(Tổ Quốc) - Sau tai nạn kinh hoàng, bé trai được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch, tay trái bị đứt sâu.
Ngày 15/6, bác sĩ Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (BV ĐKTW CT) cho biết, một trường hợp bé trai 44 tháng tuổi bị tai nạn sinh hoạt nguy kịch đã được phẫu thuật thành công nhờ quy trình báo động đỏ giữa BV và BV Nhi đồng Thành phố Cần Thơ (BV NĐTP CT).
Bệnh nhi là bé T.V.D. (44 tháng tuổi, Trần Văn Dô, quê Lai Vung, Đồng Tháp).
Khai thác bệnh sử, 8 giờ trước khi nhập viện D. bị té cầu tõm (hay còn gọi là cầu cá, một kiểu nhà vệ sinh ở các vùng quê) và vết thương ở mặt trước trong cánh tay trái chảy máu (không rõ do vật gì cắt trúng).
Bệnh nhi được sơ cứu băng ép bằng băng thun tại tuyến dưới sau đó chuyển đến BV NĐTP CT trong tình trạng lừ đừ, niêm nhạt, tay trái sưng nề, các đầu ngón tay trái tím, mạch quay và trụ tay trái không bắt được, có dấu hiệu sốc mất máu nặng: mạch nhanh, nhẹ, huyết áp thấp…
Bệnh nhi được chẩn đoán sốc mất máu do đứt động mạch cánh tay trái và vết thương mặt trước ngoài cẳng chân trái do tai nạn sinh hoạt.
Bé được hồi sức tích cực, chống sốc, truyền máu, băng ép cầm máu có trọng điểm, giảm đau, kháng sinh, tiêm ngừa uốn ván.
Nhận thấy đây là tình trạng bệnh nặng, nguy kịch vượt khả năng chuyên môn, lãnh đạo BV NĐTP CT thực hiện qui trình báo động đỏ liên viện.
Ê kíp phẫu thuật chuyên khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu BV ĐKTW CT trong vòng 20 phút có mặt.
Sau khi thăm khám và hội chẩn, các bác sĩ thống nhất bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật vi phẫu cấp cứu phục hồi lưu thông động mạch cánh tay trái bị đứt, khâu nối thần kinh và các phần mềm khác.
Việc phẫu thuật phải tiến hành ngay vì chậm trễ hơn nữa thì nguy cơ đoạn chi rất cao.
Ê kíp phẫu thuật 2 BV tiến hành rạch rộng vết thương cánh tay lên trên. Quá trình phẫu thuật thám sát thấy đứt động mạch cánh tay trái và tĩnh mạch đi kèm, đứt cơ nhị đầu cánh tay gần điểm bám tận, rách bao thần kinh giữa, không đứt thần kinh.
Bệnh nhi được cắt lọc khâu nối tận động mạch cánh tay trái.
Sau 120 phút phẫu thuật căng thẳng, bàn tay trái bé hồng ấm, mạch quay và trụ rõ.
Đến sáng ngày 15/6, các ngón tay bệnh nhi cử động được, hiện đã chuyển lên khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình điều trị tiếp.
Bác sĩ Trầm Công Chất, Trưởng Khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu BV ĐKTW CT chia sẻ, vết thương mạch máu ở trẻ em tương đối hiếm gặp.
Các vết thương mạch máu ở trẻ em được đánh giá là phức tạp do nhiều điểm đặc thù về giải phẫu và sinh ly khi thường nhỏ và có thành mỏng, đồng thời hệ thống mô nâng đỡ xung quanh cũng yếu hơn so với người trưởng thành.
Các mạch máu này cũng có xu hướng hay co thắt mạnh.
Bác sĩ Phạm Thanh Phong cho biết thêm, việc phẫu thuật thành công mang lại niềm vui, hạnh phúc đối với gia đình bệnh nhi cũng như đội ngũ thầy thuốc của hai BV trong việc cứu bé trai 44 tháng tuổi thoát khỏi nguy cơ đoạn chi.
Bởi vì tương lai phía trước của bé còn rất dài, đó cũng là niềm hạnh phúc lớn nhất của đội ngũ thầy thuốc ở 2 bệnh viện.
"Quy trình báo động đỏ liên viện nhằm nâng cao năng lực cấp cứu và hồi sức của BV. Chúng tôi triển khai quy trình nhằm huy động sự phối hợp, hỗ trợ khẩn cấp giữa các BV với nhau. Đây là trách nhiệm trong nỗ lực cứu sống người bệnh nguy kịch" - bác sĩ Phong nói.
Hoàng Lê