(Tổ Quốc) - Sau khi nhận thấy dấu vết đáng ngờ từ vết dấu chân để lại tại hiện trường, cơ quan chức năng đã lần theo và tìm ra kẻ thủ ác nhẫn tâm ra tay với một đứa trẻ mới chỉ 14 tháng tuổi. Thế nhưng khi hung thủ lộ diện khiến ai nấy không khỏi bàng hoàng...
Tiếp nối kì trước, khi mà vụ án bé S. 14 tháng tuổi bị sát hại dã man dưới giếng nước tưởng như sắp đi vào ngõ cụt vì không có nhân chứng nên khó xác định được nghi phạm, thì có tin vui ở hiện trường báo về. Phân tích các dấu vết để lại hiện trường, các kỹ thuật viên kỹ thuật hình sự phát hiện có một dấu dép cỡ 36 đặc biệt đáng ngờ.
Liệu đây có phải là dấu dép của hung thủ để lại khi gây án; dựa vào dấu vết này có thể tìm ra manh mối... Tất cả đều được cơ quan nghiệp vụ Công an tỉnh Hải Dương nhanh chóng thu thập, phân tích.
Màn kịch vụng về hé lộ kẻ thủ ác
Trước đó, trong quá trình phá án, cơ quan nghiệp vụ Công an tỉnh Hải Dương đã gặp rất nhiều khó khăn khi hiện trường xảy ra nơi vắng vẻ, không có nhân chứng. Nhưng nhiều tình tiết quan trọng đã được cơ quan công an tìm hiểu và phân tích kĩ, giúp định hướng điều tra.
Nhà vợ chồng anh T. có cặp chó rất dữ, nhiều lần đã dọa cho hàng xóm chết khiếp, nên nếu giả sử có người lạ xuất hiện gây án thì chó đã sủa thu hút sự chú ý của mọi người. Nhưng ở thời điểm gây án lời khai của nhân chứng cho thấy không ai nghe thấy tiếng chó nhà anh T. sủa cả.
Về cháu bé nạn nhân, qua lời kể của cha mẹ, ông bà các điều tra viên cũng biết được cháu khá khó tiếp cận. Tức là không cho người lạ bế bao giờ, chỉ theo người quen. Nếu người lạ cố tình bế cháu sẽ khóc rất to.
Từ những tình tiết này cơ quan điều tra đã thu nhỏ vùng khoanh xác định tội phạm và khẳng định hung thủ chắc chắn là người quen và có mối quan hệ thân thiết với bố mẹ cháu bé cũng như bản thân cháu bé.
Và chi tiết quan trọng nhất chính là dấu dép đáng ngờ tại hiện trường.
Các kỹ thuật viên Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh phát hiện có một dấu dép cỡ 36 đặc biệt đáng ngờ. Từ độ sâu của dấu dép, có thể xác định người mang dép cao khoảng 1,6m, nặng khoảng 50kg. Trong khi đó, các nhân chứng hay những người phát hiện vụ việc lại không ai có chiều cao, cân nặng, cỡ dép tương ứng. Thu thập thêm một số dấu vết chân khác, kỹ thuật viên xác định, người mang dép là phụ nữ, khoảng trên dưới 30 tuổi. Sàng lọc cho thấy các nhân chứng hay những người phát hiện vụ việc không ai có chiều cao, cân nặng, cỡ dép tương ứng.
Thu thập thêm một số dấu vết chân khác, kỹ thuật viên xác định, người mang dép là phụ nữ, khoảng trên dưới 30 tuổi và có dị tật gì đó ở chân nên dấu chân để lại ở hiện trường khác với người khỏe mạnh bình thường.
Theo phân công của Ban chuyên án, một mũi trinh sát nhanh chóng tổ chức tiếp cận sâu hơn phía gia đình bị hại. Cũng chính từ đây, trinh sát đã không bỏ qua một tình tiết “lạ” thu thập được xoay quanh các đầu mối nghi vấn. Đó chính là Nguyễn Thị L., em gái của anh T.. Lại càng “lạ” nữa, L. là người đầu tiên thắc mắc với vợ chồng anh T. về việc bé S. mất tích.
