(Tổ Quốc) - Cả thiên hạ hả hê khi bà Xuân của Hương vị tình thân ăn tát, nhưng đâu đó, vẫn có những góc nhìn rất khác.
* Bài viết dựa trên quan điểm cá nhân của tác giả
Hương vị tình thân phần 2 tập 22 lên sóng VTV1 tối 26/8 gây ra nhiều tranh cãi cho khán giả, đặc biệt ở phân cảnh đẩy cao trào nhất phim, là cảnh bà Xuân bị chồng cho ăn tát.
Có lẽ chưa bao giờ, người ta lại chứng kiến có nhiều người hả hê đến vậy khi chứng kiến một người phụ nữ bị đánh. Trên mạng xã hội, hàng nghìn bình luận rủa xả bà Xuân. Trong số đó, tôi biết có rất nhiều đấng nam nhi ngồi sau bàn phím để thả những bình luận kiểu: "Sao lại tát một cái? Phải cho ăn liên hoàn vả mới đúng?"; "Làm đại trượng phu mà tát vậy có đáng không? Cầm cái ghế đập vào mặt thì nó nặng lắm à?"; "Đàn ông gì mà tát như phụ nữ, phải đấm mới đúng!"... Các anh cho rằng mình bình luận rất hay, rất hài, và thả "haha" cho nhau.
Nhưng chuyện các anh hả hê vì bà Xuân bị đánh, tôi không lấy làm lạ, vì ngay cả những người phụ nữ, những người mà tôi không biết đã từng làm vợ, làm mẹ, làm dâu hay chưa, cũng cho rằng bà Xuân đáng bị ăn vả, không chỉ một mà nhiều lần. Cái thứ vợ quạ mổ, thứ con dâu mất nết, thứ mẹ vô tâm, con mình yêu ai không biết, chính bản thân đẩy con vào bất hạnh lại ở đấy la làng, đổ tội cho người khác... là những gì người ta nói về bà Xuân.
Ít ỏi trong số đó, cũng có những bình luận lên tiếng bảo vệ người phụ nữ ấy. Nhưng đa phần, nó cũng nhỏ bé và co cụm, rồi lập tức bị "giày xéo" bởi hàng nghìn bình luận phẫn nộ, phản biện khác. Và tôi cũng biết, có rất nhiều người muốn đứng lên bảo vệ bà Xuân nhưng không dám, vì họ sợ sẽ bị cả nghìn người khác vào sỉ vả, vùi dập. Họ sợ mình sẽ "hi sinh" trên mặt trận online, khi những comment thậm chí còn sắc nhọn và gây tổn thương hơn bất kỳ mũi tên ngọn giáo nào.
Tất nhiên, bài viết này không phải để phê phán những người hả hê vì bà Xuân bị đánh. Vì suy cho cùng, cũng chỉ là một bộ phim, người ta xem để giải trí với nhau. Và khi nhìn nhận ở góc độ một bộ phim, thì việc khán giả hả hê khi một nhân vật được cho là "phản diện" bị phe "chính diện" trừng phạt là chuyện bình thường và có thể hiểu được.
Còn với cá nhân tôi, phim ảnh là tấm gương phản chiếu cuộc đời. Với tôi, nhân vật bà Xuân thực sự để lại nhiều suy nghĩ. Cái tát mà ông Khang dành cho vợ để lại nhiều nỗi buồn hơn là những niềm vui...
Hương vị tình thân: Bà Xuân và nỗi khổ tâm mang tên kẻ ăn bám, không được lòng mẹ chồng
Trước tiên, phải nói rằng, tôi không phải là fan ruột của nghệ sĩ Quách Thu Phương, càng không phải fan của bà Xuân trong Hương vị tình thân. Tôi xem phim với tâm thế của một người bình thường, một người phụ nữ đã làm mẹ, làm vợ và làm dâu. Nếu hỏi tôi có giận bà Xuân không? Tất nhiên là có. Có ghét bà Xuân không, câu trả lời cũng là có, nhưng tùy thời điểm. Tôi đoán rằng chẳng có khán giả bình thường nào mà không ghét bà Xuân ở những giai đoạn như khi bà sỉ nhục gia đình Nam, gặp Nam và nói những lời tổn thương sâu sắc.
