(Tổ Quốc) - Mặc dù hành động của cậu bé là sai nhưng không có ai ủng hộ cách phạt này của người mẹ.
Trong quá trình nuôi dạy con cái, cha mẹ sẽ trải qua vô số những rắc rối và cảm giác bất lực với con mình. Đành rằng trẻ em là những cá thể độc lập, có suy nghĩ riêng, nhưng vì còn nhỏ nên chúng chưa phân biệt được đúng sai, thích làm theo ý mình khiến cho cha mẹ rất đau đầu.
Có một cậu bé sống ở Nội Mông, Trung Quốc đã thử thách sức chịu đựng của người mẹ, khiến người mẹ rất tức giận và quyết định phạt con bằng cách cực đoan.
Cậu bé này bình thường rất tự giác ăn uống nên người mẹ luôn tin con sẽ ăn hết thức ăn trong bát. Vào một ngày, cậu bé không muốn ăn nhưng sợ bị mẹ la nên đã nghĩ ra một cách, đó là đợi mẹ đang làm việc nhà sẽ lén đổ bát cơm ra phía sau ghế sofa.
Tuy nhiên, trong khi lén lút đổ cơm thì cậu bé bị mẹ bắt gặp. Lúc này, trong lòng dù rất sợ hãi nhưng cậu bé vẫn cố gắng tỏ ra mạnh mẽ và bảo với mẹ đừng đánh mình.
Người mẹ cho biết, trước đây cậu bé từng mắc lỗi tương tự nhưng nay lại tái diễn nên quyết định dạy con một bài học. Người mẹ gọi con trai ra phía sau ghế sofa, yêu cầu cậu bé dọn sạch và ăn lại bát cơm này.
Nghe thấy mẹ nói như vậy, cậu bé vừa sợ vừa lo lắng: "Mẹ ơi, con ăn vào có bị ngộ độc không?".
Thấy con đang lo lắng mình bị bệnh, người mẹ nói: "Con không có chết đâu mà lo, mau ăn đi". Cậu bé nghe mẹ nói vậy liền ngoan ngoãn bốc cơm bỏ vào miệng.
Người mẹ cho biết con trai mình rất lỳ lợm, trước đây cô đã nhắc nhở nhẹ nhàng nhiều lần nhưng lần này nghiêm khắc trừng phạt tội lãng phí thức ăn. Cô hy vọng cách làm này sẽ khiến con trai nhớ mãi.
Trước cách làm này của người mẹ, cư dân mạng đã để lại không ít ý kiến trái chiều như:
- Con hư thì phải chịu phạt, nhưng phạt kiểu này thì không được. Bắt con ăn lại cơm đổ dưới đất rất mất vệ sinh, nhỡ đâu thằng bé bị đau bụng thì sao.
- Đành rằng hành động của cậu bé khiến mẹ rất tức giận nhưng tôi không ủng hộ cách phạt này của người mẹ. Quá cực đoan!
- Có nhiều cách khiến trẻ hiểu được mình không nên lãng phí thức ăn thay vì bắt con ăn cơm đổ dưới đất như vậy.
Chắc hẳn nhiều bậc cha mẹ đã rơi vào những rắc rối tương tự như trường hợp trên. Trong quá trình chăm sóc và giáo dục con cái, cha mẹ đôi khi cảm thấy bất lực không biết phải làm như thế nào. Mặc dù có những lỗi trẻ biết mình sai nhưng vẫn tái diễn. Nếu việc giao tiếp không mang lại hiệu quả, có lẽ việc trừng phạt bằng hành động sẽ khiến đứa trẻ nhớ lâu hơn. Tuy nhiên, cha mẹ nên xem xét việc trừng phạt trẻ như thế nào cho hợp lý.
PHAN HIỀN