Khoảng 15h45' cùng ngày, khi vợ chồng anh T. ở nhà, L. xuất hiện và làm như bâng quơ hỏi cháu S đi đâu. Trong khi đó, từ lúc anh đi làm về, rồi ăn cơm trưa, cậu bé 1 tuổi vẫn tha thẩn quanh nhà. Nghĩ con chỉ quanh quẩn chơi trong sân, vợ chồng anh T. đi nghỉ.
Đặc biệt, thông tin trinh sát cho thấy, từ lúc dự đám tang cháu S. về, L. không thiết ăn uống và liên tục giật mình khi ai đó vô tình nhắc đến việc bé S có thể bị sát hại. Với tinh thần khẩn trương cùng quyết tâm phá án của các trinh sát, “nút thắt” của vụ án đã dần được hé mở...
Đứa trẻ ngây thơ chết oan dưới bàn tay người cô độc ác
Từ định hướng này, tất cả mọi nghi vấn về đối tượng tình nghi được tập trung vào Nguyễn Thị L. em gái ruột anh T., ở cùng xã.
Ban chuyên án cử một mũi trinh sát theo dõi L. và nhận thấy đối tượng có một số biểu hiện bất thường. Thông qua những người thân và hàng xóm, trinh sát nắm được, từ khi dự đám tang cháu bé về, L. không thiết đến ăn uống, liên tục giật mình khi ai đó nhắc đến việc bé S. có khả năng bị sát hại, chứ không phải tự ngã mà chết.
Ngoài ra, L. bị dị tật thọt một chân, nên hàng ngày cách đi đứng của L. cũng khác với người bình thường.
Khi được mời về cơ quan công an làm việc, L. kiên quyết không thừa nhận đã sát hại cháu S. Ban đầu L. trả lời quanh co, nhưng đã không giải thích được trọn vẹn khoảng thời gian từ 13h đến 15h ngày 10.3, ả đã làm gì, ở đâu?
Tuy nhiên bằng những dấu vết tại hiện trường và phân tích những mâu thuẫn trong lời khai của L., sau 8 tiếng làm việc với cơ quan công an, sáng ngày 12/3/2015, đối tượng đã thừa nhận hành vi phạm tội và sự việc được sáng tỏ.
Lý do khiến L. ra tay sát hại chính người cháu ruột của mình chỉ đơn giản là... tức chị dâu.
Nguyễn Thị L. là con út trong gia đình có 5 anh em. L. chỉ học tới lớp 5 rồi bỏ ngang ở nhà làm ruộng. Lớn hơn một chút, L. theo bạn theo bè xin vào làm việc tại một công ty xuất khẩu giày dép trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Khoảng gần 2 năm về trước, L. quen một người đàn ông quê Hải Phòng hơn thị 6 tuổi. Chả hiểu ăn phải bùa mê thuốc lú gì mà L. mê anh ta như điếu đổ.
Mặc dù phía gia đình L. một mực ngăn cấm nhưng chị ta vẫn khăn gói theo anh ta về Hải Phòng sinh sống. Tuy nhiên, cuộc sống vợ chồng hờ êm ấm, cơm lành canh ngọt chả được bao lâu. Chỉ thời gian ngắn sau, anh ta đưa cả gái về nhà.
Vốn sẵn có tính “đồng bóng”, L. hết gào thét lại quay sang nói ngon ngọt với “chồng” để anh ta hồi tâm chuyển ý, đừng gái gú nữa nhưng không có kết quả gì. Cho dù tại thời điểm đó L. đã có với anh ta một đứa con trai.
Không thể chung sống trong hoàn cảnh đó, L. lại tay xách nách mang, cắp con về quê ở cùng với bố mẹ đẻ. Thương con gái tình duyên lận đận nên bố mẹ L. buộc lòng phải cưu mang.
Về nhà bố mẹ đẻ, L. không có công ăn việc làm gì, chỉ suốt ngày ở nhà bế con và la cà buôn chuyện. Quãng thời gian này, L. thường đến ngồi chơi rất lâu nhà vợ chồng anh trai. Bố mẹ anh T. tỏ ý không hài lòng, bởi cho rằng sẽ ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của con trai, con dâu.
