(Tổ Quốc) - Ở Hàn Quốc hiện nay, những người về hưu đã trở thành một lực lượng lớn trong thị trường lao động.
Khi nhắc đến người già ở độ tuổi nghỉ hưu ở Hàn Quốc, người ta thường nghĩ đến các nhân vật quý bà trong các bộ phim truyền hình dài tập, họ sống cùng gia đình con trai và có "quyền lực" tối cao trong nhà. Tuy nhiên, thực tế lại không lung linh như phim ảnh.
Ở đất nước này, có hơn 4,2 triệu người cao tuổi đang làm việc hoặc đang tìm kiếm việc làm. Con số này thậm chí còn nhiều hơn những lao động trong độ tuổi 20. Đây không phải là cuộc sống của những con người nghiện công việc ở tuổi xế chiều mà là hệ quả của một thế hệ.
60 là độ tuổi nghỉ hưu hợp pháp ở Hàn Quốc nhưng trên thực tế, đa số đều không được nghỉ ngơi cho đến lúc họ 70 - 71 tuổi. Tuổi nghỉ hưu chỉ là khởi đầu của hành trình tìm kiếm một công việc mới.
Tại một "Hội chợ việc làm tuổi cao niên" ở Seoul, hơn 30 nghìn người lớn tuổi đang tìm kiếm "mùa xuân thứ hai" tại nơi làm việc mới. Trong 6 nghìn vị trí công việc mà họ đang cạnh tranh là thuộc các lĩnh vực nghề nghiệp "cấp thấp" mà họ chưa từng nghĩ đến trước khi nghỉ hưu, như chuyển phát nhanh, bảo vệ, tạp vụ,...
Ở Hàn Quốc hiện nay, những người về hưu đã trở thành một lực lượng lớn trong thị trường lao động. Cứ 5 tài xế taxi sẽ có 1 người trên 65 tuổi và bảo vệ khu dân cư hầu như là một ông chú trên 60 tuổi.
Trong nhà máy phân loại và tái chế rác, người chủ luôn lo lắng nhất về vấn đề tuyển dụng nhân công bởi vì môi trường làm việc rất kém. Trong khi người trẻ từ chối công việc này thì người trên 60 tuổi vẫn chọn làm ở đây.
Vì những người trên 65 tuổi có thể đi tàu điện ngầm miễn phí nên công việc chuyển phát nhanh cũng trở thành lựa chọn của nhiều người cao tuổi. Ông Park Jae Yao năm nay 71 tuổi và đã có thâm niên làm nhân viên chuyển phát nhanh hơn 4 năm. Ông phải xử lý 100 bưu phẩm mỗi ngày, làm việc 3 ngày/tuần với mức lương tương đương 10 triệu VND mỗi tháng. Với độ tuổi 71 của mình, ông Park vẫn chỉ nằm ở độ tuổi bình thường trong công ty và đồng nghiệp lớn tuổi nhất là 78 tuổi.
Vì tuổi thọ của người Hàn Quốc đã lên đến con số 81, một số người lạc quan thường nói đùa: "Cũng may mắn là người Hàn Quốc đã sống lâu hơn và chúng tôi có thêm 10 năm để tự do làm việc".
Theo thống kê, tỷ lệ nghèo của người trên 65 tuổi ở Hàn Quốc là 49,6%, cao nhất trong các nước phát triển. Mặc dù chính phủ đã giới thiệu một hệ thống hưu trí vào năm 1988 nhưng chỉ có 1/3 người cao tuổi có thể nhận được tiền trợ cấp.
Thậm chí, khi đủ điều kiện nhận được tiền hưu trí thì họ cũng khó có thể an tâm, bởi khoản tiền này không là bao nhiêu so với mặt bằng giá cả đang tăng nhanh. Mức hưu trí trung bình hàng tháng của người cao tuổi Hàn Quốc là khoảng 6,6 triệu VND, chưa bằng 1/3 mức sống tối thiểu tại quốc gia này.
Trong cuộc sống cạnh tranh gay gắt như hiện nay, những người trẻ tự chăm sóc bản thân cũng là điều không dễ dàng gì. Do đó, hơn 15 năm qua, tỷ lệ người trẻ tuổi nghĩ rằng họ phải chăm sóc bố mẹ già đã giảm mạnh từ 90% xuống 37%. Thế hệ đi trước đã dành tất cả tiền bạc cả đời để đầu tư vào việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái; nhưng khi những đứa con lớn khôn đã bị nhà cửa, xe cộ, cháu chắt cuốn đi, họ không còn thời gian chăm sóc các bậc phụ huynh. Một cụ ông đã về hưu ở Seoul than thở rằng: "Gia đình phân tán nên chúng tôi phải chết trong cô độc thôi".
