(Tổ Quốc) - Hội chẩn ban đầu cho thấy tay chân của Tiểu Hải đều là các u cục tophi, kiểm tra nồng độ axit uric trong cơ thể Tiểu Hải rất cao.
Tiểu Hải (18 tuổi) là một học sinh trung học, sống tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Thói quen của Tiểu Hải là mỗi ngày một ly trà sữa, không lâu sau, cơ thể Tiểu Hải bắt đầu xuất hiện u cục màu trắng ở khớp chân tay, các khớp sưng đỏ bất thường khiến Tiểu Hải không thể đứng và đi lại.
Bác sĩ Trịnh Thiếu Linh, chủ nhiệm khoa thấp khớp, bệnh viện Guangdong No.2 People's Hospital cho biết: "Bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh gout. Khoảng 4 năm trước, bệnh nhân đã sớm xuất hiện các dấu hiệu của bệnh gout nhưng không uống thuốc theo toa. Bác sĩ đã dặn dò bệnh nhân duy trì chế độ ăn uống hợp lý và kiểm soát cân nặng, nhưng bệnh nhân không làm theo hướng dẫn và tiếp tục ăn uống vô độ khiến bệnh tình trở nặng. Hiện tại, bệnh nhân nhận thức được tình trạng của mình và hứa với bác sĩ sẽ từ bỏ trà sữa và uống thuốc theo toa".
Hội chẩn ban đầu cho thấy tay chân của Tiểu Hải đều là các u cục tophi, kiểm tra nồng độ axit uric trong máu rất cao. Sau khi điều trị làm giảm nồng độ axit uric trong máu, Tiểu Hải có thể từ từ đứng lên và đi lại, các u cục tophi trên khớp dần dần tan ra, trở nên nhỏ hơn và thậm chí biến mất.
Bác sĩ Trịnh Thiếu Linh cảnh báo: "Trà sữa là một loại đồ uống có nhiều đường, sau khi hàm lượng fructose cao đi vào cơ thể, axit uric sẽ được sản sinh trong quá trình trao đổi chất và đây chính là nguyên nhân gây ra bệnh gout".
Chuyên gia dinh dưỡng Kiệt Thụy Tắc thông tin, cách uống trà sữa tốt nhất là không thêm đường, không thêm trân châu. Trà sữa không đường, không trân châu, có 250 calo nên bạn có thể yên tâm uống và nó sẽ giúp bổ sung canxi cho cơ thể. Tuy nhiên, trà sữa trân châu thêm đường có 650 calo, nếu ngày thường bạn có thói quen uống trà sữa trân châu thêm đường, bạn sẽ có nguy cơ nghiện đường và cơ thể sẽ tăng cân vượt mức.
Bệnh gout là gì?
Bệnh gout (gút) hay còn gọi thống phong, là bệnh do rối loạn chuyển hóa nhân purin trong thận, khiến thận không thể lọc axit uric từ trong máu. Axit uric thường vô hại và được hình thành trong cơ thể, sau đó sẽ được đào thải qua nước tiểu và phân. Với người bị bệnh gout, lượng axit uric trong máu được tích tụ qua thời gian. Khi nồng độ này quá cao, những tinh thể nhỏ của axit uric được hình thành. Những tinh thể này tập trung lại ở khớp và gây viêm, sưng và đau đớn cho bệnh nhân.
Bệnh gout đặc trưng bởi những đợt viêm khớp cấp tái phát, người bệnh thường xuyên bị đau đớn đột ngột giữa đêm và sưng đỏ các khớp khi đợt viêm cấp bùng phát, đặc biệt là các khớp ở ngón chân cái, nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới các khớp khác ở chân (như đầu gối, mắt cá chân, bàn chân) và ít gặp hơn ở khớp tay (bàn tay, cổ tay, khuỷu tay), cả cột sống cũng có thể bị ảnh hưởng.
Triệu chứng bệnh Gout (gút)
Triệu chứng bệnh gout thường xảy ra đột ngột và vào ban đêm. Trong một số trường hợp, bệnh gout không có dấu hiệu ban đầu. Các biểu hiện của bệnh gút thường xuất hiện khi người bệnh đã từng mắc gout cấp tính hoặc mãn tính.
Các triệu chứng chính của bệnh bao gồm:
- Khớp đau đột ngột, dữ dội, sưng tấy.
- Khớp đau nhiều hơn khi đụng vào.
- Khớp sưng đỏ.
- Vùng xung quanh khớp ấm lên.
Hầu hết các biểu hiện của bệnh gout thường kéo dài vài giờ trong 1–2 ngày. Tuy nhiên, đối với trường hợp nặng, cơn đau có thể xảy ra trong vòng vài tuần.
Nếu người bị bệnh gout không dùng thuốc trị gout thường xuyên, các triệu chứng của bệnh sẽ nghiêm trọng hơn.
U cục tophi: bệnh này đặc trưng bởi sự tích tụ tinh thể dưới da. Thông thường, các khối này sẽ xuất hiện xung quanh ngón chân, đầu gối, ngón tay và tai. Nếu không được xử lý đúng cách thì u tophi sẽ ngày càng lớn hơn.
Tổn thương khớp: nếu người bệnh không dùng thuốc trị gout, khớp có thể bị tổn thương vĩnh viễn. Tình trạng này sẽ làm tăng nguy cơ tổn thương xương và các khớp khác.
Sỏi thận: nếu không điều trị gout đúng cách, các tinh thể acid uric không chỉ tích tụ quanh khớp mà còn tích tụ trong thận gây ra sỏi thận.
Theo Ettoday
TÚ UYÊN