(Tổ Quốc) - Cựu VĐV wushu Nguyễn Thúy Hiền, được ban tổ chức mời dự lễ rước đuốc khai mạc SEA Games 31.
Khi SEA Games 31 sắp khởi tranh, người hâm mộ thể thao khá bất ngờ với việc Thúy Hiền xuất hiện trong những đoạn video quảng bá cho Đại hội. Cô còn vinh dự được chọn là một trong những thành viên của đoàn rước đuốc khai mạc SEA Gamses 31. Một vinh dự mà chính Thúy Hiền đã có được tại SEA Games diễn ra 19 năm trước tại Việt Nam.
Nguyễn Thúy Hiền - cái tên không còn xa lạ đối với người hâm mộ bộ môn wushu nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung. Cách đây gần 20 năm, một nữ tuyển thủ môn wushu vừa xinh đẹp, tài năng, đã giành cho mình tấm huy chương vàng đầu tiên trong sự nghiệp khi chỉ mới 14 tuổi.
Sự nghiệp của Thúy Hiền bắt đầu từ năm 1992, khi cô được giám đốc Sở thể dục thể thao Hà Nội chọn vào lớp đào tạo wushu đầu tiên ở Hà Nội. Thầy của cô là lúc đó là võ sư Nguyễn Tùng Lâm, Nguyễn Xuân Thi và 2 huấn luyện viên người Trung Quốc là Trần Húc Hồng và Phan Hán Quang.
Chỉ sau 1 năm bén duyên với bộ môn wushu, năm 1993 được coi là bước ngoặt của Thúy Hiền khi xuất sắc đem về cho Wushu Việt Nam 2 tấm huy chương tại giải vô địch thế giới tổ chức tại Malaysia. Một tấm HCV ở nội dung Đao thuật và một tấm HCB ở nội dung Trường quyền. Sự kiện này đã đưa cô vào lịch sử thể thao Việt Nam với tư cách là người đầu tiên đoạt HCV thế giới. Trở về nước, Thúy Hiền đã được Chính phủ tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3.
Năm 1995 được xem là năm bội thu huy chương của Thúy Hiền. Tại giải wushu Đông Nam Á tổ chức tại Hà Nội, cô giành 2 huy chương vàng môn Đao thuật và Trường quyền. Cùng năm này, cô còn được cử tham dự giải vô địch thế giới Wushu tổ chức tại Baltimore, Hoa Kỳ và giành được một huy chương bạc và hai huy chương đồng. Từ đây hình ảnh Thúy Hiền đã trở nên quen thuộc đối với những người hâm mộ thể thao nói chung và wushu nói riêng.
Năm 1996 Thúy Hiền được đưa sang tập huấn tại Quảng Châu (Trung Quốc). Cũng trong năm này, cô tham gia thi đấu một lần tại giải vô địch Wushu châu Á tổ chức ở Philippines, đoạt một huy chương vàng Đao thuật và một huy chương bạc Trường quyền.
Năm 1997 tại SEA Games 19 Thúy Hiền giành được 2 huy chương vàng môn trường quyền và đao thuật. Ngay sau đó cô tham gia giải vô địch wushu thế giới ở Roma cô tiếp tục giành được 2 huy chương bạc môn trường quyền và đao thuật, 1 huy chương vàng môn thương thuật. Trở về nước cô được bầu chọn là vận động viên xuất sắc nhất Việt Nam 1997 và được tặng thưởng Huân chương lao động hạng 2.
Năm 1999, cô giành huy chương vàng môn trường quyền và huy chương bạc môn đao và thương trong giải vô địch thế giới lần thứ 5. Năm 2001 được đánh giá là năm rực rỡ nhất của Thúy Hiền khi cô xuất sắc giành 3 HCV SEA Games và 3 HCV thế giới. Khi trở về nước, cô được Chính phủ phong tặng Huân chương Lao động hạng nhất.
