(Tổ Quốc) - Thời tiết thuận lợi khiến hoa nở đúng dịp Tết, giá hoa tăng hơn so với năm ngoái nên nụ cười đã trở lại trên khuôn mặt những người trồng hoa ngày cận Tết.
Hoa cười người vui
Làng hoa Tây Tựu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được biết đến là một trong những nơi trồng hoa lớn nhất miền Bắc, cung ứng hoa tươi phục vụ nhu cầu không chỉ của người dân Hà Nội mà còn cho nhiều tỉnh thành miền Bắc.
Trồng hoa cũng là nghề tạo ra nguồn thu nhập chính cho hàng trăm hộ dân tại nơi đây. Tuy nhiên, thời gian 2 năm trở lại đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát khiến người làng Tây Tựu "điêu đứng" khi không bán được hoa. Thậm chí, một số người đã phá hoa, chuyển sang trồng rau để duy trì cuộc sống.
Ghi nhận của chúng tôi tại vườn hoa Tây Tựu những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đa số các loại hoa như hoa cúc, hoa ly... đều sắp nở rộ, không khí rất nhộn nhịp, nụ cười đã quay trở lại trên gương mặt người dân vì hoa được giá.
Vườn hoa cúc đã đến thời điểm thu hoạch, bán ra thị trường
Tuy nhiên, để có những sản phẩm đẹp, ưng ý khách, người trồng cũng phải chăm sóc kỹ lưỡng trong vòng 5 tháng
Anh Hiếu, một người trồng hoa hơn 10 năm ở Tây Tựu phấn khởi cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi, hoa nở đúng dịp Tết Nguyên đán nên rất đẹp, dễ bán.
"Nhà tôi năm nay có mấy sào hoa cúc để bán cho Tết, thời điểm này đã có thương lái đến đặt mua nhưng tôi chưa bán", anh Hiếu vui mừng nói.
Theo anh Hiếu, giá chung của các loại hoa năm nay đều tăng do cung ít hơn cầu, sau đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhiều người trồng hoa đã chuyển sang trồng rau khiến lượng hoa trong làng giảm đi đáng kể.
"1 bông hoa cúc tôi bán với giá 4.000-5.000/bông, gấp 4 lần so với năm ngoái. Trung bình mỗi sào hoa cúc bán ra thị trường được khoảng 30 - 40 triệu đồng. Giá hoa tăng, Tết năm nay chúng tôi có lá dong gói bánh chưng rồi", anh Hiếu nói.
Hoa ly - loại hoa phải bỏ nhiều vốn nhất khi trồng cũng cho hoa đúng dịp Tết
Những bông hoa sắp nở được người dân dùng lưới để ngăn lại
Những người nông dân đều vui mừng vì hoa đang được giá
Cạnh vườn hoa cúc của anh Hiếu là vườn hoa ly của vợ chồng bà Hương cũng đang chuẩn bị cho thu hoạch. Theo chia sẻ của chủ vườn, giá hoa ly năm nay cũng tăng nhưng không tăng mạnh như hoa cúc.
"Năm nay hoa ly đắt do ít người trồng hơn những năm trước. Bên cạnh đó, do dịch bệnh khó khăn nên nhiều người không mua được giống hoặc trồng rồi thì lo không bán được. Giá hoa ly hiện tại khoảng 250.000 đồng - 300.000 đồng tuỳ loại", bà Hương cho hay.
Với thời tiết thuận lợi như hiện tại, bà Hương hy vọng giá hoa sẽ tiếp tục tăng để những người nông dân trồng hoa có một cái Tết no đủ.
80% hoa được bán hết ngay giáp Tết
Làng hoa Xuân Quan thuộc xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên có tổng diện tích đất canh tác gần 200ha với khoảng 1.200 hộ làm nghề trồng hoa...Với vị trí nằm gần thủ đô Hà Nội và khu đô thị Ecopark nên Xuân Quan cũng đang là thị trường hoa tương đối lớn, sánh ngang với các vựa hoa hàng đầu miền Bắc như Tây Tựu hay Mê Linh của Thủ đô Hà Nội.
