(Tổ Quốc) - Hoa màu chết khô, súc miệng không cần kem đánh răng hay mỗi ngày phải sang xã khác chờ hứng từng can “sự sống”… là những cảnh cười ra nước mắt mà người miền Tây nói chungvà bà con tỉnh Bến Tre nói riêng phải gánh chịu trong mùa hạn kinh khủng này.
Chưa 14h chiều, nhiều người dân đã chạy xe máy đến chờ sẵn tại nhà máy nước Tân Bình (huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre). Hai bên hông xe là những can nhựa lớn loại 30 lít.
Trong số người dân chờ múc nước, có rất nhiều trường hợp là phụ nữ và người lớn tuổi.
Lọ mọ tháo hai can nhựa lớn trên xe xuống, cô Nguyễn Thị Xuân Giang (53 tuổi) vội đem đến bồn nước lớn bên trong.
Hứng đầy cả 2 can, cẩn thận không để nước rơi vãi nhiều, cô Giang lại cố sức chất nước lên xe cột lại. Thấy sức phụ nữ không làm nổi, cánh đàn ông xung quanh phải xoắn tay áo phụ cô một tay.
"Tôi ở xã Hòa Lộc nhưng bên ấy giờ nhiễm mặn quá hết sạch nước ngọt rồi. May hơn tuần nay có nhà máy ở xã Tân Bình cho lấy nước miễn phí, chứ không cũng chưa biết tính sao" – chị Giang nói.
Cũng hoàn cảnh trên, chị Thảo (40 tuổi) may mắn hơn khi nhà còn nước mưa trữ sẵn.
"Nhà có vườn nhưng nước không đủ tưới cây, uống còn thiếu mà. Nước này sau khi đem về mình sẽ phải đổ lại trong lu mấy ngày chờ lắng cặn mới mang uống được vì cũng chưa sạch lắm" – người phụ nữ nói.
Khó khăn hơn khi đã già, chú Bé Em (68 tuổi) cũng cố gắng cách 2 ngày là đi lấy một can nước, ràng dây phía sau xe chở về.
Chú nói, nhờ có nhà máy này mà mùa hạn năm nay đỡ khát hơn. Chứ như mọi năm phải mua từng mét khối nước giá đến 100-200 ngàn đồng, tiếc tiền đứt ruột. Nhưng người được cứu chứ hoa màu, cây trái thì không…
Nhẫn nại chờ mọi người lấy nước hết, chú Nguyễn Phi Long (69 tuổi, ở xã Thạnh An) trầm ngâm: "Chỉ có năm nay mới nhiễm mặn dữ vậy thôi, chứ mọi năm đâu đến nỗi. Mặn đến nỗi giờ tôi súc miệng không cần kem đánh răng nữa, vì nước ngọt như nước muối hết rồi.
Vườn bưởi, dừa ở nhà trái cũng không có, chăn nuôi cũng không được. Cá còn không sống nổi. Giặt đồ bỏ bao nhiêu xà bông vào cũng thua. Không có nhà máy nước Tân Bình này, chắc bà con phải ra Cái Mơn (Chợ Lách) múc nước sông về uống. Nhưng chỉ lúc đầu mùa thôi, giờ nó mặn chát rồi. Không biết khi nào trời mới mưa cho bà con được nhờ..."
Dẫn chúng tôi vào tham quan bên trong, anh Nguyễn Ngọc Trường, nhân viên nhà máy lọc nước cho biết, mỗi giờ máy lọc được khoảng 2 mét khối nước, nhưng còn tuỳ theo độ mặn. Năm nay tình trạng nhiễm mặn nặng nề chưa từng thấy, dưới sông hiện đã hơn 10 phần ngàn rồi.
Do đó mà dù có bật tối đa công suất thì vẫn không sao đáp ứng được nhu cầu nước ngọt cho bà con.
Trước tình hình này, Uỷ ban nhân dân xã Hòa Lộc, huyện Mỏ Cày Bắc đã trang bị thêm những máy lọc nước RO và tiến hành phát nước miễn phí mỗi ngày cho người dân.
Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân cũng đã đến địa phương trao tặng máy lọc nước, nước ngọt, dụng cụ trữ nước.
Theo lãnh đạo tỉnh Bến Tre, tình hình nhiễm mặn năm nay vô cùng khốc liệt, cao hơn cả đợt xâm nhập mặn mùa khô 2016 khi ảnh hưởng gần như toàn bộ tỉnh.
Hậu quả là nhiều vùng bị thiếu nước ngọt sinh hoạt, nhiều hecta hoa màu chết khô, thất mùa.
Để giải quyết bài toán thiếu nước ngọt, cơ quan chức năng cho rằng cần khai thác tất cả các điều kiện có thể chứa nước như giếng nước, hồ bơi, bồn chứa nước để tích trữ nước.
Về lâu dài, mỗi huyện cần xây dựng các đập tạm, hồ chứa nước, tìm cách cải thiện nguồn nước cho các nhà máy nước.
Ngoài ra, ngành chức năng cũng phải hướng dẫn người dân quy trình chăm sóc cây, cách ủ gốc trong mùa hạn mặn để giảm thiểu thiệt hại tối đa có thể.
Hoàng Lê