(Tổ Quốc) - "Trong mối quan hệ với Lương Bích Hữu, Khánh Đơn cũng là tuýp đàn ông mất rồi mới... hoảng hốt, trống trải, tiếc nuối", Khánh Đơn nói.
Khánh Đơn - từ Đơn có trong từ "cô đơn, đơn độc" là nghệ danh mà anh lựa chọn cho mình khi lựa chọn âm nhạc là con đường chuyên nghiệp.
Nhìn chàng nam ca sĩ có làn da rám nắng, xăm trổ kín cánh tay phải, khắc dòng chữ Trung Quốc trên tay mang tính triết lý về nhân sinh: Sống chết tại số, duyên phận tại trời, giàu sang phú quý tại Ngọc Hoàng
Anh mặc chiếc quần bò rách rưới của nhà tạo mốt "cái Bang" cùng mái tóc màu rêu ngả bạc... Khánh Đơn thật ấn tượng với tôi như một "anh thu họ" thời hoàng kim, không giống một nghệ sĩ mà "bán sỉ" ca khúc đắt hàng, một thời top ten những nhạc sĩ có doanh thu nhạc chuông nhạc chờ cao nhất, luôn thức thời nhìn thấy cái mới để thích nghi và tồn tại dù đang ở đỉnh cao.
Khánh Đơn thời mới vào nghề.
Khi trò chuyện với Khánh Đơn, đằng sau cái vẻ dân chơi ấy là một tâm hồn của đứa trẻ mồ côi mẹ từ nhỏ sau một tai nạn giao thông, những ký ức về mái ấm gia đình đủ đầy rất mờ nhạt. Là bà nội – "người mẹ bất đắc dĩ" nhưng đã sưởi ấm Khánh Đơn suốt thời thơ ấu và niên thiếu. Tình cảm với bà nội như lời thơ và nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến:
Bà tôi đưa tôi ra đầu làng
Một mình bà đội cả trời nắng to
Này là gió cuốn mây trôi đưa tôi về làng
Này là bóng nắng liêu xiêu theo tôi đường làng
Làng tôi quanh co quanh co quanh co quanh co...
Tuổi thơ tự lập, bà nội là người mẹ thứ 2
Khánh Đơn sinh năm 1983, cuộc đời anh ngả sang một hướng khác khi mẹ đột ngột qua đời năm 1988, khi ấy anh mới 5 tuổi. Mẹ anh mất khi mới ngoài 20 tuổi, bố anh rơi vào cảnh góa vợ cũng ở độ tuổi ấy.
Khánh Đơn chia sẻ: "Lúc mẹ còn sống, gia đình sống ở nhà ngoại trên Sài Gòn. Khi ấy ba mẹ mới có Đơn, chưa có em. Mẹ đi đột ngột quá, Khánh Đơn được bà nội nhận về Biên Hòa, Đồng Nai nuôi. Từ cậu bé Sài Thành trở thành công dân Đồng Nai cũng từ biến cố đó".
Mẹ mất khi bé Khánh Đơn mới 5 tuổi, chụp ảnh ở đám tang cười và chạy nhảy mà đâu biết rằng từ giây phút ấy, vĩnh viễn mất đi mái ấm gia đình có mẹ, có ba. Đơn vẫn nhớ lúc mọi người đem quần áo mẹ ra mộ đốt, Đơn thấy lạ, thắc mắc: "Trời ơi, các bác đốt quần áo của mẹ con, mẹ con chui ở mộ lên lấy gì mà mặc?"
Trở về Đồng Nai sống với bà nội, mỗi lần bố về thăm nhà, Khánh Đơn thấy ấm lòng đến lạ, thấy hạnh phúc đến lạ dù giây phút bố về cũng ngắn ngủi, không đủ lâu để sưởi ấm trái tim đứa con nhỏ mồ côi. Khánh Đơn được bà nội yêu thương, từ nhỏ đến lớn phụ bà từ nấu ăn, rửa bát, quét nhà, gom rau cho bà ra chợ bán.
Sự tự lập của Khánh Đơn từ sớm đã đưa anh "thoát ly" khỏi ý nghĩ: "Mình từng có một mái ấm gia đình, có ba mẹ, có cuộc sống ở Sài Gòn".