Đúng, bà Xuân là người gây ra rất nhiều bi kịch trong gia đình, là người "góp phần" khiến Nam phải bán xới mà đi trong phần 1 của bộ phim. Sở dĩ tôi dùng từ "góp phần", bởi bà Xuân không phải người duy nhất gây ra bi kịch ấy.
Cái gọi là "tội" của bà Xuân, chắc không cần kể ra đây nữa, vì nó đã rõ như ban ngày, ai cũng đã biết rồi.
Nhưng cũng với những cái "tội" ấy, cùng với hình ảnh một bà Xuân "sồn sồn", luôn nhảy dựng lên trước mọi tình huống, hay nói những câu khó nghe, thậm chí gây tổn thương cho người khác, thì tôi cũng nhìn thấy ở người phụ nữ này một hình ảnh rất khác.
Tôi nhìn thấy ở đó hình bóng của một cô gái lỡ có bầu trước khi cưới, về làm dâu trước sự miễn cưỡng chấp nhận của mẹ chồng. Cô gái ấy điệu đà, rất thích làm đẹp, tính tình nhí nhảnh, trẻ con. Nhưng một cô gái tươi vui giàu năng lượng như vậy đã sẵn sàng chấp nhận cuộc sống ở nhà làm vợ, làm mẹ, làm dâu suốt hàng chục năm trời, nuôi hai con khôn lớn thành tài.
Người ngoài nhìn thấy cô gái ấy rất hạnh phúc khi được chồng yêu, chồng chiều, con cái thành đạt, giỏi giang. Nhưng có ai biết rằng cô chẳng hề có chút tiếng nói nào trong gia đình. Cô dành cả thanh xuân để sinh đẻ, nuôi con, không ra ngoài làm việc, không tự chủ được về kinh tế nên cũng thường bị mẹ chồng hàm ý là vô tích sự, ăn bám.
Tất nhiên, có lẽ những năm tháng mang nặng đẻ đau, những ngày chăm con, nuôi con khôn lớn dài đằng đẵng vất vả ấy không được tái hiện trong phim, nên người ta mặc nhiên rằng bà Xuân sống cuộc đời toàn là sung sướng, hạnh phúc, chẳng có việc gì ngoài ăn ngon mặc đẹp.
Người ta bảo bà Xuân sướng không biết đằng sướng. Tôi chỉ không hiểu bà Xuân sướng ở chỗ nào, ngoài việc lấy được chồng giàu, không lo gánh nặng kinh tế? Mà cũng phải nói thêm rằng, trước khi bà Xuân lấy ông Khang, bà mới là người thuộc gia đình "trâm anh thế phiệt". Khi ấy, ông Khang còn chưa là chủ tịch tập đoàn lẫy lừng như hiện tại.
Từ bỏ thân phận một cô tiểu thư nhà giàu, tương lai rộng mở để lui về chấp nhận cuộc sống nội trợ, làm vợ và làm mẹ, nhưng đổi lại việc đó, thì bà lại mang trong mình nỗi ám ảnh của một kẻ "ăn bám", không kiếm được tiền nên cũng há miệng mắc quai.
Chẳng những vậy, bà Xuân còn ở trong tình trạng "sống chung với mẹ chồng", điều mà tôi biết nhiều cô gái hiện đại ngày nay chẳng cô nào mong muốn. Ngay từ khi về làm dâu, bà Xuân đã không được lòng mẹ chồng. Khi mà tính cách không hợp, thì mâu thuẫn mẹ đẻ mâu thuẫn con, mâu thuẫn lớn chồng mâu thuẫn bé.
