(Tổ Quốc) - "Xin đừng cho rằng chúng tôi có ý kiến này kia vì chúng tôi không thích trường lớp, có thành kiến với cô giáo. Chúng tôi chỉ mong có môi trường tốt hơn cho các con".
1. Cuộc sống gia đình thực sự bận rộn. Khoảng thời gian buổi tối không dài. Chúng tôi cần cân bằng giữa nấu ăn, trò chuyện, chơi thể thao, dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, làm việc sếp giao… Vì thế, nếu có những yêu cầu mua sắm dụng cụ để phục vụ cho việc học của con, mong thầy cô hãy thông báo sớm.
2. Chúng tôi là bố mẹ, chúng tôi không phải giáo viên. Vì thế xin đừng giao những bài tập về nhà quá phức tạp với trình độ chung. Những bài tập mà có khi chỉ có thể giải khi nhìn vào đáp án.
3. Xin thầy cô nếu có bài về nhà hãy cho từ mức tối thiểu đến mức tối đa. Em nào làm bài nhanh, hứng thú sẽ chọn số lượng bài tối đa còn không thì mức tối thiểu. Như vậy cũng đủ để các con hiểu về nhiệm vụ và quy định.
4. Xin đừng gửi những dòng tin nhắn hoặc lời phê chỉ gồm chê trách, phán xét. Và cũng đừng gửi vào khoảng thời điểm mà hầu hết các gia đình đang ăn cơm. Xin hãy giúp chúng tôi có thời gian dễ chịu bên nhau. Hãy bắt đầu tin nhắn bằng một lời tích cực và sau đó nêu những điểm bé cần khắc phục. Chúng tôi cũng sẽ biết cách để hiểu cho đúng.
5. Trong mắt của người lớn không phải mọi trẻ em đều đáng yêu như nhau. Nhưng xin đừng thể hiện sự mất công bằng trong lớp học. Trẻ em có cảm nhận rất rõ về việc yêu và được yêu.
6. Xin đừng nhận xét về hình thức của con: Con ăn mặc gì mà buồn cười thế này/ Sao đầu bù tóc rối thế kia/ Mẹ có tắm cho không mà người hôi rình thế?… Chúng tôi sẽ rất khó để làm cho con tự tin nếu cô cứ vô tình như vậy.
7. Xin hãy nhắc việc đóng học phí bằng thư riêng cho phụ huynh. Đừng đọc trước lớp những bạn chưa đóng tiền. Trẻ em cũng nhạy cảm vì điều đó.
8. Chúng tôi hơi e sợ về “nền giáo dục quả mít” có nghĩa là gai nào cũng nhọn, môn học nào đối với thầy cô phụ trách nó cũng là “quan trọng nhất”. Chính vì thế, khi giao bài về nhà cho các con, xin các thầy cô trong một lớp nên có thảo luận để sẽ giao lượng bài thế nào. Rất nhiều khi, con không thể xoay xở trong một buổi tối bài tập của nhiều môn học cùng lúc.
9. Chúng tôi không phủ nhận việc phạt. Trẻ em cần có nguyên tắc và thưởng phạt. Nhưng xin đừng phạt bằng cách đánh trẻ. Xin đừng nói với chúng tôi là lớp học quá đông và phải dùng những hình thức như thế trẻ mới sợ. Nghề nghiệp nào cũng có những khó khăn riêng. Khi cô nói như vậy có nghĩa là cô giáo đang thừa nhận mình “thua” trước hành vi của trẻ. Hãy tin rằng, chúng tôi hiểu chiều chuộng quá mức và đánh trẻ cũng có tác hại y như nhau.
10. Chúng tôi thực sự bối rối trước trận đồ của các loại vở, sách, đồ dùng. Nào là vở 5 li, 4 li, bút mực loại nào, chì loại nào… Hãy cố gắng càng đơn giản càng tốt và nên có một quy định thống nhất từ đầu năm.
10. Khoảng thời gian ngồi trên ghế nhà trường chính là lúc trẻ em cần phải “nhặt” vào tiềm thức của mình những ấn tượng tốt đẹp nhất của đời người. Xin thầy cô hãy đối xử bình đẳng, hãy khuyến khích con tôi được chơi, được nghe nhạc, đọc sách. Trẻ em sẽ cực kì hạnh phúc nếu nghe thấy điều này: Thầy cô có thể làm sai. Khi con thấy cách thầy cô làm bài khác của mình, con có thể phát biểu để thầy kiểm tra lại. Biết đâu là thầy nhầm và thầy sẽ biết ơn con vì điều đó.
