(Tổ Quốc) - Bối cảnh võ lâm trong truyện kiếm hiệp của cố nhà văn Kim Dung luôn luôn có những cao thủ tuyệt thế, sở hữu nội công thượng thừa, bên cạnh đó còn có những cao thủ có khả năng sử dụng kiếm pháp điêu luyện.
A Thanh
Tiểu thuyết Việt nữ kiếm pháp kể về câu chuyện thời cổ, Ngô-Việt đánh nhau, Việt Vương Câu Tiễn nằm gai nếm mật nghĩ cách diệt nước Ngô, nhưng thủ hạ của Ngô vương có đại tướng Ngũ Tử Tư học được binh pháp của Tôn Tử, huấn luyện sĩ tốt vô cùng tinh nhuệ.
Câu Tiễn thấy quân mình võ nghệ không bằng đối phương, phiền muộn không vui. Một hôm Phạm Sai tiến cử một thiếu nữ xinh đẹp tên là A Thanh có kiếm thuật vô cùng tinh diệu chỉ với một cành trúc nhỏ, nàng ta đã nhẹ nhàng hạ gục các cao thủ của nước Ngô. Câu Tiễn cả mừng, mời nàng về dạy kiếm pháp cho quân Việt, cuối cùng dùng đó diệt nước Ngô.
Tuy nhiên, bản chất của người con gái này vốn dĩ lại chẳng biết chút võ công nào. Trong một lần đi chăn cừu, A Thanh gặp được con Bạch Lang biết sử dụng gậy trúc. Cả 2 thường xuyên giao đấu, dần dần A Thanh ngộ ra một bộ Việt nữ kiếm pháp và vang danh khắp thiên hạ với những kiếm chiêu thượng thừa.
Độc Cô Cầu Bại
Độc Cô Cầu Bại là một nhân vật huyền thoại, từ thuở võ lâm sơ khai, ông đã được người trên giang hồ tôn là đệ nhất cao thủ bởi bộ kiếm pháp Độc cô cửu kiếm, đặc tính dùng vô chiêu chiến thắng hữu chiêu.
Uy lực của Độc cô cửu kiếm gần như bao trùm mọi loại võ công khác trên thiên hạ, khi có thể khắc chế mọi môn binh khí, chưởng pháp, nội công.
Thậm chí, cả một người không có nội lực cũng có thể nhờ Độc cô cửu kiếm đả thương một võ lâm cao thủ khác.
Tên gọi Độc cô cửu kiếm của môn kiếm pháp này bắt nguồn từ việc nó có 9 chiêu thức chính: Tổng quát thức, phá kiếm thức, phá đao thức, phá chưởng thức, phá thương thức, phá tiên thức, phá sách thức, phá tiễn thức, phá khí thức.
Đúng như tên gọi, mỗi thức của Độc cô cửu kiếm chính là khắc tinh của một loại binh khí, chưởng pháp cũng như ám khí.
Chính nhờ uy lực bá đạo của mình, Độc cô cửu kiếm đã giúp cho các chủ nhân của mình trở thành đại cao thủ bất bại, hùng bá võ lâm.
Độc Cô Cầu Bại trước kia tung hoành thiên hạ không đối thủ, ôm nỗi sầu muộn không có kẻ tri kỷ trong võ học xuống cửu tuyền.
Phong Thanh Dương
Phong Thanh Dương có được xem chính là truyền nhân ưu tú nhất của Độc Cô Cầu Bại. Ông là sư thúc của Nhạc Bất Quần – chưởng môn phái Hoa Sơn. Ông là nhân vật ít khi xuất hiện trên giang hồ nhưng võ công thuộc dạng cao thủ hàng đầu trong giới võ lâm. Bất cứ người xem nào từng đọc xong tác phẩm này cũng so sánh ông với Đông Phương Bất Bại, kẻ vô địch ở thời điểm đó. Dù có nhiều ý kiến khách quan, nhưng phần đông cho rằng Phong Thanh Dương vẫn trội hơn một bậc.