Đúng là bà Xuân nhiều khi cũng nói không suy nghĩ, "thở" ra những phát ngôn thật khó lọt tai. Nhưng là một người xem phim công bằng, tôi cũng cho rằng không ít lần bà Xuân bị mẹ chồng bắt bẻ những điều vốn chẳng đáng bắt bẻ. Bất cứ việc gì bà Xuân làm cũng không vừa mắt mẹ chồng... Dần dần, những điều ấy tạo thành một khoảng cách quá lớn giữa mẹ chồng và nàng dâu.
Tôi vẫn còn nhớ trong phần 1, có rất nhiều lần bà Xuân vui vẻ, tràn đầy hy vọng, muốn "thu phục" mẹ chồng. Thế nhưng chẳng hiểu sao mỗi lần bà Xuân lên tinh thần như thế thì lại là một lần bà Dần lên cơn lẫn, xông vào đánh đập con dâu, giật tóc tạt tai, gọi con dâu là hồ ly tinh. Vẫn biết là bà Dần không đáng trách khi bị bệnh, nhưng đứng ở góc độ bà Xuân, thì cũng tủi, cũng buồn, cũng khổ lắm chứ?
Bà Xuân không phải chưa từng thử gần gũi mẹ chồng, nhưng chưa một lần thành công. Bà cũng không phải không quan tâm đến bà Dần, nhưng do bản thân không khéo, lại bị bà Dần có định kiến, nên mọi cử chỉ, hành động quan tâm cũng chẳng đi đến đâu.
Mối quan hệ căng thẳng, chẳng thể dung hòa, thấu hiểu nhau giữa con dâu, mẹ chồng cứ thế đi từ phần 1 tới phần 2. Họ không thể tìm được tiếng nói chung, mà lỗi sai, đâu phải đến từ một phía?
Hương vị tình thân: Khi người phụ nữ đã dư thừa vật chất chỉ khát khao những yêu thương, thấu hiểu từ chồng
Tôi từng nghe ai đó nói rằng, với người phụ nữ, ai đối xử với họ thế nào cũng được, miễn là người chồng thấu hiểu, quan tâm, tốt với mình. Người ta bảo ông Khang tốt với bà Xuân thế, bà còn muốn gì, được voi lại còn đòi ma mút? Ông Khang cũng từng nhẹ nhàng khuyên bảo bà Xuân, nhưng bà đâu có nghe, còn toàn bật lại chồng?
Cái tốt mà người đời nhìn thấy trong cách đối xử của ông Khang với bà Xuân, có lẽ chính là việc cho vợ thích ăn gì thì ăn, mặc gì thì mặc, tiền tiêu cả quyển, quần áo thích gì mua nấy không phải nghĩ, không phải làm gì vì đã có giúp việc? Những thứ này, tôi nghe thấy cũng quen quen. Hẳn là những lời ông Khang từng nói với vợ, rằng chẳng có cái việc gì, có mỗi việc ở nhà chăm sóc mẹ cũng không xong!
Nếu nói ở khía cạnh vật chất, thì đúng là bà Xuân sướng thật! Chúng ta, những con người bình thường cảm thấy tiền lúc nào cũng thiếu chắc hẳn sẽ nhìn cuộc đời của bà Xuân mà ao ước. Nhưng người phụ nữ dư thừa về vật chất như bà Xuân, thì lại chẳng mong gì hơn là những yêu thương, quan tâm, chăm sóc của người chồng.
Ông Khang có quan tâm, chăm sóc, yêu thương bà Xuân hay không? Tôi đồ yêu thương thì có, vì không yêu sao lại cưới, nhưng quan tâm, chăm sóc thì chắc là chưa đủ. Một phần, vì công việc của ông bận rộn, như bà Xuân thường kêu ca việc mình thường xuyên phải ở nhà chờ đợi chồng con trở về. Nhưng mặt khác, cũng vì ông vô tâm, và cho rằng một khi đã chu cấp đầy đủ tiền bạc, vật chất cho người vợ, thì họ sẽ phải có trách nhiệm ở nhà làm nội tướng, chăm sóc gia đình, và nhất là chăm sóc mẹ mình.
