(Tổ Quốc) - Người ta vẫn bảo "bán anh em xa mua láng giếng gần" nhưng ở chung cư rồi mới biết luôn có "hàng xóm this" và "hàng xóm that"...
Thời gian gần đây, chung cư ở Việt Nam mọc lên như nấm và lượng người chuyển về chung cư ở cũng rất nhiều. Ở chung cư nhà ai nấy ở nhưng những khu vực sinh hoạt chung thì chắc chắn sẽ có đủ thứ chuyện có thể xảy ra.
Và hành lang chung cư là một nơi như vậy.
Chuyện cái hành lang thị phi và đáng thương
Chuyện là thế này, ở chung cư nhà tôi có quy định là hành lang là của chung, vì thế các căn hộ cần phải tôn trọng không gian này, không được mở cửa nhà thường xuyên (tất nhiên ngoài việc đi ra đi vào). Ấy thế nhưng nhiều hôm về đến nhà, tôi thấy hàng xóm để cửa "toang hoác". Hành lang thì có bật điều hòa, nhiều nhà không biết có phải tiết kiệm điện không mà mở cửa cả ngày để "hưởng" chút gió mát rượi từ hành lang.
Chuyện tiết kiệm điện thì có vẻ thông cảm được nhưng điều này đồng nghĩa sẽ làm ảnh hưởng hệ thống điện của tòa nhà về lâu về dài.
Đã thế nhiều gia đình vui tính lại thích mở cửa lúc nấu ăn, một công đôi việc, vừa có gió mát điều hòa, vừa giúp nhà mình đỡ bị ám mùi thức ăn. Chiều tối đi làm về là đi một dọc hành lang tôi được hít hà đủ các loại thức ăn, khi thì cá rán, khi thì thịt kho, thậm chí là cả... thịt chưng mắm tép. Kèm với đó là tiếng xào nấu xì xèo khắp nơi. Cứ cảm giác như mình đang đi lạc vào khu vực nấu cỗ các bác ạ. Mùi thức ăn ngon lành thì thôi cũng đành, nhưng đâu phải ai cũng là siêu đầu bếp? Nhiều khi có mấy bác lỡ tay làm cháy khét món ăn, quả thật là... khó tả.
Chưa hết, hành lang khu tôi ở không quá rộng, kiểu hai người đi song song hoặc tránh nhau là vừa, nói thế để mọi người hình dung cho dễ.
Ấy thế mà nhiều nhà có sở thích để dép ngoài cửa, không rõ các bác đó chưa mua được tủ giày dép hay gì mà ngày nào cũng vài ba đôi, hôm nào tiếp khách thì có đến cả chục đôi, vứt tứ tung bên ngoài.
Tất nhiên người ta đã để dép ở ngoài như thế làm gì có khái niệm xếp gọn gàng.
Nhưng mà dép đã là gì, có nhà này còn có thói quen để cả xe đạp của con ở hành lang. Mọi người không đọc nhầm đâu, chính là xe đạp.
Đôi khi là 1 chiếc, thỉnh thoảng vui tính thì là 2 chiếc vì nhà có hai bé. Không xe đạp thì cũng chổi, xẻng, túi rác... đủ hết. Nói chung cái gì để được ra hành lang thì người ta đều để cả. Lối đi cho người khác ư? Ai mà quan tâm cơ chứ.
Mở cửa nấu ăn, để đồ đạc, giày dép ở ngoài hành lang tất nhiên đều không được cho phép ở chung cư tôi các bác ạ, và nó nằm trong quy định của ban quản lý chứ nào có ai dám bịa ra.
Nhiều khi tôi thấy tội nghiệp cái hành lang nhà mình lắm luôn. Đến cái tường ở hành lang cũng không được yên. Một ngày đẹp trời nọ mấy mảng tường chi chít vết vẽ bậy của trẻ em, từ hình vẽ hoa lá, động vật cho đến cả chơi cờ caro. Đến là thương bức tường trắng muốt ngày nào.
Hết tường rồi đến sàn hành lang. Phòng đổ rác thì ở phía đầu hàng lang nên các nhà sẽ phải mang rác từ nhà mình ra đó. Thế nên thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp đủ thứ rau, đất cát, hộp giấy... bị rơi rớt trên sàn hành lang. Đôi khi còn là những giọt nước đầy khó hiểu mà tôi cũng không dám tưởng tượng ra là nước gì.
Điều này đồng nghĩa là chiếc hành lang tôi đi qua hàng ngày cũng thường xuyên gặp tình trạng có mùi không mấy thơm tho. Cũng may mà thời gian dịch bệnh, đeo khẩu trang thường xuyên nên cũng đỡ thấy mùi hơn một chút.
Thử góp ý đi, xem các chị hàng xóm có "nhảy dựng" lên không?
