(Tổ Quốc) - Bài học dạy con cái không được lãng phí thức ăn của người mẹ này rất thiết thực, trẻ sẽ hiểu ngay và thay đổi ngay lập tức.
Không khó để nhận ra rằng, trẻ con ngày nay sống sung sướng hơn trước rất nhiều. Ngay từ khi chào đời, chúng đã được bố mẹ mình coi như báu vật, được cưng nựng hết mực. Dường như càng được bố mẹ chiều chuộng, trẻ càng không biết quý trọng những gì mình đang có, điển hình nhất có lẽ phải kể đến việc chúng lãng phí thức ăn.
Tiểu Ý tiếp tục để đồ ăn thừa lại, mặc dù người mẹ chỉ xới một bát cơm nhỏ nhưng lần nào cô bé cũng chỉ ăn có nửa bát.
Thấy con gái ăn ít, người mẹ xót con đói bụng nên đành dỗ dành: "Con ngoan nào, mau ăn hết cơm trong bát đi con. Nếu con không ăn, mặt của con sẽ nổi mụn đấy".
Tiếu Ý cong miệng, đưa tay sờ lên mặt rồi nói lại mẹ: "Con không sợ mụn đâu, mẹ nói dối con".
Khi nghe con gái nói vậy, người mẹ biết không thể lừa được con mình nữa nên đã lớn tiếng: "Con gái, con cần phải biết cách cư xử chứ, mẹ vất vả nấu đồ ăn cho con, đừng để phí thức ăn như vậy".
Tiểu Ý nhìn mẹ mình với ánh mắt khó hiểu nên hỏi ngược lại: "Mẹ ơi, tại sao chúng ta không được lãng phí thức ăn?"
Người mẹ dừng lại suy nghĩ hồi lâu, cảm thấy câu hỏi này có phần khó trả lời ngay nên quyết định dọn dẹp bàn ăn trước, sau đó giải thích cho con gái mình.
Người mẹ này nói: "Thực phẩm cần được mua bằng tiền. Số tiền này do bố mẹ chăm chỉ làm việc có được. Vì vậy, thức ăn chính là mồ hôi công sức bố mẹ làm ra, vì thế không được lãng phí".
Để con gái cảm thấy việc kiếm tiền khó khăn như thế nào, người mẹ quyết định đưa Tiểu Ý đến công ty bố đang làm việc. Khi nhìn thấy bố tóc lốm đốm bạc, đang chui xuống gầm xe ô tô để sửa, Tiểu Ý thấy vậy liền bật khóc vì quá thương bố. Sau đó, cô bé hiểu được rằng, để có được tiền mua thức ăn, bố đã vất vả, đổ mồ hôi khó nhọc như thế nào.
Người mẹ xoa đầu con gái nói: "Bố làm việc để kiếm tiền mua gạo, mua thịt cho chúng ta. Những gì con ăn được chính là mồ hôi công sức bố làm lụng vất vả có được. Con gái à, bây giờ con đã hiểu vì sao không được lãng phí thức ăn chưa?"
Sau khi hiểu được nguồn gốc thức ăn và ý nghĩa đằng sau đó, Tiểu Ý không bao giờ lãng phí thức ăn nữa. Mỗi bữa, cô bé sẽ ăn hết sạch đồ ăn trong bát, không để thừa lại miếng nào.
Có lẽ những đứa trẻ chưa bao giờ cảm thấy đói bụng sẽ không hiểu được giá trị của thức ăn. Vì thế, câu trả lời đơn giản nhưng đầy thuyết phục của người mẹ này đã giúp cho trẻ hiểu tại sao không được lãng phí thức ăn.
Ngoài cách trên, bạn cũng có thể giúp con mình trân trọng thức ăn hơn bằng những cách sau:
- Cho trẻ thấy hình ảnh bác nông dân cực nhọc trồng trọt ngoài ruộng như thế nào. Nếu có thể, cách tốt nhất đưa trẻ đi trải nghiệm quá trình trồng rau và thu hoạch. Chỉ khi cảm nhận được sự vất vả lúc trồng cây, trẻ mới trân trọng đồ ăn của mình hơn.
- Cho trẻ thấy video đời thực của những đứa trẻ ở châu Phi đói khổ như thế nào. Hình ảnh trẻ con châu Phi da bọc xương, đi lượm đồ ăn người ta vứt trong thùng rác về nấu lại để thỏa cơn đói. Việc làm này có thể khiến trẻ hiểu được rằng, chúng đã sống sung sướng và hạnh phúc gấp nhiều lần như thế nào so với người khác.
- Cho trẻ thấy những bạn nhỏ khác hạnh phúc như thế nào khi có được một bữa ăn ngon. Những đứa trẻ này có thể chưa bao giờ nhìn thấy được viên kẹo hay miếng thịt bò, được no bụng là ước mơ lớn nhất của chúng.
Những cách giúp trẻ không lãng phí thức ăn
Ngoài những cách trên, bố mẹ có thể áp dụng thêm một số mẹo sau đây, sẽ giúp trẻ không bỏ thừa lại đồ ăn.
- Để trẻ chủ động lấy đồ ăn
Trẻ muốn ăn bao nhiêu cơm và đồ ăn, chúng sẽ tự suy nghĩ trong đầu. Tốt hơn hết, bố mẹ nên trao quyền để con mình được tự do ăn bao nhiêu tùy ý. Tuy nhiên, một khi đã lấy thức ăn vào bát rồi thì không được bỏ lại. Đây cũng là cách rèn cho trẻ tính trách nhiệm.
- Trẻ ăn hết, bố mẹ nên khen ngợi
Khi trẻ ăn hết thức ăn, bố mẹ nên khích lệ và khen ngợi để khiến trẻ có thêm động lực duy trì thói quen này. Đặc biệt trong giai đoạn đầu khi trẻ quyết tâm thay đổi, bố mẹ phải tích cực động viên.
- Bố mẹ làm gương cho con cái
Khi đưa trẻ ra ngoài ăn, đặc biệt lúc ăn buffet, bố mẹ nên giải thích nguyên tắc để tránh trường hợp trẻ lấy thức ăn quá nhiều, yêu cầu chúng ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Hơn nữa, trong mỗi bữa ăn, bố mẹ cũng phải thể hiện mình là người không thích lãng phí thức ăn, món nào cũng phải ăn hết để trẻ noi gương theo.
- Nêm nếm thức ăn vừa miệng, trang trí bắt mắt
Dù không muốn lãng phí thức ăn nhưng nếu món ăn đó quá dở, quá mặn thì không còn cách nào khác buộc phải vứt bỏ. Đây cũng là một điều bố mẹ cần chú ý trong quá trình nấu nướng. Trẻ cũng có khẩu vị riêng của mình, đối với món khoái khẩu, chúng thường ăn rất nhanh. Ngược lại, món nào không ngon dù có dỗ dành cách mấy chúng vẫn không thích ăn.
Nguồn: Sohu, Baidu, Min
PHAN HIỀN