(Tổ Quốc) - Chẳng những âm thầm ghi hận những chuyện không quá to tát, nhân vật này còn cố tình tìm cách đẩy cả người thân vào cửa tử để trả mối tư thù của mình.
Do ảnh hưởng từ "Tam Quốc diễn nghĩa", cho tới ngày nay vẫn có không ít người cho rằng, nhân vật nhỏ mọn nhất vào giai đoạn lịch sử này chính là Chu Du – chủ nhân của câu nói tức tưởi trước khi chết: "Trời đã sinh Du sao còn sinh Lượng".
Thế nhưng theo quan điểm của chuyên trang lịch sử Qulishi (Trung Quốc), trong thực tế lịch sử, nhân vật sở hữu lòng dạ hẹp hòi nhất Tam Quốc không phải Chu Du mà lại là Tào Phi – người kế thừa cơ nghiệp của Tào Tháo.
Giai thoại bảy bước thành thơ của Tào Thực vô tình hé lộ thói nhỏ nhen của Tào phi
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Tào Phi (187 – 226), tự Tử Hoàn, là con trai của Tào Tháo và cũng là vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Tào Ngụy vào thời Tam Quốc trong lịch sử phong kiến Trung Hoa.
Trước khi được cha ruột chọn làm người thừa kế, Tào Phi từng có giai đoạn giữ chức Ngũ quan Trung lang tướng, tương đương Phó Thừa tướng nhà Hán.
Sinh thời, ông được sử sách đánh giá là một nhân vật sắc sảo và đối xử tương đối khắt khe với các anh em trong nhà, đặc biệt là đối với đối thủ nặng ký trong công cuộc tranh ngôi như Tào Thực.
Tương truyền rằng năm xưa vì ghen tỵ với tài văn chương của Tào Thực, ông đã ép người em trai này phải làm thơ trong vòng 7 bước chân về đề tài huynh đệ nhưng trong thơ không được nhắc tới hai chữ "huynh đệ", nếu làm sai sẽ bị xử chết.
Mặc dù đã may mắn vượt qua cửa ải này, nhưng cuộc đời của Tào Thực dưới trướng anh trai đã định sẵn là sẽ không có lấy một ngày yên ổn.
Cuối cùng tới năm Kiến An thứ 22 (tức năm 217), ông đánh bại người em trai Tào Thực trong cuộc chiến tranh giành ngai vị kế thừa và chính thức được phong làm Vương Thế tử.
Vào năm 220, Tào Tháo qua đời, Tào Phi kế thừa ngai vị, không lâu sau thì soán ngôi nhà Hán. Tào Thực bấy giờ bị triệt hạ hết thảy vây cánh và bị buộc phải rời khỏi kinh đô tới nơi hẻo lánh sinh sống.
Về sau tuy được mang tước Trần vương, nhưng trong khoảng thời gian chỉ vẻn vẹn 10 năm, ông đã bị thuyên chuyển 6 lần, cuộc sống chẳng khác nào một tù nhân chịu cảnh giam lỏng.
Dần dần, Tào Thực chìm đắm trong sự u uất, nhàm chán, để rồi cuối cùng lâm bệnh qua đời khi vẫn đang ở độ tuổi tráng niên.
Công cuộc thanh toán tư thù của Tào Phi: Kẻ bị tịch thu tài sản, người chết trong uất ức
Sau khi đã ngồi vững trên đế vị, Tào Phi bắt đầu công cuộc tính sổ với từng nhân vật đã đắc tội với mình trước kia. Trong số đó, ba người sở hữu kết cục bi thảm hơn cả phải kể tới Tào Hồng, Dương Tuấn và Bào Huân.
Tào Hồng
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Xét trên vai vế, Tào Hồng là em họ của Tào Tháo và được xếp vào hàng chú bác của Tào Phi.
Vào thuở thiếu thời, Tào Phi cũng từng thích giao du với các công tử quyền quý thời ấy. Bấy giờ, Nam Dương Vương Lưu Phùng là tôn thất nhà Hán có tuổi tác xấp xỉ ông. Lưu Phùng trong một lần ra ngoài có đem theo miếng ngọc bội vô cùng quý giá.
Tào Phi khi đó nói khoác rằng mình cũng mua được, nhưng bản thân không đủ tiền, lại nhớ tới người chú Tào Hồng vừa mới thắng trận trở về, được ban thưởng không ít, bèn tìm tới cửa mượn chút bạc.
Nào ngờ Tào Hồng vốn là người keo kiệt, lấy cớ không có tiền mà đuổi Tào Phi. Chuyện này khiến cho ông ghi hận mãi trong lòng.