Như một trò đùa của số phận, cả đời vật lộn với cuộc sống đến những năm cuối cùng họ vẫn phải tiếp tục chiến đấu. Trước khi nghỉ hưu, ông Kim Min Su (năm nay 69 tuổi) với mức lương khá ổn nhưng tiền hưu của ông và vợ đều chưa đến 70 nghìn Won (hơn 1,3 triệu VND), không đủ để chi tiêu. Trong khi đó, chi phí sinh hoạt ở Seoul hàng tháng tối thiểu là khoảng 2 triệu Won (38,2 triệu VND). Vì tiền lương trước đây đều dồn cho việc nuôi dưỡng 4 người con, hai vợ chồng ông Kim Min Su không có bất kì khoản tiết kiệm nào cả.
Để cải thiện tình hình, ông Kim đã xin việc làm trong một công ty nhỏ với mức lương chỉ 1,2 triệu Won (khoảng 23 triệu VND). Bộ phận nhân sự đã trực tiếp phản hồi với ông: "Ông già như vậy rồi thì phải chấp nhận khoản lương như thế, còn không thì đừng làm".
Một số trường hợp cực đoan hơn xảy ra trên đường phố Hàn Quốc: Khoảng 200 phụ nữ cao tuổi sống bằng nghề mại dâm. Hầu hết đã có con cháu và người lớn tuổi nhất đã ngoài 80.
- Bà muốn đi ngủ không?
- Bao nhiêu?
- Tiền phòng 10 USD (hơn 230 nghìn VND), còn bà thì 30 USD (khoảng 700 nghìn VND).
Đây là cuộc sống hằng ngày của người phụ nữ họ Park đang hành nghề mại dâm, năm nay đã trên 70 tuổi. Trên đường đến khách sạn, nếu có vị khách nào hỏi lý do tại sao lại chọn công việc này, bà sẽ trả lời thẳng thắn: "Vì cuộc sống, tôi đành phải nhắm mắt mà làm".
Bà Park đã từng làm việc trong một khách sạn để nuôi 4 đứa con khôn lớn. Hiện tại, không người con nào có thể hỗ trợ cho cuộc sống của bà, bà chỉ còn cách dựa vào trợ cấp của chính phủ. Còn số tiền từ công việc kiếm được 250 USD mỗi tháng này bà để dành để điều trị căn bệnh viêm khớp. Điều này đồng nghĩa bà phải "phục vụ" ít nhất 8 người khách trong 1 tháng. Thay vì lo sợ bị cảnh sát bắt, bà luôn lo lắng về ánh nhìn khinh thường của người đi đường.
Còn với trường hợp của bà Yin, vì bà có 5 đứa con nên không thể nhận được tiền hưu từ chính phủ. Nhưng bà thà làm việc còn hơn trở thành gánh nặng cho các con. Mỗi ngày bà đều đẩy chiếc xe gỉ sét nhặt phế liệu khắp ngõ ngách Seoul. Khi về đến nhà, bà đều cảm thấy đau lưng và khó chịu khắp cơ thể. Tuy nhiên, bà không bao giờ than vãn với con cái.
5 người con của bà Yin sau khi kết hôn đã chuyển đến sống ở các thành phố khác, thỉnh thoảng họ mới về Seoul thăm bà. Các cháu cũng không thích đến ở nhà bà Yin bởi chúng than phiền nơi này có quá nhiều gián. Để các cháu vui, bà sẽ cho chúng một ít tiền tiêu vặt. Nhưng khi nhận tiền, những đứa bé đều tỏ thái độ ngược lại. Bởi chúng kỳ vọng sẽ nhận được 10 nghìn Won (gần 200 nghìn VND) còn thực tế, bà Yin chỉ đưa ra 1 nghìn Won (gần 20 nghìn VND).
Với hoàn cảnh gia đình như vậy, bà Yin càng xem công việc nhặt phế liệu là một niềm vui: "Ít nhất, tôi có thể trò chuyện vui vẻ với các đồng nghiệp mỗi ngày".
Một người phụ nữ cao tuổi họ Kim khác cũng tương tự như bà Yin, vì không muốn làm phiền con cái, bà quyết định sống một mình. Theo kế hoạch đã định, bà sẽ làm việc chăm chỉ cho đến khi không thể làm được nữa, sau đó sẽ dùng tiền tiết kiệm vào bệnh viện. Tất nhiên, tất cả những dự định này, bà đều không nói ra với con cái.
Nếu có ai nói khung cảnh ảm đạm này là kết quả kinh khủng của lão hóa dân số thì thật đáng tiếc, đây chỉ là khởi đầu của quá trình lão hóa dân số ở Hàn Quốc mà thôi. Hiện tại, người cao niên trên 65 tuổi ở quốc gia này chiếm 13% tổng dân số và đến năm 2060, tỷ lệ này dự kiến là 40%.
Một người trung niên Hàn Quốc đã nói: "Nhìn một vài người già đang phải làm việc thì sẽ biết được tương lai thế hệ chúng ta sẽ già đi như thế nào!".
Nguồn: Zhihu
Yu