Ông Khang rất có hiếu với mẹ, điều ấy quả thật đáng quý, đáng trọng. Nhưng đúng như bà Xuân nói, ông Khang lúc nào cũng chỉ nghiêng về phía mẹ. Tôi biết có nhiều người bảo bà Xuân ngu ngốc vì bắt chồng phải chọn giữa vợ và mẹ. Nhưng xin thưa, bà Xuân chưa bao giờ bắt ông Khang lựa chọn. Bà chỉ van xin, mong mỏi một chút thấu hiểu, cảm thông, một chút quan tâm từ người chồng ấy dành cho mình.
Đúng là ông Khang từng tâm tình với bà Xuân, từng khuyên nhủ vợ, nhưng trong tất cả các cuộc nói chuyện ấy, bao giờ cũng là mong vợ hãy hiểu cho mẹ, hãy vì mẹ mà thế này thế kia, mẹ già rồi, mẹ bị bệnh, nên hãy yêu thương và quan tâm mẹ nhiều hơn, để mẹ vui, mẹ khỏe...
Thậm chí trong tập phim tối qua, khi ông Khang ép bà Xuân buộc phải chấp nhận đám cưới của con trai, với điều kiện, một là đồng ý hai là không có gì cả, khi bà Xuân cay đắng hỏi rằng có phải chồng làm tất cả những điều này là vì mẹ, thì ông Khang cũng không phủ nhận. "Đúng, là vì mẹ. Và sau này, anh cũng sẽ vì mẹ" - câu nói của ông Khang dành cho bà Xuân quá đau đớn. Tôi nghĩ rằng có thể bản thân ông Khang không hẳn suy nghĩ như vậy. Chính ông từng thú nhận sau mọi chuyện xảy ra, ông đã thay đổi và có cái nhìn khác về hôn nhân của con trai... Thế nhưng những lời ông nói ra lại phũ phàng quá. Nó khiến người phụ nữ cả tin, "ai nói gì cũng tưởng thật" của ông phải đau thấu tận tim gan.
Tại sao lúc nào cũng là vì mẹ, mà không thử một lần là một câu động viên, chẳng hạn như anh biết em cũng vất vả, cố gắng, anh rất thương em, để lựa lời anh nói chuyện với mẹ... Ông Khang có thể không bảo vệ vợ trước mặt mẹ, nhưng đằng sau, dù là nói dối cũng được, xin hãy một lần để cho vợ mình cảm giác bà cũng xứng đáng được yêu thương, được quan tâm và thấu hiểu...
Đó là chưa kể, những lần bà Xuân làm sai điều gì với bà Dần (mà kể cả thực sự chuyện đó bà không sai), nhưng ông Khang đều đổ lỗi cho vợ mình. Như cái lần bà Xuân và bà Dần giằng co trong nhà tắm, kết quả bà Dần bị ngã, câu đầu tiên của ông Khang là: "Cô làm gì mẹ tôi thế này?". Người ta trách bà Xuân gọi bà Dần xa cách, là "mẹ anh", thì ông Khang cũng đâu kém, cũng gọi một cách phân biệt rõ ràng là "mẹ tôi".
Hương vị tình thân: Nghẹn ngào hình ảnh người phụ nữ cô đơn trong chính ngôi nhà của mình
Các con đã lớn có cuộc sống riêng, mẹ chồng thì không tìm được tiếng nói chung, chồng thì bận rộn, xa cách, bà Xuân chỉ còn cách tìm niềm vui ở những người bạn, hội bạn mà khán giả cho rằng chẳng ra gì, toàn mấy bà cô xấu xa, hay gây chuyện, nhưng thực ra, bà Xuân cũng đâu có nhiều bạn? Một người phụ nữ ở nhà hàng chục năm như bà, thì lấy đâu ra bạn mà chơi? Chưa kể, trong mắt khán giả thì những người ấy xấu xa, nhưng trong mắt bà Xuân, bà đâu có thấy ở họ khía cạnh đó?