Sau này lớn lên, giây phút chạnh lòng cũng hiếm hoi vì đã quen với cảnh sống cùng bà nội, quen với cảnh mồ côi, quen với cảnh mong một chuyến về thăm nhà của bố... nên dần dần, Khánh Đơn không còn nghĩ: Nếu như mẹ còn sống, cuộc sống của mình sẽ thế nào? Sau này bố Khánh Đơn đi bước nữa và có thêm 2 em: một trai, một gái.
Với Khánh Đơn, mẹ kế là người phụ nữ hiền lành, dễ thương và có tâm lành. Bà coi Khánh Đơn như con ruột, vì thế tình cảm của Khánh Đơn với 2 người em cùng cha khác mẹ rất tốt.
Thời thơ ấu sống cùng bà nội, Khánh Đơn có một niềm vui là được nghe nhạc từ chiếc đài mà bà nội được các con đi lao động nước ngoài mua tặng. Ngày đó, cứ mỗi dịp sinh nhật, được các cô chú bên nội tặng chiếc băng có các ca khúc, đó là món quà tinh thần vô cùng lớn lao với một đứa trẻ.
Hình ảnh của Khánh Đơn hiện tại.
Âm nhạc ngấm vào Khánh Đơn hay Khánh Đơn ngấm âm nhạc, dù là chủ thể hay khách thể thì việc hôm nay có một nhạc sĩ, ca sĩ Khánh Đơn với những ca khúc được yêu thích: Mặc kệ người ta nói, Sóng gió đời em, Đau rồi sẽ buông, Gặp đúng người sai thời điểm... như một minh chứng rằng: Ai rồi cũng khác! Kể cả một đứa trẻ mà một chặng đường đẹp đẽ của tuổi thơ không được sống trong tình cảm yêu thương của người mẹ.
Bước ngoặt Khánh Đơn đến với âm nhạc giống như câu chuyện trong cổ tích về một chú bé nghèo, mồ côi, ham học... gặp được quý nhân. Khánh Đơn tự đạp xe đến nhà văn hóa thiếu nhi Đồng Nai để ngắm nhìn các bạn đang tập văn nghệ.
Một lần Khánh Đơn gặp cô phó giám đốc nhà văn hóa thanh niên và được cô dắt tay vào học cùng các bạn, cô nói: "Nếu con yêu thích văn nghệ, cô sẽ giới thiệu con vô, học miễn phí mà".
Thế là từ lớp 6 đến lớp 12, Khánh Đơn cùng các bạn ở nhà văn hóa Đồng Nai biểu diễn chuyên nghiệp trên các sân khấu, sự cọ xát ấy chính là chất xúc tác cho Khánh Đơn thi vào Đại học sân khấu Điện ảnh.
Nhưng chỉ học được một năm thì Khánh Đơn bỏ ngang sau khi lập nhóm nhạc và gặp nhạc sĩ Đỗ Quang. Cứ ngỡ cánh cửa cổ tích sẽ mở ra với "cậu bé lọ lem" nhưng cuộc sống vốn dĩ không dễ dàng, với một đứa trẻ mồ côi mẹ từ khi 5 tuổi, gia đình điều kiện kinh tế eo hẹp, tự lập là lựa chọn duy nhất thì tương lai luôn là một trò đánh cược mới mẻ.
"Vụt sáng" sau một đêm thất nghiệp bơ vơ!
Khi đang học năm thứ nhất đại học, Khánh Đơn nghĩ mình chỉ theo con đường là ca sĩ thôi, chẳng bao giờ nghĩ có thể trở thành nhạc sĩ. Anh cũng tranh thủ làm thêm ở tiệm áo cưới để dành dụm tiền làm album đầu tiên.
Lúc ấy, Khánh Đơn cùng hai người bạn thành lập nhóm nhạc, đi hát quán bar, phòng trà, tiệc cưới... tại môi trường ca hát này, Khánh Đơn quen nhạc sĩ Đỗ Quang. Trong nhóm nhạc 3 người ấy, nhạc sĩ Đỗ Quang "chấm" Khánh Đơn để làm album đầu tay cho anh và định hướng quảng bá cho anh thành một ca sĩ chuyên nghiệp.
Anh cũng bỏ học sớm vì giấc mơ làm ca sĩ chuyên nghiệp lại cháy lên cùng bao ý nghĩ đẹp đẽ về hào quang sân khấu.