Năm 2003, cô tiếp tục giành huy chương vàng môn đao thuật tại giải vô địch thế giới lần thứ 7 tổ chức tại Ma Cao, Trung Quốc. Tính chung, trong cuộc đời thi đấu đỉnh cao, Nguyễn Thúy Hiền đã có cho mình một bộ sưu tầm huy chương, bao gồm: 7 HCV thế giới, 2 HCV châu Á, 8 HCV SEA Games. Cô cũng vinh dự 6 lần đạt danh hiệu VĐV tiêu biểu trong năm của thể thao Việt Nam và được chọn là VĐV rước đuốc trong lễ khai mạc SEA Games 22 diễn ra tại Hà Nội.
Nhưng có lẽ, sự nghiệp của nữ tuyển thủ vẫn chưa thực sự trọn vẹn khi cô chưa một lần được bước lên bục cao nhất nhận tấm HCV trên quê hương Việt Nam, ở một giải đấu tầm cỡ quốc tế.
Vinh quang nhiều là thế nhưng cũng không ít lần cô gái vàng trong làng wushu phải đối mặt với những khó khăn, thất bại. Cụ thể, năm 1994 do bị lỗi ở bài thương thuật nên cô không giành được tấm huy chương nào tại giải ASIAD. Và cũng ít ai hiểu, đằng sau ánh hào quang kia là sự đánh đổi của Thúy Hiền bởi những cơn đau dạ dày, đau cột sống vì chấn thương liên miên khi tập luyện và biểu diễn.
Tới năm 2005, sau chấn thương tại SEA Games 22, Nguyễn Thúy Hiền đã quyết định giải nghệ, nghỉ thi đấu và trở thành huấn luyện viên, trọng tài môn wushu cho Sở thể dục thể thao Hà Nội.
Trở lại với SEA Games 31, Nguyễn Thúy Hiền gây bất ngờ khi xuất hiện trong những hình ảnh quảng bá của Đại hội. Chia sẻ về điều này, cô cho biết : "Đến bây giờ là 19 năm quay trở lại, Việt Nam lại tổ chức đăng cai SEA Games. Có lẽ là, ở tuổi này, cảm xúc sẽ nhiều hơn so với tuổi trẻ bởi nó gợi lại cho mình những ngày tháng mình tập luyện gian truân, những ngày tháng mình thành công".
Ngoài ra, nữ tuyển thủ sinh năm 1979 còn thổ lộ rằng cô rất bất ngờ và hạnh phúc. Nhưng đi cùng với nó cũng là sự áp lực, lo lắng không biết rằng liệu mình mà múa võ thì còn thần thái gì trong đó.
Có lẽ, qua những hình ảnh quảng bá Đại hội của SEA Games 31 chúng ta vẫn thấy được thần thái trên khuôn mặt của Nguyễn Thúy Hiền, sự uyển chuyển trong từng động tác múa võ. Cô đã có trải lòng đầy cảm xúc trong quá trình quay bài biểu diễn võ thuật cho bài hát SEA Games.
"Khi quay động tác để làm cho bài hát SEA Games, xúc động chắc chắn là có rồi. Và mình cảm giác lại muốn trở lại thi đấu. Nhưng mình biết ở lứa tuổi mình, chắc chắn là không thể. Giờ là luổi con mình sẽ thi đấu". Tuổi tác hiện giờ không còn cho phép Thúy Hiền, có chăng cái "gen" yêu võ cô đã truyền lại cho 2 cô con gái của mình.
Ngoài Nguyễn Thúy Hiền, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên... cũng là những gương mặt tiêu biểu trong nền thể thao Việt Nam được ban tổ chức lựa chọn tham gia rước đuốc để thắp lên đài lửa của SEA Games 31.
Lễ xuất quân dự SEA Games 31 của đoàn Việt Nam sẽ tổ chức vào ngày 28/4 tại Hà Nội. Đại hội sẽ khai mạc tối 12/5 và khép lại với lễ bế mạc ngày 23/5. SEA Games 31 được tổ chức tại 12 tỉnh thành, với sự tham dự của hơn 7.000 VĐV (40 môn thi) đến từ 11 đoàn thể thao ở Đông Nam Á.
Lệ Giang