(Tổ Quốc) - Cùng lắng nghe một số lời khuyên của hot mom Hà Nội về vụ việc bạo hành đang được quan tâm những ngày gần đây.
Vụ việc bé gái 2 tuổi bị bạn đánh dã man ở trường mầm non đã khiến dư luận hoang mang và phẫn nộ. Bên cạnh nỗi đau đớn về mặt thể xác, những gì bé phải chịu đựng còn là nỗi sợ hãi, lo lắng và tổn thương về mặt tinh thần. Rất nhiều phụ huynh giật mình tự hỏi nếu con của mình rơi vào trường hợp như vậy thì phải ứng xử ra sao? Bố mẹ phải giúp con vượt qua nỗi ám ảnh và đối diện với những người đã đánh con mình như thế nào?
Cùng có chung nỗi niềm với nhiều bậc làm cha mẹ, nhà báo, hot mom Trần Thu Hà - tác giả cuốn sách nổi tiếng "Con nghĩ đi, mẹ không biết", mẹ của hai bé Xu, Sim đã bày tỏ quan điểm về vấn đề này.
Làm gì nếu con bị bắt nạt?
Đầu tiên, nếu nặng như clip vừa rồi, thì bạn phải đưa con tới bệnh viện khám tổng quát ngay, kiểm tra não, rồi cơ xương khớp xem thế nào. Sau đó phải đi tư vấn tâm lý cả mẹ lẫn con. Các chuyên gia và bác sỹ sẽ có hướng trị liệu cụ thể phù hợp.
Với những bé không tới mức phải đi viện thì cần lắng nghe con kỹ càng xem vấn đề nằm ở đâu, có thể hỏi thêm từ nhiều góc nhìn khác. Chắc chắn có gì đó cần điều chỉnh, dù ở phía con mình, hay ở phía bên kia, hay là cả hai.
Sau mỗi clip bạo lực học đường, rất nhiều comment đòi "vác dao tới xử". Một hành vi xấu, thì ai làm cũng xấu! Đừng nói tại nó sai nên mình mới phải đánh. Biết đâu, ngay lúc nó đánh em bé, nó cũng đang nghĩ em bé sai và nó cần phải dạy dỗ trừng trị, thì sao.
Cách mẹ Hà xử lý khi con bị bắt nạt
- Không khoan nhượng, không xuê xoa, không ép con 1 sự nhịn là 9 sự lành, mà phải giải quyết triệt để. Nhịn hoài khi bị bạo lực học đường có thể dẫn tới tự tử và giết người.
- Con sẽ học từ phản ứng của mẹ, nên mẹ đừng cuống lên, nước mắt nước mũi, cũng đừng quá gồng Anh hùng rơm.
- Hãy để con nói! Khi con đang tổn thương, mẹ nói càng ít càng tốt. Lắng nghe vô điều kiện, đồng cảm vô điều kiện và tôn trọng con vô điều kiện: Ừ, buồn thật, mẹ cũng thấy tức giận/sợ hãi/buồn/bối rối…
- Đừng bao giờ đổ lỗi: “Đấy thấy chưa”, “mẹ đã nói rồi mà!”.
Hoặc là lên giọng: “Chuyện có gì đâu mà trầm trọng, ngày xưa mẹ còn bị đánh nặng hơn nhiều”. Hoặc là: “Ai chả từng bị bắt nạt, mọi người vẫn sống đó thôi!”.
- Đừng vội vàng đưa khuyên răn, rằng phải thế này hay phải thế khác.
- Quan trọng nhất là: “Con CẢM THẤY thế nào?”, chứ không chỉ là “nó đánh con mấy cái”.
- Trẻ con vốn rất ghét kẻ mách lẻo, và cũng ghét bị mang tiếng mách lẻo. Phải cho con hiểu: việc con nói ra là rất tốt, rất dũng cảm, sẽ giúp được cho con và nhiều bạn khác.
- Không trả đũa. Bạo lực sẽ leo thang không biết tới lúc nào mới ngừng và không thể kiểm soát được hậu quả. Thậm chí có thể là cái chết.
- Với bắt nạt trên mạng xã hội thì có thể bày con cách chặn, block để con không bị nhiễu bởi những đòn tào lao của bên kia nữa.
- Báo với cô giáo và nhà trường, đi đúng quy trình.
Quan trọng là phòng tránh, là làm con mạnh lên
- Luyện tập thể thao, học võ, học 1 môn năng khiếu với mục đích chính là để con tự tin hơn.
- Có nhiều bạn thân, có đồng minh mạnh.
- Có hậu phương mạnh, là mẹ chẳng hạn, mẹ luôn ủng hộ con, luôn tin con.
- Tập bình tĩnh, bình thản, tự tin, giao tiếp tốt,...
- Hiểu mình, hiểu người: đây chính là rèn luyện EQ. Để con hiểu và phân biệt được có lúc thì nên thưa cô, có lúc thì nên cãi lại... Nếu có người nghe thì hãy hô hoán, còn nếu gặp phải đứa khùng điên, dữ tợn, có hung khí, thì phải cắn răng nhịn nhục, đưa hết tiền bạc, thậm chí quỳ xuống để mà giữ mạng sống cái đã...
Và thú thật là, phải chấp nhận cả việc bạn đã dạy con rất nhiều mà cuối cùng con chẳng làm được gì sáng suốt hết.
Thực ra, rất nhiều nạn nhân của bạo lực sẽ rơi vào trạng thái đông cứng lại, không thể phản ứng, không thể suy nghĩ, không thể cảm nhận gì. Việc này do cơ chế của não bộ, chứ không phải tại con. Hãy dịu dàng với cả mẹ và con nha!
Tiêu chí là: An toàn, và An toàn Lâu Dài!
San San