Khánh Đơn nhớ lại: "Ngay khi gặp Đơn, anh Quang đã cảm nhận Đơn là một chàng thanh niên "một mình". Vì thế nghệ danh anh Đỗ Quang đặt cho Đơn là Nguyễn Cô Đơn trong album đầu tay: Cô đơn giữa nhân gian".
Nhạc sĩ Đỗ Quang không may qua đời, album của Khánh Đơn cũng thất bại vì không còn một nghệ sĩ uy tín và tên tuổi song hành quản lý. Lúc này Khánh Đơn lại... lỡ hẹn với âm nhạc và quay vào ô thất nghiệp. Nằm buồn bã ở nhà, Khánh Đơn bỗng ngồi dậy viết nhạc chơi chơi cho đỡ buồn rồi cho ca sĩ Trí Hải hát.
Không ngờ ca khúc: "Mặc kệ người ta nói" trở thành ca khúc hit đình đám khiến Khánh Đơn trở thành chàng chàng nhạc sĩ "bán sỉ" ca khúc uy tín lúc bấy giờ cùng với lượng đặt hàng ồ ạt, sáng tác mệt nghỉ. Còn Trí Hải thì chạy show một tháng đủ ba mươi ngày.
Một ca khúc "cứu" sự nghiệp của hai người, vụt sáng trở thành hiện tượng nhạc sĩ, ca sĩ được yêu mến lúc bấy giờ. Sau này Trí Hải mất, Khánh Đơn cũng mất đi một mối duyên lành trong sự nghiệp âm nhạc của mình. Hồi đó, ngồi quán cà phê nào cũng thấy mở ca khúc ấy, đời vui làm sao!
Khánh Đơn bộc bạch: "Có khách đặt mua 30 ca khúc của Khánh Đơn, với đơn giá 5 triệu – 10 triệu mỗi bài. Còn nhạc chuông nhạc chờ thì có thời điểm được ba bốn trăm triệu/tháng. Bây giờ là tiền tác quyền âm nhạc cũng được một vài trăm triệu".
Từ cú hích kinh điển ấy, Khánh Đơn đã có tiềm lực kinh tế ổn định, mua nhà, vài miếng đất, mua xe... cùng bản tính thức thời, Khánh Đơn hiện tại tập trung xây dựng phim kiểu web drama, phát triển kênh youtube với hàng chục triệu view, doanh thu đều đều mỗi tháng cũng vài trăm triệu đồng, dịch bệnh giảm 60% doanh thu nhưng không phải mang nợ và vẫn sống khỏe với 40% doanh thu còn lại.
Day dứt, có lỗi với mẹ con Lương Bích Hữu
Khánh Đơn và vợ cũ quen nhau khi cả hai còn rất trẻ. Mới ngoài hai mươi tuổi. Sau 5,6 năm quen nhau, thấy bạn bè trong nhóm tổ chức đám cưới, Khánh Đơn cũng nghĩ đến một mái ấm gia đình.
Nhưng càng gần đến hôn nhân, càng khắc khẩu và bất hòa dữ dội. Đến mức trước đám cưới một ngày còn tính hủy hôn vì cãi nhau đến mức muốn nổ tung vì cả hai đều nóng tính. Vợ cũ lại đang mang bầu và khắc khẩu không thể dừng lại.
Khánh Đơn nhớ lại: "Lúc ấy không thể hủy hôn vì đứa con trong bụng và những khách mời đã mời. Cứ nghĩ cố gắng rồi sẽ hạnh phúc trở lại nhưng sau đám cưới ba tháng là... đường ai nấy đi".
Điều kỳ cục của cuộc hôn nhân này là Khánh Đơn không thể ở được với vợ cũ nhưng sau khi ly hôn thì bố vợ lại vô ở hẳn với Khánh Đơn để chăm sóc cháu nội.
Có lẽ do bố vợ cũng giống Khánh Đơn, hoàn cảnh cũng ly hôn nên hiểu nỗi khổ của người đàn ông tan vỡ quá nhanh và không kịp làm gì để mái ấm bớt chênh vênh... bởi vì cuộc hôn nhân đầu tiên của Khánh Đơn, ngay từ đầu người trong cuộc đã hoài nghi về nó, thì hạnh phúc thật xa xỉ biết chừng nào.
Bố vợ đầu tiên của Khánh Đơn sống cùng Khánh Đơn đến khi anh và người vợ thứ ba kết hôn được 2 năm, ông mới tạm biệt gia đình để về Quảng Ninh sống khi con trai anh đã 9 tuổi.
