(Tổ Quốc) - Trở thành huyền thoại của Esports khó khăn chẳng khác gì thể thao truyền thống. Rất may cho làng LMHT là họ đã có một nhân vật đứng ra đóng vai trò đầu tàu, để sau này hễ ai muốn thành huyền thoại, hãy đi theo con đường mà anh đã chọn.
Trong thể thao, trở thành huyền thoại là điều không dễ. VĐV cần sở hữu bảng thành tích đáng nể của bộ môn mình theo đuổi, đôi khi tính cách và phép đối nhân xử thế cũng được đem ra đong đếm.
Esports sinh sau đẻ muộn so với thể thao truyền thống nên chọn ra một huyền thoại trong thể loại này được coi là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Khác với bóng đá, Esports thay đổi khi chính tựa game đó thay đổi, dù chỉ là một bản nerf nhẹ lên các vị tướng hay biến chuyển lớn trong mechanic trò chơi.
Thành công trường tồn ở Esports là điều xa xỉ. Nhà vô địch năm nay có thể sẽ bị loại ở ngay mùa giải kế đến. Ấy thế mà trong sân chơi đòi hỏi sự thay máu đầy khắc nghiệt đó vẫn xuất hiện một tượng đài khổng lồ, người giành vô số danh hiệu lớn trong quá khứ, bền bỉ đứng trên ngôi vị số một suốt lịch sử phát triển bộ môn đang theo đuổi.
Anh là Lee “Faker” Sang-hyeok của Liên Minh Huyền Thoại, tuyển thủ được CĐV gọi với hàng tá các biệt danh cool ngầu khác nhau vì vừa giỏi vừa phong cách.
Faker sinh ra trong một gia đình khá giả tại Seoul. Theo quan niệm của người Hàn Quốc, con cả trong gia đình luôn phải gánh trọng trách lớn hơn con thứ. Vì nhà có 2 anh em, Faker, con út được chiều chuộng hơn người anh lớn tuổi một chút.
Từ nhỏ cậu nhóc đã được tiếp xúc với những thiết bị điện tử, từ đó chìm đắm vào những trò chơi giải đố. Đây đối với các vị phụ huynh là thói quen không tốt, nhưng vì thành tích học tập của cậu vẫn cao chót vót nên họ quyết định không can thiệp.
Lớn lên, Faker chơi rất nhiều game khác nhau, trong đó có Warcraft. Cậu đam mê với những bản đồ đầy sáng tạo do người chơi tự thiết kế và tỏ ra đặc biệt tài năng khi điều khiển các vị tướng chiến đấu với kẻ thù bằng 4 kỹ năng.
Nhưng Warcraft chỉ là “mối tình đầu” của Faker chứ không phải “người cùng anh đi đến cuối đời”. Vốn dĩ không phải gã “chung tình” với một tựa game, Faker trong một lần lên MXH đổi gió đã phát hiện ra Liên Minh Huyền Thoại. Sự tình cờ thú vị từ một bài quảng cáo giúp cậu tìm ra nửa kia định mệnh đời mình.
Ban đầu Lee Sang-hyeok không đánh xếp hạng mà chỉ chơi thường. Faker chơi giỏi đến mức hệ thống tìm trận của LMHT hoàn toàn bất lực trong công cuộc ghép cậu vào game đấu với 9 người khác. Quá chán vì phải đợi lâu, Faker tìm trận xếp hạng, bắt đầu chuỗi ngày “bón hành” cho bất kỳ ai muốn lên rank nhưng không may trở thành đối thủ của cậu.
Huyền thoại về tài khoản có biệt danh GoJeonPa đến bây giờ còn khiến nhiều người phải lắc đầu lè lưỡi. Mỗi khi tìm ra Faker, đối thủ luôn nghĩ cậu là một tuyển thủ chuyên nghiệp, thích đắm mình vào trong những trận đấu xếp hạng, hành hạ người khác để “giải trí” sau những giờ luyện tập căng thẳng. Chẳng ai ngờ ở phía bên kia máy tính là một chàng thanh niên còn rất trẻ, sở hữu kỹ năng tuyệt vời nhưng chưa một lần nghĩ mình sẽ kiếm tiền nhờ bộ môn này.
Phải đến năm 2013, GoJeonPa mà mọi người bàn tán đến mới bước ra ánh sáng. Hóa ra nhân vật đứng đầu BXH đơn Hàn Quốc, sở hữu điểm elo 2536 cao ngất ngưởng lại là một cậu nhóc mới 17 tuổi. Lee Sang-hyeok được chiêu mộ vào đội 2 của SK Telecom, một trong những tổ chức hàng đầu của Esports Hàn Quốc vào thời điểm bấy giờ. Lúc mới vào đội, cậu tự nhủ mình cần một biệt danh “ngầu hơn”. Huyền thoại Faker chính thức bắt đầu.
Trong lịch sử Liên Minh Huyền Thoại, nếu Faker tự nhận mình là người thành công thứ 2 thì chắc chắn chẳng ai dám nhận số một. Đơn giản là kỷ lục vô địch thế giới nhiều nhất đến thời điểm này vẫn thuộc về Faker, với 3 lần giơ cao cúp World Championship. Đó là chưa kể đến hàng tá những chức vô địch quốc nội ở khu vực có nền LMHT cạnh tranh và phát triển bậc nhất trên toàn thế giới. Faker được mệnh danh là Quỷ Vương bất bại, là thiên tài
Nếu nhắc đến những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của chàng trai Faker thì ngoài những lúc cầm cúp, phải kể đến lần đầu tiên cậu được “thượng đài”. Xuất hiện trên màn ảnh lớn trong khi đối thủ là Ambition, người chơi đường giữa số một thế giới năm đó, Faker tự tin khóa vào vị tướng Nidalee. Những gì diễn ra sau đó có lẽ vẫn còn in đậm vào tâm trí của CĐV LMHT.