Các loại hoa, cây cảnh được trồng chủ yếu ở Xuân Quan bao gồm: hoa truyền thống (hồng, cúc...), hoa chất lượng cao (ly, địa lan...), hoa giỏ treo (dạ yến thảo, cát tường...), cây trải thảm, cây công trình (đào tiên, lộc vừng...). Đây đều là những loại hoa phù hợp để trang trí trong nhà, sân vườn trong dịp Tết.
Dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng các nhà vườn ở Xuân Quan đều tiêu thụ gần hết số hoa trồng được
Theo ghi nhận của chúng tôi những ngày giáp Tết, lượng xe tải lớn nhỏ đổ về vựa hoa Xuân Quan để vận chuyển cây cảnh và hoa rất nhộn nhịp. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng hầu hết các nhà vườn ở Xuân Quan đều vui mừng phấn khởi vì tiêu thụ gần hết số hoa trồng được.
Chị Phan Thị Hoạt (một hộ dân trồng hoa tại xã Xuân Quan) chia sẻ, năm nay vì người dân ở đây trồng được ít hoa nên thời điểm này hầu hết các vườn đều hết hàng do khách đặt trước.
"Tính đến thời điểm này, vườn nhà tôi đã bán được 70-80% số lượng hoa, chỉ còn một số ít. Ước chừng đến khoảng 30 tết sẽ bán hết toàn bộ. Giá cả hoa năm nay cũng tăng một chút nhưng không nhiều so với mọi năm", chị Hoạt chia sẻ.
Xe tải, xe chở hoa đều tấp nập ra vào ngôi làng trồng hoa
Người trồng hoa ở Xuân Quan tập trung vào phát triển các loại hoa trồng trong chậu, giỏ nhỏ gọn để dễ dàng trưng bày tại nhà
Thời tiết năm nay khá thuận lợi cho các loài hoa trồng ở đây phát triển tươi tốt nên hoa bán rất chạy
Ông Lê Mạnh Tuyến, Phó chủ tịch xã Xuân Quan cho biết, trong năm 2021 vừa qua, chúng tôi luôn quan tâm đến việc định hướng cho bà con trồng hoa, cây cảnh trong việc thích ứng với tình hình dịch bệnh.
"Chúng tôi định hướng ngay từ khi vào vụ sản xuất, bà con nông dân nên giảm sản lượng trồng từ 20-30% so với các năm trước đồng thời đa dạng hóa các chủng loại hoa cây cảnh để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Vì vậy đứng trước tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, việc sản xuất và tiêu thụ của xã Xuân Quan không bị ảnh hưởng nhiều", ông Tuyến nói.
"Mặc dù sản lượng hoa, cây cảnh của Xuân Quan giảm hơn so với mọi năm nhưng lại được giá hơn từ 15-20%. Chính vì vậy lợi nhuận của làng hoa năm nay được đảm bảo không thua kém gì các năm trước. Tính đến thời điểm hiện tại, theo thống kê sản lượng hoa của Xuân Quan đã tiêu thụ được khoảng từ 80-85%, các nhà vườn cơ bản đã tiêu thụ gần hết", ông Tuyến chia sẻ.
Ngoài những làng nghề trồng hoa lâu năm, ghi nhận của chúng tôi tại xã Tích Giang (huyện Phúc Thọ, Hà Nội), nơi nhiều người vừa chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng hoa, cây cảnh, người dân cũng vô cùng phấn khởi vì hoa được giá, bán nhanh.
Rất đông khách ra vào những ngày giáp Tết
Người dân đều phấn khởi vì tiêu thụ gần hết số hoa trồng được
Ông Huấn, chủ vườn hoa Huấn Lụa ở xã Tích Giang cho biết, hiện, vườn của gia đình ông có 100 loại cây hoa các loại, hiện vườn của ông đã bán được khoảng 80% lượng hoa.
"Vào dịp Tết, mỗi ngày có hàng nghìn người vào ngắm mua hoa. Gần nửa tháng nay, mỗi ngày tôi chỉ ngủ khoảng 4 tiếng do lượng công việc quá lớn. Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng lượng người đến vườn vẫn đông như mọi năm", ông Huấn nói.
Đinh Huy