(Tổ Quốc) - Bánh sắn nướng vừa thơm vừa bùi, ăn mê lắm chị em ơi.
Nếu có việc phải ra ngoài vào buổi tối trong những ngày này, chắc hẳn thi thoảng bạn sẽ thấy những xe đẩy bán bánh sắn nướng ven đường. Mùi thơm tỏa ra, ngửi thôi là đã thấy vừa ấm người vừa thèm. Chính vì thế trong bài viết, chúng tôi sẽ mách chị em cách làm bánh sắn nướng siêu đơn giản.
Chẳng cần nồi chiên không dầu hay lò nướng cũng có thể làm được.
Cách làm bánh sắn nướng
Hấp sắn và đỗ xanh
Bạn rửa sạch củ sắn với nước cho bớt đất cát rồi nạo phần vỏ và rửa thêm với nước 1 lần nữa. Sau đó, cho sắn vào xửng hấp, hấp khoảng 10 phút trên lửa vừa là sắn chín.
Với đỗ xanh, bạn ngâm trước trong nước ấm khoảng 15 phút rồi rửa sạch và cũng cho vào xửng hấp. Hấp khoảng 10 phút là đỗ xanh sẽ chín.
Giã sắn với đỗ xanh
Sau khi đã hấp chín sắn và đỗ xanh. Bạn cho 2 nguyên liệu này vào cối và giã nát.
Tiếp theo, bạn thêm vào phần đỗ và sắn đã giã: 50gr dừa sợi, 100-150ml nước cốt dừa, 15-20ml sữa đặc, 1-2 thìa canh đường kính. Trộn đều các nguyên liệu.
Nặn và nướng bánh sắn
Bạn nặn phần sắn - đỗ xanh đã trộn thành những miếng tròn nhỏ, dày khoảng 1-2cm. Sau đó, phủ 1 ít hạt mè lên 2 mặt bánh đã nặn.
Tạo hình cho bánh sắn xong, bạn bắc chảo lên bếp. Vặn lửa/chỉnh nhiệt cao để lòng chảo nhanh nóng. Sau đó, cho bánh sắn vào áp chảo mỗi mặt khoảng 30 giây trên lửa nhỏ.
Vậy là chị em đã hoàn thành xong món bánh sắn nướng rồi đấy. Thả bánh vào chảo nóng khoảng chừng 10 giây là sẽ thấy ngay mùi bánh tỏa ra thơm nức từ cả gian bếp. Bánh sau khi áp chảo sẽ có phần vỏ hơi giòn, bên trong thơm mùi cốt dừa và bùi bùi vị sắn với đỗ xanh. Ăn hết một cái lại muốn ăn thêm cái nữa cho mà xem!
Một vài công dụng của củ sắn mà có thể bạn chưa biết
1. Hỗ trợ hoạt động hệ tiêu hoá
Củ sắn có chứa nhiều chất xơ không hòa tan, có tác dụng cải thiện hoạt động hệ tiêu hoá của cơ thể bằng cách hấp thu các chất lắng đọng trong ruột. Nếu cơ thể bị thiếu chất xơ, hệ bài tiết có thể sẽ hoạt động không bình thường và gây ra một số vấn đề như táo bón và bệnh trĩ. Do đó, ăn sắn sẽ giúp bổ sung chất xơ và giúp bạn dễ đi đại tiện hơn.
2. Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường
Củ sắn cung cấp lượng đường ít hơn so với các loại ngũ cốc khác như gạo trắng, ngô, củ từ,... Ngoài ra, trong thành phần của củ sắn còn có vitamin C, chất xơ đều là những thành phần rất có lợi cho người bị tiểu đường. Chính vì vậy, chúng được các bác sĩ khuyến cáo là có thể thêm vào chế độ ăn cho người bệnh tiểu đường.
Với những thông tin và gợi ý này, hy vọng chị em sẽ có thêm một món bánh vừa ngon vừa dễ làm, lại tốt cho sức khỏe để thưởng thức.
Chúc bạn thành công với cách làm bánh sắn nướng này nhé!
M. Trang