(Tổ Quốc) - Nếu bạn muốn thành công bán/mua một món đồ đạc nội thất đã qua sử dụng trong nhà thì đừng bỏ qua những lời khuyên hữu ích này.
Nếu bạn là người không chuyên thì sẽ thật khó để định giá khi bán lại những món đồ đạc đã qua sử dụng trong nhà. Chắc chắn nó không thể với giá mới đang niêm yết trên thị trường, nhưng bao nhiêu mới khiến bạn không bị "lỗ vốn".
Vậy thì việc định giá sản phẩm đã qua sử dụng một cách chính xác sẽ giúp biết được có đáng bán món đồ đó hay không. Luôn có những nguyên tắc chung giúp bạn giao dịch với người mua mà không lo bị thiệt thòi.
Bạn là người bán:
1. Tham khảo giá món đồ tương tự đang bán trên mạng
Đầu tiên, bạn nên lên mạng và tìm kiếm một số sản phẩm có mẫu mã, thiết kế tương tự. Kiểm tra giá đang bán của món đồ đó.
Ví dụ, một chiếc ghế sofa lớn có lớp vải bọc ca rô sẽ được bán với giá thấp hơn loại ghế trơn. Trừ khi mẫu ca rô hot trở lại. Tương tự vậy với các món đồ khác.
2. Hãy bán món đồ ở mức 70% - 80% giá tiền của món hàng mới
Cách đầu tiên để định giá một món đồ là giảm 20% giá mà bạn đã mua. Cách này được áp dụng với những món đồ chỉ qua 1-2 lần sử dụng và vẫn còn rất mới.
Tuy nhiên, số phần trăm này cũng sẽ phải điều chỉnh theo nhiều yếu tố phụ thuộc khác nữa. Càng sử dụng nhiều, chất lượng hao mòn càng nhiều thì phần trăm giảm giá của bạn sẽ càng phải tăng lên.
3. So sánh chính xác tình trạng của sản phẩm hiện tại với khi mới mua
Giống như điều trên, cách đánh giá tình trạng sản phẩm chính xác sẽ giúp bạn quyết định được nên giảm 20% hay 30%, 40% giá trị của sản phẩm.
Nếu tình trạng hiện tại của sản phẩm hệt như khi mới mua, bạn chỉ cần giảm 20%. Nếu như món đồ đã bị trầy, có tiếng ồn, rung lắc, vấn đề hỏng hóc khác thì bạn sẽ cần giảm nhiều hơn. Càng sử dụng lâu ngày thì giá thanh lý sẽ càng thấp.
4. Trừ thêm 5% cho mỗi 1-2 năm sử dụng đồ đạc
Cách này áp dụng khá đơn giản. Ví dụ một chiếc bàn mà gia đình đang sử dụng có tuổi thọ 10 năm thì bạn chỉ việc giảm 50% giá tiền đã mua mới là được giá bán hiện tại. Bạn là người chịu lỗ cho mỗi năm sử dụng sản phẩm.
Ví dụ, một cái bàn 10 năm chỉ bán được 50% giá tiền đã mua. Xe hơi và nhà cửa sẽ giảm giá trị khi chúng có tuổi. Trừ khi kết cấu vẫn bền chắc, hoặc là đồ cổ (trước năm 1970 và tình trạng vẫn tốt), bạn sẽ chịu lỗ cho mỗi năm sử dụng.
6. Chú ý đến cấu trúc và chất liệu sản phẩm
Bạn không nhất thiết phải quá sành sỏi để biết sản phẩm của mình là đồ tốt tới mức nào. Hãy đánh giá qua việc cảm nhận, nó chắc chắn, nặng và không lung lay khi sử dụng, các khớp nối liền mạch,... Còn ngược lại, chất lượng kém thì bạn cũng xác định tâm lý sẽ bán với giá thấp hơn nhiều so với giá mà mình đã mua.
7. Nhờ chuyên gia định giá nếu đó là món đồ cổ
Nếu bạn có người quen là chuyên gia định giá thì quá tốt rồi, hãy nhờ họ kiểm tra và đưa ra lời khuyên. Những món đồ trong nhà (nếu là đồ cổ) thường sẽ có giá trị cao hơn giá gốc nhiều lần. Những món đồ này tốt nhất bạn nên nhờ chuyên gia giúp đỡ, họ sẽ đánh giá đúng món đồ mà bạn đang muốn bán.
Việc của bạn lúc này là cung cấp thông tin sản phẩm từ nơi mua, mẫu mã, nguồn gốc, giá mua,... cho thợ chuyên nghiệp hoặc chuyên gia đó.