11. Bắt nạt. Chúng tôi rất sợ con bị bắt nạt trong lớp, trường học. Thường thầy cô sẽ là người nhận ra điều này sớm nhất vì thế xin hãy thông báo cho chúng tôi và gợi ý cách để chúng tôi cùng bạn hỗ trợ con.
12. Xin hãy cố gắng có mục tiêu riêng cho từng học sinh trong từng giai đoạn và thông báo về mục tiêu này đến từng phụ huynh. Chúng tôi biết rằng điều này sẽ mất nhiều thời gian của thầy cô nhưng chúng tôi sẽ vô cùng cảm kích. Vì mỗi đứa trẻ là khác nhau. Có những em trong 3 tháng có thể viết được bài văn dài nhưng có những em cũng trong thời gian đó chỉ cần viết được 3 câu liền mạch đã là thành công.
13. Xin hãy báo cho chúng tôi nếu con có những biểu hiện như: khó chơi với bạn, bị các bạn cô lập… vì những điều đó rất quan trọng đến sức khỏe tinh thần mà bố mẹ lại rất khó để biết.
14. Xin cô đừng nhận xét tiêu cực về con trước mặt bạn bè, trước mặt các phụ huynh khác. Những tổn thương ấy khó lành.
15. Xin cô hãy dành thời gian để lắng nghe bố mẹ những em được coi là “đặc biệt” ở trong lớp trình bày về vấn đề của em để có thể hiểu em hơn. Cô quản lý một lúc mấy chục học sinh nên có thể cô không hiểu được tường tận những vấn đề mà em đó đã gặp phải từ khi em sinh ra.
16. Có thể có những lúc chúng tôi không tham gia hoạt động này kia của cả lớp không phải vì chúng tôi không thích mà đơn giản vì chúng tôi không có điều kiện. Mong cô hiểu cho điều đó.
17. Xin đừng cho rằng chúng tôi có ý kiến này kia vì chúng tôi không thích trường lớp, có thành kiến với cô giáo. Chúng tôi chỉ mong có môi trường tốt hơn cho các con.
18. Xin đừng cố gắng dỗ dành con bằng giọng trẻ con. Xin cô đừng dạy con thiếu trung thực bằng việc có người dự giờ thì cô nhẹ nhàng hoặc cô chỉ gọi/chỉ cho các bạn giỏi tham dự. Đừng bắt con học thuộc văn mẫu để cho kì thi. Xin cô đừng gọi con bằng “con này/mày/ thằng kia…”, thực sự rất phản giáo dục.
19. Nụ cười của cô, cái ôm, cái nắm tay của cô là món quà vô giá đối với con tôi. Và chúng tôi biết ơn vì điều đó. Chúng tôi cũng hạnh phúc vô cùng nếu các con về nhà liên tục khoe “cô con thế này, cô con thế kia”, cô tốt lắm, cô công bằng lắm, cô hiểu con lắm, cô giải thích cho con mọi điều… Và như thế, một cách tự nhiên, cô như là một thành viên của cả gia đình. Và chúng tôi đón nhận điều đó bằng tất cả niềm hân hoan.
20. Tôi không phải là một phụ huynh hoàn hảo. Và thầy cô cũng khó có ai hoàn hảo. Nhưng chúng ta là MỘT ĐỘI. Tôi mong muốn được xây đắp mối quan hệ tốt đẹp nhất có thể. Nhưng chúng tôi không mong muốn dùng vật chất để làm mối quan hệ đó tốt lên. Mong cô hãy giúp chúng tôi thể hiện tình cảm một cách tự nhiên và chân thành. Vì cô thực sự đang ở bên tình yêu lớn của chúng tôi, mỗi ngày.
Vài nét về tác giả
Chị Phan Hồ Điệp (sinh năm 1975) là giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chị được nhiều phụ huynh ngưỡng mộ về cách nuôi dạy con trai - "thần đồng" Đỗ Nhật Nam - người được biết đến với bảng thành tích đáng nể: Tổng biên tập tờ báo Creative Melange (tờ báo tuổi Teen của Đông Nam Á), kỷ lục dịch giả nhỏ tuổi nhất và là tác giả nhiều cuốn sách "Tớ đã học tiếng Anh như thế nào", "Những con chữ biết hát", "Bố mẹ đã cưa đổ tớ"...
Cùng xem thêm những bài viết của chị Phan Hồ Điệp Tại đây.
Phan Hồ Điệp