(Tổ Quốc) - Họ là những cô dâu không biết ngày mai như thế nào, những cô dâu không biết trách ai ngoài oán trách người mai mối - người dám tự định đoạt cuộc sống của họ.
Xuất hiện với thị lực kém cỏi, bà Liu Kam-lan vẫn ngồi xuống vui vẻ vỗ tay cùng với nhân viên xã hội của một tổ chức phi chính phủ đến từ Caritas ở San Uk Tsuen, một ngôi làng ở vùng lãnh thổ mới của Hong Kong, nơi cách biên giới Trung Quốc vài km. Xung quanh bà Liu có những người phụ nữ lớn tuổi khác, cũng đang trò chuyện, cười đùa.
Khi được đề nghị hát, bà Liu bắt đầu cất giọng bằng bài hát "Lời than thở của cô dâu" sử dụng tiếng địa phương của người Weitou, người định cư ở khu vực Lung Yeuk Tau từ triều đại nhà Tống (960 - 1279).
Tiếng địa phương nơi đây vẫn được cất lên bởi những người lớn tuổi còn đang sống quanh ngôi làng cổ. Bài hát "Lời than thở của cô dâu" là nỗi buồn của những người phụ nữ kể về chuyện đời của họ cách đây hơn 60 năm.
Bà Liu Kam-lan vẫn còn nhớ như in hình ảnh mẹ cõng lên gác áp mái để đợi người đến rước.
Ngược dòng quá khứ...
Giống như những người phụ nữ khác cùng thời, bà Liu được mẹ cõng và đi lên những bậc thang gỗ để bước vào gác áp mái. Nơi đó, bà phải nằm trên một tấm thảm trong vài ngày, và bạn bè đến để nói lời tạm biệt trước khi bà kết hôn với một người đàn ông mà mình chưa bao giờ gặp mặt. Từ đó về sau, bà sẽ phải xa quê hương mãi mãi và trở thành cô dâu xứ người.
Đây là cuộc sống của người phụ nữ Weitou. Trong bài hát "Lời than thở của cô dâu" là những lời oán than, giận dữ của họ đối với người mai mối, những người khiến cho họ cảm thấy mình bị phản bội. Đối với những người phụ nữ không được đi học, họ cũng sẽ được dạy bài hát này bằng cách truyền miệng hoặc được truyền qua nhiều thế hệ.
Bà Liu Kam-lan khi còn trẻ.
Ở xã hội xưa, người mai mối sẽ là một người phụ nữ trong lòng được giao nhiệm vụ tìm kiếm các cô gái ở độ tuổi kết hôn để se duyên với những người đàn ông từ các làng khác.
Đây là một phong tục truyền thống ở vùng nông thôn Hong Kong vào những năm 1960. Và bảy người phụ nữ tập trung tại làng San Uk Tsuen hôm nay là những người cuối cùng của thế hệ đó.
Những người phụ nữ Weitou, nhân chứng cho sự sắp đặt hôn nhân ở Hong Kong những năm 1960.
Trong số họ, có hai người được chọn chồng, số còn lại đều bị sắp đặt hôn nhân. Đương nhiên, không phải các cuộc hôn nhân nào cũng đều tồi tệ. Các nhân viên xã hội nói rằng, chỉ có số ít phụ nữ không hạnh phúc khi phải sống cuộc sống nô lệ, phục tùng và chỉ tìm thấy được tự do vào độ tuổi xế chiều khi người chồng qua đời.
Jeanne Ng Lok-chi, 40 tuổi, đã từng làm việc với những người phụ nữ lớn tuổi ở làng này với tư cách là nhân viên xã hội của Caritas trước khi là nhân viên tiếp thị ở một công ty gạo nói rằng, những người phụ nữ ấy đã có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của cô.
"Khi chúng tôi bắt đầu làm phóng sự về họ, thật sự rất buồn. Những người phụ nữ này cảm thấy cuộc sống của họ không là gì cả. Họ cho rằng tất cả những gì từng trải qua đều là bi kịch và không đáng phải nói", cô chia sẻ. Nhưng sau đó, khi họ bắt đầu trải lòng được, thì bài hát than thở và những câu chuyện khác đã thật sự được biết đến.