Phong Thanh Dương nắm bí kíp Độc cô cửu kiếm, chính vì thế kiếm pháp của ông rất cao siêu ít người sánh kịp. Giới giang hồ rất nể phục cả võ công và nhân cách của ông. Trong thời gian ẩn cư trên núi Hoa Sơn, ông phát triển 9 thức của Độc cô cửu kiếm thành một nguyên lý tổng quát là dùng vô chiêu thắng hữu chiêu. Năm xưa, chỉ trong thời gian ngắn, ông truyền dạy kiếm pháp cho Lệnh Hồ Xung để đánh bại Điền Bá Quang.
Lệnh Hồ Xung
Lệnh Hồ Xung sau khi học được kiếm pháp Độc cô cửu kiếm từ Phong Thanh Dương đã xưng bá giang hồ. Tiêu diệt lần lượt Nhạc Bất Quần và sau đó là Đông Phương Bất Bại. Mặc dù trận chiến với Đông Phương Bất Bại vẫn có đóng góp rất lớn từ Doanh Doanh.
Kiếm pháp của Lệnh Hồ Xung đã khắc chế được hai môn võ công được cho là "bá đạo" nhất giới võ lâm: Quỳ hoa bảo điển và Tịch tà kiếm phổ. Nhờ bộ kiếm pháp này mà đệ tử của phái Hoa Sơn tung hoành trên giang hồ khiến nhiều người kính phục. Kể cả trong người mất đi hết nội lực, Lệnh Hồ Xung vẫn sử dụng Độc cô cửu kiếm một cách điêu luyện. Đó là cái hay của bộ kiếm pháp này so với những loại võ công khác.
Miêu Nhân Phụng
Miêu Nhân Phụng là một hậu duệ của dòng họ Miêu trong ân oán 4 họ, ông mặt vàng, võ nghệ cao cường và luôn hành hiệp trượng nghĩa nên được gọi là Kim Diện Phật (Phật mặt vàng). Kim Diện Phật nổi tiếng với Miêu gia kiếm pháp. Nam Lan là vợ của Miêu Nhân Phụng, và cũng là người đã chịu ơn cứu mạng của chàng. Cứ ngỡ chuyện tình anh hùng cứu mỹ nhân này sẽ kéo dài một cách êm đẹp. Nhưng đáng tiếc là không. Thật sự thì lúc ấy Nam Lan chỉ cần một chỗ dựa, và sau này, cuộc sống vợ chồng bắt đầu phát sinh nhiều mâu thuẫn.
Đó cũng là lý do mà nàng ta bỏ cả chồng con để chạy theo Điền Quy Nông – gã trai phong lưu hào hoa và nhất là biết cách chiều lòng phụ nữ. Nhưng rồi gieo nhân nào gặp quả đấy, số phận của Điền Quy Nông cũng chẳng thể có hậu được trong Tuyết sơn phi hồ. Nhiều người trách Điền Quy Nông vô sỉ háo sắc còn Nam Lan không chung tình nhưng một phần nguyên nhân cũng là do Miêu Nhân Phụng chỉ quan tâm đến việc luyện võ mà bỏ bê vợ.
Viên Thừa Chí
Trong bộ tiểu thuyết Bích huyết kiếm, trên núi Hoa Sơn, Viên Thừa Chí tình cờ phát hiện ra Kim xà kiếm và Kim xà bí kíp - di vật của Kim Xà Lang Quân Hạ Tuyết Nghi và học được Kim xà kiếm pháp - kiếm thuật vô địch thiên hạ.
Kim xà kiếm pháp có nguồn gốc từ Ngũ Độc Giáo nó bao gồm thanh Kim xà kiếm và Kim xà bí kíp. Kim xà kiếm là thanh kiếm này khác với những thanh kiếm ở Trung Nguyên, nó không thẳng mà uốn lượn như hình con rắn, mỗi khi người dùng vận nội công, thanh kiếm sẽ chuyển sắc vàng, đồng thời đầu kiếm tõe ra như lưỡi rắn. Nhờ có nó mà Kim Xà Lang Quân mới danh chấn giang hồ trong quá khứ, cũng như giúp cho truyền nhân của ông là Viên Thừa Chí từ người có võ công tầm trung trở thành hàng cao thủ trong truyện.
Ngoài ra, những nhân vật khác như Trương Tam Phong với Thái cực kiếm pháp, Vương Trùng Dương với Toàn chân kiếm pháp, Hoàng Dược Sư có Ngọc tiêu kiếm pháp... cũng được người trong giang hồ rất kiêng nể.
Quốc Tiệp - Người Đưa Tin