(Tổ Quốc) - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết trong và sau mưa bão, lũ lụt, vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải,… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh như sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, bệnh nước ăn chân, cảm cúm.
Mưa lũ, bão lớn đã và đang xảy ra ở các tỉnh, thành phố trên cả nước, gây lũ lụt trên diện rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, đặc biệt tại các tỉnh miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung. Đây cũng là thời điểm các nguy cơ dịch bệnh mùa mưa lũ đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết trong và sau mưa bão, lũ lụt, vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải,… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ như sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ,…
Lời khuyên về y tế khi xảy ra lũ lụt. (Ảnh: Bộ Y tế)
Lời khuyên về an toàn thực phẩm trong lũ lụt. (Ảnh: Bộ Y tế)
Để chủ động phòng tránh dịch trong mùa mưa bão, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như sau:
1. Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.
2. Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
3. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.
4. Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.
5. Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày.
6. Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
7. Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác xúc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
8. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.
Những việc cần làm sau bão. (Ảnh: Bộ Y tế)
Tính đến ngày 19/10, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết mưa lũ khiến 105 người chết, 27 người mất tích. 16 tuyến Quốc lộ và hơn 300.000m đường giao thông tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị bị ngập, sạt lở, hư hỏng.
Ngoài ra, 6.989ha hoa màu bị ngập, hư hại; 5.876 con gia súc, 685.225 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Tính đến 17h ngày 19/10 có 177.921 hộ dân tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị bị ngập. Thừa Thiên Huế hiện còn 39/145 phường, xã (24% số xã toàn tỉnh) còn ngập 0,3m đến 0,5m.
Tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị đã sơ tán 52.115 hộ/90.953 người. Tại Quảng Bình đã tổ chức sơ tán 22.979 hộ.
Dự báo, ngày và đêm 20/10, ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 50-100mm, có nơi trên 100mm; ở Nghệ An từ 10-30mm, riêng phía Nam có nơi trên 40mm.
Minh Nhân