8. Luôn trong tâm thế sẵn sàng thương lượng
Việc mua bán luôn có cơ hội cho bạn và người mua thương lượng giá. Thậm chí người mua còn hoan nghênh điều này tới từ bạn. Họ sẽ cố gắng đưa mức giá mua về con số có lợi cho mình, chính vì thế bạn cần chuyển bị chiến lược để đối lại cách mặc cả mà họ sẽ đưa ra. Cụ thể:
- Cần xác định mức giá thấp nhất mà mình sẽ bán. Điều này giúp bạn không vượt qua ngưỡng tiền bị thiệt.
- Mức giá mong muốn rằng sản phẩm sẽ bán được.
- Giá yêu cầu với khách hàng.
- Giao bán với giá cao hơn với giá mong muốn.
- Chi phí vận chuyển: Có thể thương lượng. Điều này giúp người mua cảm thấy họ đang nhận được ưu đãi và chiết khấu từ bạn.
9. Thăm dò bạn bè và gia đình trước khi bán cho người ngoài
Bạn nên thăm dò ý kiến của những người gần gũi xung quanh rằng với mức giá bán đó họ có sẵn sàng mua món đồ này không. Nếu họ đồng ý mua hàng ở mức giá nào đó, bạn sẽ xem xét giá có phù hợp. Và ngược lại, họ nói không thì bạn hãy hỏi lý do để điều chỉnh cho hợp lý.
Lưu ý:
- Nên rửa và làm sạch món đồ kỹ càng trước khi rao bán để đạt được giá cao nhất.
- Có thể sửa chữa khiếm khuyết của sản phẩm được bán được giá hơn.
Bạn là người mua:
1. Tham khảo những sản phẩm tương tự trước khi trả giá
Tiếp tục là bài toán so sánh khi bạn cần lựa chọn 4-5 sản phẩm tương tự và tham khảo giá. Bạn nên ghi chú giá chênh lệch trước khi quyết định mua.
2. Hỏi thông tin về mức độ cũ mới của đồ đạc
Hãy đặt những câu hỏi thông minh để lấy được thông tin về mức độ cũ mới của đồ đạc. Bởi lẽ, người mua không bao giờ muốn tiết lộ lỗi của sản phẩm mình đang bán. Những câu hỏi bạn có thể đặt là:
- Đồ đã qua sửa chữa hay chưa?
- Mức độ cũ mới của sản phẩm?
- Có vấn đề gì cần lưu ý khi sử dụng hay không?
3. Kiểm tra tính chắc chắn của sản phẩm
Đây chắc chắn là công việc quan trọng mà bạn cần làm. Đánh giá thật chính xác chất lượng của sản phẩm trước khi đi đến quyết định mua nó. Đừng ham mua đồ rẻ tiền vì khả năng cao sẽ vớ phải món đồ không chất lượng.
4. Tìm "đồ cần sửa chữa" để mua được giá tốt
Những món đồ cũ hỏng nhẹ cần thanh lý cũng là một món hời. Nếu kiểu dáng đẹp, chất liệu bền và chỉ cần sửa một vài chỗ nhỏ thì bạn nên thương lượng, sẽ có một mức giá tốt bất ngờ đấy. Chỉ cần bạn bỏ sức và công một chút, món đồ sở hữu với giá phải chăng sẽ nằm trong tay rồi.
5. Xác định trước giá mua mà bạn sẽ trả
Một sản phẩm nên bán đúng với chất lượng của nó. Nếu bạn thực sự thích món đồ đó hãy khảo giá và đưa ra con số cụ thể trong đầu. Giá mua bạn có thể trả để mình không vượt qua con số đó. Xác định trước một con số cụ thể sẽ giúp bạn rút lui đúng lúc khi giá bán bị đưa ra quá cao.
Thậm chí bạn không nên đưa ra quyết định mua ngay lúc đó. Làm rõ ràng thiệt hơn hoặc về nhà suy nghĩ kỹ rồi mới trả lời sẽ giúp quyết định mua của bạn chính xác nhất.
6. Tính toán phí vận chuyển
Bạn nên đánh giá việc nhận thanh toán phí vận chuyển có ảnh hưởng tới mức giá bán hay không. Tìm hiểu kỹ ai là người sẽ chịu trách nhiệm vận chuyển món đồ trước khi chốt giá. Bởi lẽ trong quá trình vận chuyển hỏng hóc có thể xảy đến và trách nhiệm cần được làm rõ. Cân nhắc và thống nhất điều này với người bán trước khi ký hợp đồng mua.
Lời khuyên:
Càng mua nhiều bạn sẽ càng có khả năng định giá tốt hơn.
KT