Những tập gần đây, khán giả càng thấy bà Xuân cô đơn hơn. Khi bà mặc tạp dề ngồi buồn thiu trong căn bếp, khi bà ngồi một góc và khóc vì biết ông Khang và Long đã âm thầm quyết định chuyện liên quan đến Nam sau lưng mình. Lúc ấy, người bên cạnh bà chỉ có Thy. Chính Thy là người đã ra an ủi, động viên, đã nói với mẹ chồng những câu ngọt như mía lùi, rằng "mẹ có chuyện gì, mẹ có thể cho con chia sẻ cùng mẹ được không ạ?". Trong khi, ước gì người nói câu ấy là Long, là ông Khang, thì có lẽ mọi chuyện đã khác.
Sự cô đơn của bà Xuân được đẩy lên cao trào, khi bà Dần gần như đã mở lòng với con dâu, rủ bà Xuân đến CLB tâm tình cùng mình, nhưng ông Khang lại từ chối. Hình ảnh bà Xuân lững thững đi tới gặp bà Nguyệt, chạnh lòng buồn khi nhìn người bạn thân bằng tuổi mà trẻ trung phơi phới, được người yêu quan tâm chăm sóc, liệu có ai thấy chạnh lòng buồn? Bà Xuân ngày xưa cũng trẻ, cũng đẹp, cũng phơi phới như thế. Nhưng bà Xuân ấy, nay còn đâu?
Và rồi đỉnh điểm là ở tập 22, khi bà Xuân ăn tát từ chồng, trước sự chứng kiến của mẹ chồng và con trai, có nỗi bẽ bàng, tủi hổ nào lớn hơn như thế?
Trước đó, bà Xuân đã nói gì? Tôi đồng ý, là có những câu bà Xuân sai, như cách bà vẫn sai từ trước đến giờ vậy. Bà không phải người phụ nữ giỏi ăn nói. Bà từng gây tổn thương người khác vì những lời nói của mình.
Thế nhưng, liệu có bao nhiêu người bình tĩnh để lắng nghe hết những lời của bà Xuân và dừng lại ngẫm lâu hơn một chút. Khi sau 3 năm, ông Khang buộc tội vợ rằng: "Chính em là người gián tiếp gây ra tất cả mọi chuyện, đến nỗi cái Nam phải bỏ nhà ra đi đấy thôi", bà Xuân đã nước mắt lưng tròng mà đáp: "Đến bây giờ mà anh vẫn có thể nói như vậy được à? Chuyện này là chỉ vì cái Kỳ Duyên nó quá yêu thằng Long nhà mình. Công an điều tra người ta cũng đã nói như vậy rồi, vậy mà anh vẫn đưa chuyện này ra để đay nghiến em".
Sau đó, bà quay sang chồng và mẹ chồng, để nhắc cho họ nhớ, năm xưa, không phải riêng bà phản đối chuyện Long - Nam.
Bà Xuân nói đâu có sai? Năm xưa, đâu phải một mình bà phản đối Nam đến với Long? Cả ông Khang, bà Dần cũng góp phần đó thôi! Còn chuyện tung bằng chứng Nam cố tình đỡ dao thay Long, cũng là một tay Kỳ Duyên làm. Sau này, khi công an điều tra, bà Xuân cũng mới biết chuyện đó, biết rằng năm xưa mình trách lầm Nam. Chỉ khéo khen cho người đứng sau mọi chuyện là bà Sa, thật quá thông minh, đã vẽ đường cho Kỳ Duyên, để rồi lừa gạt bà Xuân ngoạn mục.