Cư dân tầng chúng tôi có mấy anh em nhiệt tình mới lập một nhóm trên zalo để có chuyện gì mọi người cùng bàn luận, tâm sự. Chúng tôi mới nhẹ nhàng vào nhắc nhở, góp ý về câu chuyện hàng lang đó. Chị gái ở căn nhà nọ liền "nhảy dựng" lên bằng đủ thứ lý lẽ nhưng giọng vẫn hết sức là thảo mai:
"Ôi giời các bác ạ, không biết nhà các bác thế nào chứ nhà em thấy đóng cửa là bức bí lắm không chịu được. Nhà em mở cửa cho thoáng nhà tý có sao đâu. Mà bác thấy đấy, ở chung cư mình có biết bao nhà cũng mở cửa, có phải mỗi nhà em đâu".
Nói trên nhóm chung với phong cách "bán mai" là vậy, chị gái nọ còn nhảy vào chat riêng với tôi vì cái tội dám góp ý nhà chị:
"Này, chị thấy em ý kiến hơi nhiều đấy. Em nói là em vui vẻ góp ý mà chắc em ít tuổi nhất cái tầng này đấy nhỉ, chị thấy em đi ra ngoài cửa gặp người hơn tuổi còn chưa biết đường chào ai. Thế mà còn mở mồm dạy đời người khác à?".
Hội chị em đông người thì thảo mai với nhau còn lúc nói chuyện riêng thì "cháy nhà mới ra mặt chuột", chị lật mặt nhanh như cái bánh tráng nướng bán ở Đà Lạt vậy. Thề là sau khi đọc mấy dòng chị gái nhắn, khuôn mặt tôi lúc ấy giống như biểu cảm của Kiều Minh Tuấn trong phim "Em chưa 18" khi biết Kaity Nguyễn chưa đủ 18 tuổi. Hóa ra đằng sau người phụ nữ công sở với lớp trang điểm dày cộp cùng những bức ảnh sống ảo qua mấy chục lớp filter, chị lộ tính cách đanh đá không phải vừa.
Cực chẳng đã, thôi thì tôi lặng lẽ chụp lại những bức ảnh ở phía ngoài ngôi nhà thân thương của chị, gửi lên ban quản lý để ban quản lý nhắc nhở chị vậy.
Lại nói về bức tường bị vẽ bậy, cái này thì hơi khó vì chẳng biết tác do phẩm do "danh họa nhí" nào thể hiện. Nhờ bảo vệ kiểm tra camera thì cũng không biết từ ngày nào để kiểm tra. Chúng tôi cũng chỉ biết góp ý trên nhóm cư dân tầng mình. Mấy chị nhà có trẻ con nhanh nhẩu lắm:
"Khiếp, không biết con nhà bác nào vẽ bậy thế chứ con nhà em là không bao giờ làm thế nhé. Mà em thấy tường mình bẩn từ lâu rồi, từ trước khi nhà em về ở luôn các bác ạ".
Một chị gái khác xen vào: "Hay có khi trẻ con ở chỗ khác vào vẽ linh tinh nhỉ? Chứ trẻ con ở nhà em ngoan lắm luôn". Nhưng nghe có vẻ "có tật giật mình" nhỉ?
Các tác phẩm tranh vẽ của những "danh họa nhí" không hề dễ làm sạch, chỉ có cách sơn lại tường.
Vâng, và vẫn là chúng tôi lặng lẽ báo với ban quan lý xem có phương án sơn lại tường hay không.
Có hôm tôi gặp chị gái hàng xóm nọ ở hành lang, chị liếc xéo tôi một cái mà cảm giác sắc lẹm như dao làm bếp của đầu bếp Nhật. Chắc chị linh cảm được tôi chính là đứa đã báo với ban quản lý về việc nhà chị hay mở cửa nấu ăn và để dép ở ngoài. Quả thật sau khi báo với ban quản lý tôi cũng thấy nhà chị cất gọn dép vào trong được tận 3 hôm. Mấy hôm sau lại đâu vào đấy. Còn tôi có lẽ trong mắt chị gái vẫn là đứa xấu tính, soi mói, thích bêu rếu người khác và không vì cộng đồng chung.
Tạm kết
Câu chuyện về chiếc hành lang nhà tôi có lẽ cũng là một câu chuyện có thể bắt gặp ở bất cứ chung cư nào. Thế nhưng tôi nghĩ đó chỉ là một bộ phận nhỏ những người chưa hiểu văn hóa sống ở chung cư. Ở chung cư không có nghĩa là nhà nào đóng cửa chỉ biết nhà đấy, các gia đình vẫn nên thân thiết với nhau và bỏ qua những hiểu lầm không đáng có. Mỗi người bớt với nhau một câu, cùng có cái nhìn tích cực hơn thì kiểu gì cũng sẽ vui vẻ, hòa thuận.
NV