(Tổ Quốc) - Khu vườn hoa hồng rộng đến 100m² là nơi bà mẹ trẻ Thu Hiền thỏa mãn niềm đam mê trồng hồng với đủ các giống hoa từ nội đến ngoại.
Khu vườn hoa hồng của gia đình chị Thu Hiền có tổng diện tích khoảng 100m2. Đây là nơi được bà mẹ trẻ yêu thích với khoảng không gian thông thoáng, nhiều ánh nắng.
Chị Thu Hiền yêu thích trồng hồng nên đã quyết định tìm hiểu đặc tính của loài hoa này để bắt đầu trồng những cây đầu tiên trong khu vườn của gia đình mình.
Trước đây, chị Hiền bận rộn với công việc trong lĩnh vực khách sạn. Tuy nhiên khoảng thời gian sau đó, chị chuyển sang kinh doanh nhà hàng cho gia đình.
Nhưng thời gian hơn một năm gần đây, vì con còn nhỏ, chồng lại đi công tác xa nhà thường xuyên nên chị chọn cách ở nhà chăm con. Niềm vui hàng ngày của chị chính là trồng hoa, chăm hoa, làm đẹp cho chốn đi về của gia đình mình.
Những cành hồng rực rỡ khiến chị Hiền thêm yêu đời, vui vẻ khi ra vườn.
Chủ nhân của khu vườn tâm sự về lý do trồng hồng: "Mình yêu hoa từ rất lâu rồi. Nhưng phải đến khi nhìn thấy chị gái mình trồng hồng, ngắm hoa nở rực rỡ thì lúc ấy mình mới bắt đầu lên kế hoạch trồng hoa. Cũng như nhiều người, hoa mình trồng thời gian đầu ít hoa, chậm lớn, cây thường xuyên bị sâu bệnh. Mình khắc phục dần dần những khó khăn ấy để thời điểm hiện tại, mình sở hữu cả khu vườn rộng 100m2 tươi tốt, sai hoa.
Từ ngày trồng hồng, mình cảm thấy cuộc sống bớt áp lực, bớt vất vả hơn. Mình tìm được niềm vui và cảm hứng mỗi ngày khi bước chân ra vườn, ngắm nhìn những bông hồng đang hé nở. Mình có thói quen sưu tầm nhiều hồng ngoại. Với mình, mỗi loài hồng đều đẹp theo cách riêng của nó, đều tạo ấn tượng cho mình bằng hương thơm và màu sắc lạ mắt".
Để có đủ dinh dưỡng cho hoa, chị Hiền thường bón phân định kỳ 2 - 3 tháng một lần bằng các loại phân trùn quế, phân bò hoai mục...
Vì yêu hoa, chị Thu Hiền dành thời gian tìm hiểu kỹ cách chăm sóc. Chị thường chú ý đến việc trộn giá thể, tạo nguồn dinh dưỡng tốt cho cây. Các thành phần được chị trộn bao gồm phân vi sinh, phân trùn quế, đất, trấu, xơ dừa đã qua xử lý, đá pelite, Trichoderma... Cách trộn này giúp cây thoát nước tốt, tránh bị ngập úng làm thối rễ, đen thần. Mỗi năm, chị Hiền thay giá thể một lần và chọn lựa kích thước chậu phù hợp.
Để có đủ dinh dưỡng cho hoa, chị Hiền thường bón phân định kỳ 2 - 3 tháng một lần bằng các loại phân trùn quế, phân bò hoai mục... Cách thức bón phân cũng khá đơn giản, đó là xới đất mặt chậu tơi xốp và bón mỗi gốc khoảng 100 - 500g phân sau đó lấp đất lên. Hàng tuần, chị đều đặn tưới phân đậu tương ủ Humic pha loãng một lần, phân tổng hợp pha loãng tuần 1 lần...
Trong vườn có khoảng hơn 100 giống hồng đủ loại.
Hoa hồng đẹp nhưng cũng khá đỏng đảnh, sức đề kháng kém nên dễ mắc các bệnh như trĩ, sương mai, đen thân, rệp, nhện... Vì thế, chị thường dùng Neem để phun phòng bệnh. Nếu bệnh bùng phát, chị thường dùng thuốc sinh học để trị bệnh.
Khoảng sân vườn rộng 100m2 hiện tại được bà mẹ trẻ trồng 100 giống hồng các loại. Đôi lúc số lượng cây nhiều hơn, chị Hiền lại mang sang nhà hàng xóm gửi.
Sự hiện diện của những gốc hồng giúp cuộc sống hàng ngày của chị Thu Hiền luôn bận rộn nhưng bên cạnh sự vất vả ấy là trọn vẹn niềm vui, niềm hạnh phúc khi được tô điểm cho tổ ấm của mình bằng những cành hồng khoe sắc thắm, ngát hương thơm.
Nhật Ánh/VS