"Yesterday Once More" là một phóng sự tài liệu dựa trên sự tin tưởng giữa những người phụ nữ Weitou và các nhân viên xã hội của Caritas, được bắt đầu từ năm 1990. Mở đầu phóng sự là hình ảnh của một bà già đang tập thể dục bên cạnh những bức tường làng. Sau đó, những người phụ nữ sẽ nói về công việc vất vả hằng ngày của họ và rất hào hứng khi có cơ hội kể về những câu chuyện của mình. Thường là câu chuyện bi thảm, về một cuộc sống vất vả thiếu thốn, về việc không thể quay về quê hương khi bố mẹ qua đời…
Man Kam-hop là người phụ nữ lớn tuổi nhất ở đây.
Man Kam-hop là người phụ nữ lớn tuổi nhất ở đây, bà đã 91 tuổi, vẫn rất khỏe mạnh với mái tóc ngắn màu trắng. Bà kết hôn khi 25 tuổi.
"Tôi lớn lên tại làng San Tin. Ngày ấy, tầm khoảng 9 tuổi đã biết bắt đầu giúp đỡ bố mẹ và chưa bao giờ được đến trường. Thời ấy hầu như đứa trẻ nào cũng như thế. Gia đình chúng tôi trồng lúa, tôi thì được phân nhiệm vụ trông trâu bò. Ngày ngày tôi đều leo lên người chúng và hát những bài hát dân gian.
Khi nhìn lại tuổi thơ mình, tôi cảm thấy vô cùng bi thảm. Trẻ em ngày nay được người lớn chăm sóc tận tình, nhưng trong thời của chúng tôi không được như thế. Các chàng trai dường như chẳng có mấy cảm tình với chúng tôi như một người phụ nữ thật sự vì họ không thích cách mà chúng tôi cưỡi trâu như một người đàn ông", bà chia sẻ.
Leung Siu-ha, người đến từ Thâm Quyến.
Leung Siu-ha, người đến từ Thâm Quyến, nơi giờ đây là một trong những khu kinh tế cao của Trung Quốc đã chia sẻ về cuộc đời mình khi đến đây trong một hôn nhân sắp đặt: "Họ hàng của mẹ kế tôi sống ở đây. Khi mẹ kế đến thăm thì họ hỏi rằng có con gái nào ở độ tuổi kết hôn không và tôi đã xuất hiện ở nơi này".
Man Fung-king, 84 tuổi đến từ làng San Tin. "Tôi và chồng được giới thiệu tại một nhà hàng. Lúc đó tôi đã rất sợ hãi, lo lắng. Không biết làm thế nào để diễn tả mình lúc đó. Năm đó tôi 17 tuổi và chính thức kết hôn vào năm 18 tuổi". Được biết, trước khi hôn lễ được diễn ra, bà đã dành 3 đêm khóc trên gác áp mái. Khi bạn bè đến thăm hỏi, họ đã ôm nhau khóc và cùng hát bài hát kia.
Trong khi những người phụ nữ chia sẻ về cuộc sống của họ, thì nhân viên xã hội tỏ ra thận trọng khi bắt đầu tìm hiểu chi tiết về cuộc hôn nhân ấy. Chẳng hạn như chuyện gì xảy ra khi họ kết hôn? Hay thậm chí bất kỳ câu chuyện nào về tình dục? Nhưng họ cũng không chia sẻ quá nhiều. Bà Leung nói: "Tôi chỉ biết rằng, bạn phải phục tùng chồng và tuân theo quy luật của gia đình chồng. Ngoài ra không còn gì khác cả. Tất cả chỉ có vâng lời và vâng lời".
Những người phụ nữ Weitou vẫn lưu giữ lại văn hóa tại ngôi làng này.
Buổi phỏng vấn không quá mang tính khai thác mà lồng vào đó là sự đồng cảm với những người phụ nữ của thế hệ trước. Jeanne Ng Lok-chi nói rằng, cô sẽ mãi nhớ về bài hát "Lời than thở của cô dâu", khi cô chứng kiến họ hát bài hát này, dường như những người phụ nữ ấy đã quên mất mình bao nhiêu tuổi?
"Cùng là phụ nữ với nhau, chúng tôi chỉ chia sẻ những cảm xúc chung về cách mà chúng tôi đối mặt với những thử thách trong gia đình và xã hội. Thông qua bài hát này, bạn sẽ thấy được họ vẫn còn rất trẻ", cô Jeanne Ng nói.
Sau tất cả, những người phụ nữ này chính là nhân chứng cuối cùng biết hát "Lời than vãn của cô dâu" cũng như việc là người từng trải qua nghi thức đám cưới cổ xưa kia. Nếu như họ không truyền đạt kiến thức này cho những thế hệ tiếp theo thì có lẽ "Lời than vãn của cô dâu" sẽ biến mất mãi mãi.
(Nguồn: SCMP)
Jia You