Faker cướp đi điểm hạ gục trong tay Ambition, bất chấp đối thủ sử dụng vị trí sở trường Kha'zix. Màn solo-kill còn trở nên hoa mỹ hơn khi chàng trai trẻ tuổi hạ nhục người đàn anh nổi tiếng ngay dưới tầm bảo vệ trụ một đường giữa.
Pha Solo Kill để đời của Faker với Ambition.
Chỉ với vài giây thể hiện khả năng chớp thời cơ và tính toán sát thương chuẩn xác đến “kinh dị”, Faker khiến các BLV nhắc đi nhắc lại tên mình. Thời điểm Kha'zix của Ambition gục ngã sau này được ví như cột mốc chuyển giao thế hệ, ngai vàng dành cho tuyển thủ đường giữa số một Hàn Quốc đã thuộc về chủ mới.
Đó thậm chí chẳng phải lần duy nhất Faker khiến các tuyển thủ đàn anh phật lòng. Trong trận chung kết, tranh chức vô địch Hàn Quốc cùng mùa giải năm đó, ngôi sao tiếp theo bị Faker đánh bại một cách tâm phục khẩu phục là Ryu của KT Bullets. Chỉ bằng một tình huống outplay, Ryu bỗng chốc trở thành một gã hề khi đối đầu với người kém tên tuổi hơn. Để rồi khuôn mặt thất thần của anh bị chế đi chế lại, đến nickname cũng bị cộng đồng biến thành “danh từ”, ám chỉ những tuyển thủ đường giữa bị Faker “bón hành”.
Đương nhiên sự nghiệp của Faker không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Năm 2017, lần đầu CĐV thấy anh phải rơi lệ sau khi để thua trận chung kết World Championship trước đối thủ Samsung Galaxy. Đây tưởng chừng là nốt trầm lớn nhất trong sự nghiệp của Faker thì một năm sau đó, tay chơi trẻ tuổi người Hàn Quốc lại trải qua cú sốc lớn hơn, khủng khiếp hơn. Năm 2018, lần thứ 2 trong lịch sử anh lỡ hẹn với giải đấu CKTG.
Thời điểm đó người ta cũng bắt đầu đặt ra những câu hỏi về tuổi đời của những VĐV chuyên nghiệp như Faker. Mới chỉ 1 hay 2 năm trước thôi, anh vẫn còn thống trị cả thế giới. Vậy mà sau những lần gục ngã đó, người ta bắt đầu chỉ mặt, điểm danh những ngôi sao có thể soán ngôi Faker để bước lên ngôi vị số một.
Sau này khi được hỏi về giai đoạn khó khăn nhất sự nghiệp, Faker so sánh cuộc đời của mình và những tuyển thủ Esports như một chuyến tàu lượn. Faker tự hiểu rằng đã đi theo con đường này thì phải chấp nhận lúc lên, lúc xuống. Quỷ Vương đã biết đón nhận thất bại. Điều này chẳng xấu hổ gì, thậm chí là một tín hiệu vui, càng cho thấy sự khác biệt của Faker so với phần còn lại.
Thất bại là chuyện thường tình, quan trọng là phải biết đứng dậy sau những lần như thế. Chàng trai trẻ tuổi thuở nào từng nhận mình là “robot, không có cảm xúc” cuối cùng đã ngộ ra chân lý, trưởng thành hơn để hướng đến những thành công mới.
Và Faker đã làm được. Anh cùng các đồng đội mới tìm lại ánh hào quang cho SK Telecom mùa xuân năm 2019, tiến đến MSI với tư cách nhà vô địch Hàn Quốc. Những ngôi sao mới nổi được mệnh danh “Faker mới” như Ucal, Chovy lần lượt nhận thất bại đau đớn trước “Faker thật”. Đó là lời khẳng định đanh thép của nhà vua để giữ vững ngai vàng.
Khi bị đặt nhiều nghi ngờ nhất, Faker đã tìm ra câu trả lời. Huyền thoại vẫn còn đó, sống khỏe chứ không "chết" như nhiều người tưởng.
Để làm được điều này, Faker đã chịu thay đổi. Không còn chơi hổ báo như xưa, Faker giờ là một tuyển thủ chững chạc, sẵn sàng đem những vị tướng hỗ trợ đi đường giữa để giúp đỡ đồng đội. Với Faker, KDA không quan trọng, mục tiêu hàng đầu là chiến thắng. Ngoài mặt chuyên môn, Faker giờ cũng rất ra dáng đàn anh, luôn đứng ra nhận mọi trách nhiệm về mình sau những thất bại.
Faker chịu chuyển mình, điều này khiến anh trở nên khác biệt với những tuyển thủ vang bóng một thời không còn thi đấu chuyên nghiệp. Cũng chính nó khiến anh trở thành kẻ vĩ đại, sở hữu sự nghiệp dài và đáng ngưỡng mộ nhất từ trước đến nay trong lịch sử LMHT.
Fan của LMHT coi Faker là thần tượng, còn các đối thủ thì vừa tôn trọng, vừa nung nấu ý định một ngày sẽ vượt qua người tiền nhiệm quá đỗi xuất sắc.
Thế mới thấy Faker vô hình chung trở thành một tượng đài sống, đốc thúc thế giới LMHT phát triển hơn qua từng ngày. Esports đã được công nhận là thể thao, còn Faker chắc chắn là huyền thoại chung đầu tiên trong lịch sử bộ môn mới mẻ này.
PHỤNG HIẾU