(Tổ Quốc) - Nhiều người cho rằng không có chuyện răng mọc ở vòm họng được vì chưa bao giờ thấy răng "đi lạc chỗ" đến thế. Sự thật được chia sẻ từ chuyên gia sẽ khiến bạn nhìn nhận lại.
Clip kéo răng lạc chỗ "cắm chốt" ở vòm họng về đúng khoảng trống của hàm: Chuyện thật cứ tưởng đùa!
Mới đây, trên Tiktok đang truyền tay nhau clip quay cận cảnh một chiếc răng mọc trong vòm họng được "đeo đầy đủ trang thiết bị" với mục đích... kéo ra bên ngoài khoảng trống nằm ở hàm răng bên trên. Clip khiến nhiều người xôn xao bình luận về chuyện thật giả khả năng nắn chỉnh răng từ vị trí này.
Clip chia sẻ cách xử lý răng mọc thừa bằng cách kéo răng về vị trí mong muốn.
Nhiều người cho rằng không có chuyện răng mọc ở vòm họng được vì chưa bao giờ thấy răng "đi lạc chỗ" đến thế. Cùng lắm, chỉ có răng khôn mọc ngay dưới những chiếc răng vĩnh viễn bình thường và giải pháp cuối cùng là nhổ bỏ. Do đó không có chuyện răng thừa nằm ở vòm họng được nắn chỉnh cho vào đúng vị trí của hàm. Nhiều người lại cho rằng, đây là một phương pháp thẩm mỹ răng, tương tự như niềng răng. Bởi lẽ, dụng cụ lắp vào chiếc răng này khá giống với hàm răng được niềng bên ngoài của khổ chủ. Nhưng nhiều người cũng đặt ra nghi vấn làm thế nào mà phương pháp niềng răng thông thường có thể kéo chiếc răng kia về đúng vị trí khoảng trống?
Vậy, thực hư của đoạn clip trên là gì? Có thực hay không chuyện răng mọc ở vòm họng? Và người ta đang dùng phương pháp gì để kéo răng về đúng vị trí khoảng trống của hàm trên? Hay đó chỉ là trò đùa vui trên mạng để kích thích tính hiếu kỳ của mọi người mà thôi?
Kéo răng lạc chỗ về khoảng trống của hàm răng - Phương pháp nắn chỉnh răng rất phổ biến trong nha khoa
Theo BS Đỗ Ngọc Đức (Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương), thực chất nội dung đoạn clip trên là nắn chỉnh răng mọc ở vòm họng về vị trí trống ở hàm. Trong trường hợp răng mọc ở vòm họng kiểu này, người ta sẽ không nhổ răng mà tiến hành nắn chỉnh răng để đưa răng về vị trí trống trên hàm răng.
Để thực hiện nắn chỉnh răng, để răng mọc ở vòm họng về đúng vị trí khoảng trống mong muốn, nha sĩ sẽ sử dụng đồ chuyên dụng để kéo răng. Thông thường sẽ mất khoảng 1-2 năm để răng ở vòm họng về đúng vị trí trên hàm.
Nói chung, những chiếc răng dư thừa mọc ở vị trí như vòm họng rất hiếm gặp. Khi phát hiện mình có răng thừa, bạn có thể sẽ vô cùng hoảng sợ và thường nhanh chóng tìm đến các bác sĩ chuyên nha khoa để nhổ bỏ chúng.
Tuy nhiên, chuyên gia nhận định, có nhổ được hay không thì người bệnh cần đến gặp bác sĩ. Bác sĩ sẽ tiến hành khám, chụp phim nghiên cứu trước. Nếu là răng thừa dị dạng thì mới có thể nhổ bỏ. Việc nhổ răng thừa hay không phụ thuộc hoàn toàn vào tình trạng răng miệng của người bệnh.
Nha sĩ chỉ tiến hành nhổ bỏ nếu răng thừa gây biến chứng như gây sâu răng, tụt lợi khiến bạn bị ê buốt răng, rất khó vệ sinh răng miệng, ảnh hưởng đến phát âm, đau nhức, viêm xoang, tạo nang, ảnh hưởng đến các răng khác... mới được chỉ định nhổ bỏ. Ngoài ra, tuyệt đối không được tự ý nhổ răng thừa vì có thể ảnh hưởng không nhỏ đến những răng kề cận nó.
Nhiều người có thể không tin chuyện răng mọc ở vòm họng nhưng thực chất đây là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra đối với những chiếc răng lạc chỗ. Răng lạc chỗ thực chất là răng được phát triển hoàn chỉnh nên sẽ giống răng thật. Thông thường sẽ gặp nhiều răng lạc chỗ là răng vĩnh viễn hơn là răng sữa.
Răng lạc chỗ có thể lộ ra ở trong miệng khiến bạn phát hiện ra. Nhưng cũng có trường hợp bạn không hề biết có răng lạc chỗ, chỉ khi tình cờ đi chụp film hay khi khám, nha sĩ phát hiện ra thì bạn mới biết mình rơi vào tình trạng này. Ở trẻ em, bố mẹ thấy mãi răng con chưa thay hoặc răng sữa rụng rồi nhưng không thấy răng mới mọc lên. Răng lạc chỗ có thể mọc ra hoặc không cũng có thể gây biến chứng hoặc không gây biến chứng.
Để phát hiện mình có răng lạc chỗ hay không, giới chuyên gia nhận định, đôi khi phát hiện rất dễ nếu như răng mọc ra không đúng vị trí của nó trên cung hàm hay bạn có răng khểnh. Ngoài ra, không dễ dàng phát hiện răng lạc chỗ. Bạn có thể để ý đến các dấu hiệu như bị đau nhức vùng trán, hốc mắt hoặc vùng má ở một bên mặt, ngạt mũi, tắc mũi, chảy mũi mủ... Hoặc bạn bị thiếu răng. Hoặc chụp film xquang hoặc chụp film CT Scanner thấy có răng ở vị trí bất thường... Từ đó mới tiến hành khám nha khoa để có hướng xử lý đúng đắn.
TH