Những lúc rảnh ông lại bay vô sống cùng vợ chồng mới của con rể cũ, hòa hợp và chưa từng có sự chênh vênh nào. Gia đình tưởng chừng phức tạp khi không chỉ có mẹ kế, con riêng của chồng, còn có cả bố vợ cũ của Khánh Đơn! Ấy vậy mà họ vẫn sống hòa hợp trong một mái nhà, đến lúc chia tay nhau thì đầy quyến luyến.
Khi có chung một tình yêu thương là đứa trẻ trong hoàn cảnh thiếu vắng tình cảm đầy đủ của bố mẹ, người lớn có chung một ý nghĩ về bù đắp, yêu thương thì những khác biệt khác đều có thể dung hòa và nhường chỗ cho sự tử tế được dung dưỡng thầm lặng, theo cái cách không ngờ nhất! Như cậu con riêng của Khánh Đơn đã tự nguyện gọi người vợ thứ ba của Khánh Đơn là: Mẹ.
Như việc người cha của vợ cũ có thể ăn cùng mâm, ở cùng nhà với vợ chồng con rể mà cơm lành canh ngọt 2 năm trời...
Vợ đầu của Khánh Đơn đã ra nước ngoài sống và kết hôn, người phụ nữ đó vẫn quan tâm và yêu quý đứa con chung của hai người. Thậm chí cô ấy còn đề nghị Khánh Đơn được "chuyển khoản" để nuôi con chung của hai người. Nhưng Khánh Đơn nói vợ cũ không cần gửi tiền nuôi con, anh lo được. Chỉ cần cho con tình cảm, mua quà cho con là được rồi.
Sau một năm chia tay vợ cũ, Khánh Đơn gặp Lương Bích Hữu và khi nhắc đến Lương Bích Hữu, Khánh Đơn có vẻ e thẹn, ngại ngùng như chạm phải một vết thương sưng tấy đến mức... suýt khóc.
Phải mất một vài phút sau, Khánh Đơn mới nói ra được sự thổn thức của mình: "Hình như đàn ông giống nhau, đến khi thực sự mất đi rồi mới thấy quý thứ mình có. Trong mối quan hệ với Lương Bích Hữu, Khánh Đơn cũng là tuýp đàn ông mất rồi mới... hoảng hốt, trống trải, tiếc nuối.
Ngày đó Lương Bích Hữu vẫn để đồ đạc ở Việt Nam, hai đứa ở chung nhà mà. Cho đến một ngày Hữu cho người lặng lẽ đến dọn đi tất cả. Khánh Đơn lại đánh mất mái ấm gia đình thêm lần nữa".
Khánh Đơn chỉ gặp con chung với Lương Bích Hữu một lần duy nhất qua tấm ảnh Hữu gửi khi đầy tháng con. Sau ngày đó, là sự cắt đứt. Lỗi lầm lớn nhất là ở Khánh Đơn. Ngày đó rất ham nhậu, một tuần chắc nhậu đủ 7 bữa, trong khi Hữu sinh con ở nước ngoài vất vả một mình.
Khánh Đơn vô tâm lắm, không hỏi han, cứ nghĩ là của mình rồi thì mất làm sao được nên cũng không lo gìn giữ và chăm sóc, yêu thương. Lương Bích Hữu lại thuộc tuýp người kín đáo, dễ tổn thương và chính điều ấy nơi Hữu khiến Khánh Đơn luôn day dứt vô cùng mỗi khi nghĩ đến.
Cuộc hôn nhân thứ ba, với Huỳnh Như, người phụ nữ kém Khánh Đơn 11 tuổi. Có sự cảm thông, chấp nhận từ hai phía. Khánh Đơn đã rút chuyện ăn nhậu từ một tuần 7 bữa xuống còn 2 bữa, từ việc ngủ đến 12h trưa mới dậy thì 6h sáng dậy cho con đi ăn sáng và đưa con đi học.
Dù đàn ông kiếm được nhiều tiền hay ít tiền, thì việc chia sẻ cùng vợ những nhọc nhằn vất vả trong công việc gia đình, chính là cách để Khánh Đơn nắm tay Huỳnh Như trong cuộc hôn nhân thứ ba mà không sợ cô đơn hay đứt gãy giữa chừng xuân nữa...
Lý Thu Thủy