(Tổ Quốc) - Theo nghiên cứu mới nhất, trẻ xem ipad và smartphone quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến não bộ và hành vi của trẻ trong tương lai.
Trong thời đại công nghệ 4.0, điện thoại thông minh, máy tính bảng là món đồ vật bất ly thân của rất nhiều người, và nó hiện hữu trong hầu hết mọi gia đình trên thế giới. Không chỉ người lớn nghiện sử dụng thiết bị công nghệ thông minh mà ngay cả trẻ em, thậm chí là trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi cũng rất thích được xem điện thoại và máy tính bảng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng cho trẻ nhìn vào màn hình smart phone quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến não bộ và hành vi của trẻ trong tương lai.
Một nghiên cứu mới được các nhà khoa học đến từ Bệnh viện Nhi Cincinnati (Mỹ) đã thực hiện quét não của trẻ từ 3 đến 5 tuổi và cho chúng làm các bài kiểm tra nhận thức. Cha mẹ của những đứa trẻ này cũng được tham gia để trả lời các câu hỏi về việc trẻ thường xem điện thoại, Ipad trong khoảng thời gian bao lâu, nội dung mà chúng xem là gì và có người lớn ngồi bên cạnh để kiểm tra và nói về những gì chúng đang xem hay không.
Dữ liệu của cuộc nghiên cứu cho thấy hầu hết các bé nhỏ đều được phép sử dụng các thiết bị công nghệ từ 2 đến 5 giờ mỗi ngày. Còn kết quả chụp cộng hưởng từ (MRIs) cho thấy những đứa trẻ sử dụng điện thoại, Ipad nhiều hơn một giờ mỗi ngày mà không có sự giám sát của cha mẹ có mức độ phát triển chất trắng của não thấp.
Xem điện thoại và Ipad nhiều sẽ ảnh hưởng đến não của trẻ như thế nào?
Chất trắng là được ví như một mạng lưới truyền thông nội bộ của bộ não, cho phép các tín hiệu điện di chuyển từ vùng này sang vùng khác mà không bị gián đoán. Tính toàn vẹn của cấu trúc đó, các sợi thần kinh và vỏ bọc myelin được tổ chức và phát triển như thế nào đều có liên quan đến khả năng nhận thức - chìa khóa của sự phát triển ngôn ngữ cũng như khả năng đọc viết của trẻ. Nếu chất trắng thiếu tổ chức và kém phát triển, nó có thể làm chậm tốc độ xử lý của bộ não.
Bộ não của một đứa trẻ phát triển rất nhanh trong 5 năm đầu tiên. Chúng hấp thụ mọi thứ rồi hình thành nên những liên kết mạnh mẽ tồn tại suốt đời. Xem điện thoại, Ipad là một phần của quá trình tạo liên kết này nhưng không nên để nó là trải nghiệm chính trong tuổi thơ của trẻ. Tiến sĩ John Hutton, một bác sĩ nhi khoa và nhà nghiên cứu lâm sàng tại Bệnh viện Nhi Khoa Cincinnati nói: "Điều này rất quan trọng vì bộ não của một đứa trẻ phát triển nhanh nhất trong 5 năm đầu tiên. Bởi đó là thời điểm mà bộ não rất dẻo và hấp thụ mọi thứ, hình thành nên những kết nối mạnh mẽ tồn tại lâu dài này".
Dựa trên kết quả của nghiên cứu, Tiến sĩ John ra lời cảnh báo rằng nếu cha mẹ cho con xem điện thoại và Ipad quá nhiều sẽ khiến trí não của trẻ chậm phát triển, đặc biệt là khả năng đọc viết, khả năng giao tiếp và khả năng nhận thức. "Việc dành thời gian cho điện thoại quá nhiều đã khiến trẻ em không có cơ hội trải nghiệm nhiều thứ khác - thứ giúp chúng xây dựng các mạng lưới chất trắng trong não một cách mạnh mẽ", tiến sĩ John cho biết thêm. "Bởi các tương tác xã hội như nói chuyện, chơi đùa rất quan trọng trong việc phát triển tư duy, giải quyết vấn đề và các kỹ năng điều hành khác ở trẻ. Các hoạt động như đọc truyện, ca hát, nhảy múa, chơi ở ngoài trời sẽ củng cố phát triển tổ chức các kết nối trong não của con bạn".
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo cha mẹ nếu cho trẻ xem TV quá nhiều cũng khiến trẻ bất lực trong việc chú ý và suy nghĩ rõ ràng, đồng thời trẻ sẽ có thói quen ăn uống không lành mạnh.
Vậy cha mẹ nên quản lý thời gian xem ti vi, điện thoại, Ipad của con như thế nào cho hợp lý?
Theo Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ thì tốt nhất cha mẹ không cho em bé dưới 18 tháng tuổi tiếp xúc với các thiết bị điện tử thông minh như ti vi, điện thoại, máy tính bảng, ngoại trừ cuộc gọi video với bạn bè và người thân. Ở độ tuổi này, đứa trẻ cần được phải tương tác với người chăm sóc và khám phá mọi thứ xung quanh. Các nhà nghiên cứu khuyên rằng ngay cả việc bật ti vi trong cùng phòng với em bé, dù bé không xem nhưng cũng ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng chơi và tương tác của chúng.
Khi bé tròn 2 tuổi, cha mẹ có thể cho con xem một vài chương trình giáo dục bổ ích, nhưng dưới sự giám sát của cha mẹ và chỉ được xem trong khoảng thời gian 30 phút.
Trẻ em từ 3 đến 5 tuổi được phép xem các chương trình có tính giáo dục cao nhằm cải thiện khả năng nhận thức, giúp trẻ học thêm từ mới và tác động đến sự phát triển xã hội của chúng. Song thời gian nhìn vào màn hình cũng chỉ giới hạn trong khoảng 1 giờ đồng hồ.
Và nếu có thể, cha mẹ hãy dành thời gian cùng ngồi xem với con để bạn quản lý được những gì con xem có phù hợp hay không, đồng thời tương tác với con bằng cách giúp trẻ áp dụng bài học vào trong thực tế. Song tốt nhất, vẫn là cha mẹ nên nói chuyện, chơi đùa và cùng con ra ngoài trời vận động.
Nguồn: Parents, CNN
T. Nghĩa