Góp ý, mắng L. không được, bố mẹ anh T. quay ra mắng cả chị Hương. Bị trách vô cớ, chị Hương trách L. về việc để gia đình mình bị liên lụy. Sự việc chỉ có vậy, nhưng đã hằn trong đầu ả việc trả thù hèn hạ chị dâu và anh trai.
Khoảng 15h ngày 10/3, chỉ có L. và cháu Thành (con trai L.) ở nhà. Cháu Thành ngủ dậy và đòi đi vệ sinh. Sau khi cho con đi vệ sinh, L. bế con vào giường cho con ngủ tiếp thì khó chịu vì có tiếng gõ cửa “cốc, cốc”.
L. bế con ra sân nhìn về nhà anh T. thì thấy cháu S., là con trai chị Hương đang bò ở cách cửa nhà khoảng 5m. Lúc này, Cháu S cầm chiếc then cửa dài đang gõ vào chiếc cốc màu xanh. L. bế con đến gần chỗ cháu S. định đánh thì cháu lại bò vào trong nhà khiến L. vô cùng tức tối.
Giận cháu S. phá giấc ngủ, lại sẵn có mâu thuẫn với chị H. trước đó nên L. nảy ra ý định hết sức độc ác: giết cháu S. để trả thù. Lập tức người thiếu phụ tội lỗi bế con về nhà cha mẹ đẻ, cho con ngồi vào xe tập đi trẻ em và dùng dây buộc xe vào cột nhà. Sau đó, L. đi bộ đến nhà anh T. thì cũng là lúc cháu S. bò ra ngoài cửa đến chỗ L., cháu bé ngây thơ bò đến ôm chân L. đùa nghịch.
L. bế xốc cháu bé lên và dùng tay kéo then mở cổng, tiến thẳng đến giếng nhà ông T., thả cháu S. xuống giếng rồi đi về nhà. Sau đó ả còn bế con đi chơi nhằm đánh lạc hướng cơ quan điều tra. Nhưng màn kịch vụng về của thị đã nhanh chóng bị cơ quan công an lật tẩy.
Vụ án đã khép lại bằng mức án cao nhất cho hành vi tàn độc của thủ phạm.
Ám ảnh các vụ sát hại chính người thân trong gia đình
Trong nhiều năm qua, liên tiếp các vụ trọng án xảy ra mà thủ phạm và nạn nhân lại là người thân trong gia đình để lại những ám ảnh, lo lắng trong xã hội. Theo kết quả phân tích các vụ án giết người, có khoảng 15-17% số vụ là người thân trong gia đình giết hại lẫn nhau, trong đó 60-70% số vụ do mâu thuẫn bộc phát, nhất thời, đối tượng phạm tội lần đầu.
Nhận định về việc này, Luật sư Nguyễn Minh Tuấn - Công ty Luật Intercode cho biết việc có đến 15-17% số vụ giết người do người thân quen trong gia đình sát hại lẫn nhau là một biểu hiện rất đáng lo ngại.
Chế tài pháp luật chỉ là một trong những yếu tố có thể tác động đến sự gia tăng hoặc giảm bớt những hành vi vi phạm pháp luật. Điều quan trọng là phải xem xét và nhìn nhận khách quan những yếu tố mang tính quyết định tới sự gia tăng hành vi phạm tội trong những năm gần đây. Những tệ nạn như ma túy, cờ bạc, rượu chè... chính là những tác nhân xấu khiến cho con người mất đi những chuẩn mực đạo đức vốn có.
Còn theo Trung tá Đào Trung Hiếu chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an thì tội ác trong gia đình là do hiện nay sợi dây kết nối bằng huyết thống và hôn nhân trong mỗi gia đình lỏng lẻo hơn. Con người ta sống vì lợi ích cá nhân, vô cảm, bàng quan với mọi thứ xung quanh… tất yếu dẫn đến một phản ứng dây chuyền trong các thành viên khác.
Khi con người cùng một gia đình sống lạnh nhạt, vô trách nhiệm với nhau, nếu phát sinh mâu thuẫn, xung đột, va chạm, xích mích họ dễ dàng tìm đến cách xử lý mang tính bạo lực để giải tỏa bức xúc, vì không quan tâm đến nỗi đau của người khác, dù là người thân dưới một mái nhà.
HẠ VŨ