng trường mới
Chúng cháu ngày đêm mong Bác về thăm…"
Ông đã hát trên khoa cái bài ấy cơ mà."
Dù đã hơn 50 năm trôi qua, ông vẫn có thể kể lại rành mạch, như thể những lời thơ ấy đã được khắc ghi sâu thẳm trong trí nhớ.
Ký ức về toà nhà, cảnh trí Bách khoa hay những lần trợ giảng giúp các thầy, chuyện sinh viên phải tập bơi ở sông năm đó... hiện lên sống động qua lời kể của cụ ông.
Ông Nguyễn Kế Phong trong đám cưới của cháu gái. Dù tuổi đã cao, ông vẫn khoẻ mạnh và cực kỳ minh mẫn.
Tất cả những điều quý giá ấy mà ông chia sẻ, khiến ai nấy đều cảm nhận được sự tự hào từ trong cốt tủy của một cựu sinh viên: "5 năm là sinh viên Bách Khoa, một đời là Người Bách Khoa!"
Thông qua câu chuyện của mình, cụ ông Nguyễn Kế Phong cũng muốn nhắn nhủ đến các thế hệ sinh viên ngày nay một thông điệp: "Hãy vững niềm tin mà học, để sau này có lợi cho dân cho nước".
Ngân Hà