(Tổ Quốc) - Theo đại diện khách sạn Norfolk (TP.HCM), đã có 3 người nước ngoài cách ly tại đây cần nhập viện nhưng khi liên hệ Bệnh viện FV, họ lại sợ khách không có tiền chi trả khiến việc cấp cứu tốn rất nhiều thời gian.
Sáng 30/4, TP.HCM đã tiến hành kiểm tra đột xuất hàng loạt các khách sạn là cơ sở cách ly phòng chống COVID-19 trên địa bàn, trong bối cảnh TP vừa phát hiện một trường hợp nhiễm bệnh mới.
TP.HCM kiểm tra đột xuất khu cách ly trong khách sạn
Phó Chủ tịch TP.HCM Dương Anh Đức trực tiếp dẫn đầu một đoàn đến kiểm tra 2 địa điểm ngay ở trung tâm quận 1 (TP.HCM) là khách sạn Norfolk (đường Lê Thánh Tôn) và khách sạn Blue Diamond (đường Thái Văn Lung).
Khách sạn Norfolk là một trong những đơn vị đầu tiên trong 41 khách sạn được giao nhiệm vụ cách ly tại TP.HCM. Hiện đang có 84 người từ nước ngoài trở về được cách ly theo dạng có thu phí.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, mỗi ngày các nhân viên tại trạm y tế địa phương đều đến để đo nhiệt độ của khách lưu trú tại khách sạn.
Trung tâm Y tế Quận 1 cũng phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) kiểm tra mỗi tuần/lần.
"Chúng tôi liên tục nhắc để anh em lúc nào cũng phải cảnh giác nguy cơ dịch bệnh luôn chực chờ" – lãnh đạo Sở Y tế nói.
Về tình hình tiêm ngừa, anh Nguyễn Minh Luân, quản lý khách sạn Norfolk (quận 1) chia sẻ, có khoảng 200 người làm nhiệm vụ trong khu cách ly nơi đây đã tiêm mũi vắc xin COVID-19 đầu tiên. Hiện chỉ còn 4 người chưa tiêm vì lý do sức khỏe.
Phó Chủ tịch Dương Anh Đức chỉ đạo ban quản lý khách sạn phải thực hiện nghiêm túc việc này. Nếu ai ngại tiêm, không đồng ý tiêm thì loại ra khỏi hoạt động trong khu cách ly.
Khó khăn trong việc cấp cứu người nước ngoài cách ly
Chia sẻ về khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ cách ly, quản lý khách sạn Norfolk cho biết nơi đây rất trăn trở trong vấn đề cấp cứu cho khách nước ngoài gặp bất thường sức khỏe.
Theo đại diện khách sạn, từ khi tiến hành hoạt động cách ly đến nay đã có 4 trường hợp khách cần phải nhập viện vì bị đau dạ dày, cao huyết áp, bị tai nạn và bị đông máu. Trong đó có 3 người nước ngoài, 1 người Việt.
Với khách Việt, khi báo cho cơ quan y tế công thì được cử bác sĩ mặc đồ bảo hộ đến khách sạn ngay, trực tiếp cấp cứu rất nhanh.
Nhưng các trường hợp người nước ngoài lại gặp nhiều bất lợi.
"Chúng tôi liên hệ Bệnh viện (BV) Quận 1 thì được nơi đây cho biết không có chức năng cấp cứu cho người nước ngoài.
Sau đó khách sạn phải gọi cho BV FV (quận 7) nhưng họ lại rất khó khăn vì sợ khách không có khả năng chi trả. Thứ hai là họ cần phải có HCDC gọi bảo lãnh, xác nhận người cần cấp cứu là khách đang cách ly nên thủ tục lằng nhằng.
Chúng tôi rất sợ, lỡ chẳng may cần cấp cứu về các bệnh tim mạch hay đột quỵ mà tốn thời gian như vậy thì sẽ rất nguy hiểm, có thể khách sẽ tử vong trong khu cách ly" – anh Luân nói.
Cũng theo quản lý khách sạn Norfolk, sau khi BV FV chịu tiếp nhận bệnh nhân thì mất khoảng 40 phút đến 1 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên BV này lại không đồng ý điều xe cấp cứu đến mà yêu cầu khách sạn tự chủ động thuê xe ngoài.
Do đó khi đưa bệnh nhân đi, phía khách sạn phải gọi nhờ xe cấp cứu của Trung tâm Y tế quận 1 còn khi khách điều trị xong thì phải thuê xe của đơn vị vận chuyển ở sân bay Tân Sơn Nhất để đưa khách về.
"Đa số khách của chúng tôi là chuyên gia nước ngoài. Chúng tôi nói rõ với họ là điều trị ở FV chi phí sẽ rất mắc và họ đều nhanh chóng đồng ý thanh toán. Tuy nhiên BV thì luôn sợ và phải yêu cầu chúng tôi cam kết khách trả đủ tiền, khách có thẻ ngân hàng thì họ mới đồng ý" – phía khách sạn nói thêm.
Từ thực tế trên, phía khách sạn đề xuất UBND TP và Sở Y tế TP.HCM có quy trình hướng dẫn cụ thể, giải pháp để hỗ trợ trong việc cấp cứu người nước ngoài cách ly trong khách sạn.
Phải lắp camera thấy tất cả các cửa phòng
Báo cáo với Phó Chủ tich TP, đại diện HCDC cho biết đã có triển khai, hướng dẫn khách sạn trong công tác giám sát, chăm sóc sức khỏe cho khách cách ly.
Trong đó việc giám sát qua camera là bắt buộc và camera phải nhìn thấy tất cả các cửa phòng. Các khách sạn hiện đã lưu hình của khách ra vào trong 28 ngày.
Về vấn đề này, lãnh đạo TP đề xuất nâng mức lưu giữ dữ liệu camera lên 2-3 tháng.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết sau khi hoàn thành cách ly tại khách sạn, khách sẽ tiếp tục cách ly tại nhà 14 ngày.
Ngành y tế đã xây dựng quy trình cách ly chặt chẽ. Mỗi khách được lấy địa chỉ nhà, biển số xe cụ thể để quản lý chặt chẽ.
Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cho biết, hoạt động kiểm tra đột xuất các cơ sở cách ly là kế hoạch từ trước.
Dù vậy, việc phát hiện một ca bệnh ở quận Bình Tân nhiễm COVID-19 (BN2910), là F1 của ca bệnh ở Hà Nam cũng là lý do để TP.HCM kiểm tra quyết liệt hơn.
TP cũng đã kích hoạt hệ thống phòng chống dịch lên mức cao nhất.
"Hôm nay, TP.HCM chia làm 3 đoàn để kiểm tra tất cả các địa điểm cách ly ở khách sạn. Những ngày sắp tới sẽ tiếp tục kiểm tra các đơn vị và đối tượng khác, đặc biệt là các khu vực nguy cơ cao.
Ngoài ra, TP cũng ban hành một số văn bản chỉ đạo cụ thể cho các ngành giáo dục, y tế để làm sao đảm bảo an toàn nhất cho người dân" – ông Dương Anh Đức nói.
Hoàng Lê