Sau khi kế vị, Tào Phi vẫn không quên mối hiềm khích năm nào, liền tìm cớ đẩy Tào Hồng vào ngục rồi ban án tử.
Quần thần sau khi biết được liền cả kinh thất sắc, bởi Tào Hồng khi ấy vẫn đang là lương trụ của Ngụy quốc, hơn nữa còn từng có ơn cứu mạng đối Tào Tháo. Nếu Tào Phi ban chết cho nhân vật này, chỉ e rằng lòng người không phục.
Vì vậy văn thần võ tướng rối rít dâng tấu xin Hoàng đế thu hồi lệnh đã ban, nhưng Tào Phi vẫn quyết tâm muốn giết người chú này.
Phải tới khi mẫu thân là Biện Thái hậu ra mặt xin tha, ông mới thu hồi án tử, thế nhưng vẫn muốn tịch thu toàn bộ gia sản của Tào Hồng.
Sau này, Biện Thái hậu một lần nữa ra mặt, Tào Phi mới đáp ứng trả lại tiền của cho Tào Hồng trong sự bất mãn khôn nguôi.
Dương Tuấn
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Việc của Tào Hồng vừa kết thúc, Tào Phi lại tiếp tục tính sổ với một nhân vật khác. Đó chính là Dương Tuấn – một bậc hiền thần kỳ cựu từ thời Tào Tháo.
Năm xưa, khi Tào Tháo hỏi về vấn đề lập người kế thừa, Dương Tuấn cho rằng Tào Phi, Tào Thực đều có ưu điểm riêng, nhưng không nói rõ rằng nên lập ai.
Việc lão thần này không nói giúp cho mình cũng khiến Tào Phi âm thầm ghi hận. Sau khi lên ngôi, có một lần Tào Phi bất ngờ giá lâm huyện Uyển, sau đó lấy lý do nơi này không đủ phồn vinh, an vui mà đem Dương Tuấn bỏ ngục.
Khi đó, Tư Mã Ý cùng nhiều đại thần khác đều ra mặt nói giúp, có người dập đầu cầu xin tới chảy máu, nhưng Tào Phi vẫn không chịu ân xá cho hiền thần họ Dương.
Dương Tuấn nhớ tới chuyện của Tào Hồng trước kia, biết rằng Hoàng đế cố ý trả thù, liền ôm hận mà tự vẫn.
Bào Huân
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Ngay ở vào thời điểm Tào Phi đang đắc ý vì báo được tư thù, thì hung tin Tôn Ngô trở mặt lại khiến cho vị Hoàng đế này được dịp biến sắc.
Trước khi thắng trận Di Lăng, thế lực của Tôn Quyền một mực xưng thần trước Tào Ngụy. Thế nhưng sau khi đánh thắng Thục Hán, Đông Ngô lai nhanh chóng trở mặt.
Tào Phi vì vậy liền hạ lệnh cho đại quân xuôi nam tấn công Giang Đông. Trước quyết định này, đại thần Bào Huân có khuyên can không nên khởi binh, Tào Phi vừa nghe xong lại nhớ đến mối thù năm xưa với nhân vật ấy.
Ở vào thời điểm còn làm Thế tử, em trai của Quách Phu nhân (thê thiếp của Tào Phi) từng phạm pháp và bị phán án tử hình. Tào Phi khi ấy có ra mặt nhờ vả Bào Huân để xin cho em vợ nhưng không thành.
Sau này, Tào Phi vẫn canh cánh về mối tư thù năm xưa, liền tìm lý do cách chức Bào Huân. Mặc dù vẫn có cơ hội trở lại chính trường, thế nhưng Bào Huân sau cùng vẫn phải chịu án xử trảm.
Điều đáng nói hơn còn nằm ở chỗ, cha của Bào Huân là Bào Tín năm xưa vốn từng có công xả thân cứu Tào Tháo khi đánh quân Khăn Vàng.
Tào Tháo đối với gia tộc của Bào Tín hết sức hậu đãi, nhưng Tào Phi lại không chút e dè mà thẳng tay giết hại con trai của ân nhân từng cứu cha mình.
Từ những minh chứng trên đây, không khó để nhận thấy nếu xét về sự độ lượng, Tào Phi quả thực thua xa với người cha Tào Tháo của mình.
Cũng bởi vậy mà có ý kiến cho rằng, chính sự nhỏ mọn của Tào Phi đã khiến cho nội bộ Tào Ngụy dần xuất hiện những rạn nứt. Đây cũng là cơ hội giúp Tư Mã Ý sau này chỉ cần dùng một khoảng thời gian ngắn ngủi đã có thể lung lạc lòng người và thâu tóm cơ đồ của gia tộc họ Tào.
*Theo quan điểm của Qulishi.
Trần Quỳnh / Trí thức trẻ