(Tổ Quốc) - Bố mẹ đừng chủ quan với những vết cào, cắn của chó mèo, nó không chỉ gây ra bệnh dại mà còn tiềm ẩn những căn bệnh liên quan tới virus từ bọ chét, rận.
Chó mèo rất dễ thương nhưng bố mẹ không được bất cẩn khi để trẻ chơi đùa cùng. Ngoài những tai nạn thường thấy như trẻ bị chó mèo cắn còn có những căn bệnh liên quan tới bọ chét, bố mẹ nhất định cần chú ý.
Một bé gái giấu tên sống ở Trịnh Châu, Trung Quốc năm nay 11 tuổi nhưng chỉ số IQ ngang bằng với trẻ 3 tuổi, khả năng vận động kém. Một số người phỏng đoán rằng, có lẽ cô bé bẩm sinh bị thiểu năng trí tuệ nhưng khi tìm hiểu nguyên nhân, hóa ra lại có liên quan tới một căn bệnh mắc phải khi còn nhỏ.
Khi mới sinh ra, cô bé này rất dễ thương và khỏe mạnh. Thế nhưng không may vào năm 1 tuổi, cô bé bị viêm não, từ đó cơ thể trở nên ốm yếu, não bộ không thể phát triển bình thường. Bệnh viêm não tái phát khi cô bé lên 2 tuổi, 7 tuổi thường xảy ra những cơn động kinh và đến năm 11 tuổi, IQ chỉ ngang với trẻ 3 tuổi.
Năm nay, những cơn động kinh tiếp tục xảy ra. Tuy nhiên, khác với những triệu chứng của bệnh động kinh, cô bé còn xuất hiện thêm tình trạng tay chân yếu, mắt nhìn không rõ, thậm chí còn có lúc ngất xỉu.
Bé gái nhanh chóng được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Sau khi nắm rõ được tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ hội chẩn tìm ra nguyên nhân thực sự gây bệnh.
Sau khi được bố mẹ đồng ý cùng với nỗ lực không ngừng của các bác sĩ, cuối cùng nguyên nhân căn bệnh đã được tìm ra. Cô bé mắc một căn bệnh có tên "nhiễm khuẩn Rickettsia felis". Theo lời bác sĩ, bệnh này gây ra bởi bọ chét của chó mèo, nó sẽ gây tổn thương hệ thần kinh, da mẩn đỏ, sốt, mức độ rất nghiêm trọng.
Bố mẹ của cô bé thừa nhận vào năm con gái mình 1 tuổi từng bị mèo cắn nhưng lúc đó không có triệu chứng gì nên gia đình không để ý. Mọi người không ngờ cô bé bị bệnh từ đó và dẫn tới hậu quả nghiêm trọng như vậy.
Bệnh Rickettsia felis nguy hiểm như thế nào?
Rickettsia felis là một prokaryote (sinh vật nhân sơ) gram âm ký sinh bắt buộc trong tế bào. Bọ chét mèo là vật trung gian truyền bệnh chính nên nó còn có tên là "Cat Rickettsia" hoặc sốt đốm do bọ chét gây ra. Các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhiễm trùng này bao gồm sốt, mệt mỏi, nhức đầu, phát ban, nổi mẩn đỏ.
Rickettsia felis được xem là sinh vật gây ra nhiều bệnh ở châu Phi, được xếp vào loại sốt không rõ nguồn gốc.
Ngày 29/1/2020, khoa Thần kinh tại Bệnh viện trực thuộc Trường Cao đẳng Y tế Tế Ninh, Trung Quốc từng tiếp nhận một bệnh nhân bị viêm não nặng do nhiễm trùng Rickettsia felis ở mèo.
Hiện tại, có rất ít báo cáo về các biến chứng nghiêm trọng hoặc tử vong do nhiễm trùng Rickettsia felis ở mèo gây ra.
Khi bị thú cưng cắn cần xử lý như thế nào?
Khi đùa giỡn với chó mèo không thể tránh được có những lúc bị chúng cào, đặc biệt là trẻ nhỏ. Bố mẹ cần biết rằng, chó mèo ngoài việc tiềm ẩn virus dại, nếu không giữ vệ sinh, bọ chét, rận rất dễ sống ký sinh trên da. Những loài sống ký sinh này có thể gây ra những căn bệnh nguy hiểm chết người. Nếu chẳng may trẻ bị chó mèo cắn, bố mẹ cần xử lý như sau:
- Rửa và làm sạch vết thương
Sau khi bị chó mèo cắn hoặc cào, cần rửa sạch vết cắn bằng nước xà phòng hoặc chất tẩy có tính kiềm yếu, để nước chảy liên tục vào vết thương trong 15 phút rồi thấm khô bằng gạc sạch. Để đảm bảo hiệu quả nhất, sau cùng rửa lại vết thương bằng nước muối một lần nữa tránh chất tẩy còn sót lại.
- Nặn máu nhiễm trùng ra ngoài
Nặn sạch máu khu vực bị cắn để vi khuẩn không bám vào vết thương. Lưu ý, không bao giờ được dùng miệng để hút máu vết thương. Nếu trường hợp bị cắn nghiêm trọng, cần đến bệnh viện khám và xử lý vết thương.
- Tiêm phòng dại
Khi bị bệnh dại tấn công, tỷ lệ tử vong gần như 100%. Vì vậy, dù bị chó mèo cắn bao lâu, miễn là chưa có dấu hiệu ban đầu của bệnh dại thì cần tiêm phòng bệnh dại càng sớm càng tốt, tốt nhất nên trong vòng 24 giờ.
Trong trường hợp thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường sau khi bị chó mèo cắn, cần khẩn trương đến gặp bác sĩ để thông báo tình hình. Nếu để virus tấn công hoặc chẩn đoán nhầm do không kịp thời khai báo với bác sĩ sẽ dẫn đến những trường hợp nghiêm trọng.
Nguồn: Sohu, Yiigle, The Paper
PHAN HIỀN