Cái sai khó sửa nhất của bà Xuân, suy cho cùng vẫn là sự cả tin đến ngu ngốc, thiếu suy nghĩ khi phát ngôn. Mà chính điều này, bà Dần cũng biết, như chính bà đã nói với Nam khi cô trở lại gia đình mình sau 3 năm: "Hồi ấy con mẹ Xuân cũng không phải cố ý, tính nó sồn sồn, ai nói cũng tin nên nghĩ oan cho cháu".
Cái tát để thức tỉnh hay cái tát mở ra những bi kịch mới cho Hương vị tình thân?
Xin kết lại bài viết này bằng câu chuyện ngay từ lúc mở đầu, đấy là cái tát của ông Khang dành cho bà Xuân, nó có nên là cái tát để tất cả thiên hạ hả hê, tung hô đến thế không? Hay đấy chính là một nỗi buồn, một khoảng lặng, một nỗi xót xa, và cả ân hận nữa, như chính ánh mắt của ông Khang sau khi giơ tay đánh vợ?
Từ cái tát này, tôi chỉ muốn đặt câu hỏi, nếu ngay từ đầu bà Dần không ác cảm với con dâu, tạo ra khoảng cách quá lớn, nếu bà Xuân cư xử khéo léo hơn, nếu ông Khang quan tâm vợ nhiều hơn, nếu Long tâm tình với mẹ kỹ hơn... thì cái tát này có xảy ra? Và nếu cái tát này không xảy ra, thì liệu bà Dần có phải nhập viện, rồi Long và Nam phải làm đám cưới sớm?...
Tôi cá là chẳng ai trả lời được những câu hỏi này, vì cuộc đời, vốn không có chỗ cho những điều nếu - thì. Câu chuyện của gia đình Long khiến tôi nhớ về học thuyết hiệu ứng cánh bướm. Một con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra cơn lốc ở Texas, vậy thì những người trong gia đình bà Dần cũng chẳng ai biết được, một hành động, thái độ của họ ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời, có thể gây tác động không ngờ tới tương lai, hay là gây ra những bi kịch khó đoán trong cuộc sống của các thành viên khác...
Khi mâu thuẫn nổ ra, người ta hay nhìn vào nhân vật sai nhiều nhất để mà đổ lỗi, nhưng có ai thử đặt câu hỏi rằng, nếu bà Xuân sai 10 phần thì ông Khang, bà Dần, hay thậm chí cả Long cũng phải góp 1, 2 phần? Và cái tát mà rất nhiều người đang hả hê, biết đâu không phải là để người có lỗi "tỉnh ra", để kết thúc một bi kịch, mà thực ra lại chính là điểm bắt đầu, để mở ra hàng loạt bi kịch mới?
Hương vị tình thân
- Tình cảm, gia đình
- 25 phút
- 19/04/2021
- Thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần trên VTV1
Hương vị tình thân kể về Phương Nam, cuộc sống đảo lộn khi Nam phát hiện ra cô chỉ là con nuôi trong gia đình mình. Những biến cố liên tiếp ập tới. Giữa lúc đó, ông Sinh - cha ruột của Nam xuất hiện, lặng thầm bảo vệ con gái nhỏ. Nam luôn tin rằng cô sẽ tìm được một gia đình thực sự, và đến khi Hoàng Long xuất hiện, hạnh phúc tưởng đã mỉm cười với Nam. Nhưng khi đó, bí mật về ông Sinh được hé lộ khiến Nam sụp đổ. Những mâu thuẫn và ân oán lắt léo buộc Nam đứng trước hai lựa chọn: gia đình mà cô vừa gây dựng hay người cha tù tội vẫn lặng thầm bảo vệ cô.
Đạo diễn: Nguyễn Danh Dũng
Diễn viên: Phương Oanh, Mạnh Trường, Thu Quỳnh
An